Tài nguyên du lịch: Cần khai thác, sử dụng hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tài nguyên du lịch là cơ sở và là yếu tố cần thiết để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tài nguyên du lịch của mỗi vùng có những đặc trưng khác nhau, do đó sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch riêng biệt, độc đáo. Hiện nay, việc tận dụng tài nguyên du lịch sẵn có để đưa vào khai thác, phục vụ du khách đã và đang được các địa phương trong tỉnh triển khai rất tốt. Vấn đề đặt ra là cần khai thác, sử dụng sao cho hợp lý.
Có thể kể ra hàng loạt các hoạt động văn hóa du lịch tiêu biểu của nhiều địa phương thời gian qua như: Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah); Ngày hội hoa muồng vàng (huyện Chư Prông); Tuần lễ cỏ hồng và hội chợ nông sản (huyện Đak Đoa); Chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô (huyện Ia Grai); Lễ hội dâu da đỏ (thị xã An Khê)… Đây đều là những lễ hội tận dụng tài nguyên du lịch sẵn có để tổ chức. Các hoạt động này thu hút khá đông du khách đến tham quan và trải nghiệm, nhiều mặt hàng nông-thổ sản, sản phẩm nghề thủ công truyền thống được bày bán và tiêu thụ nhanh chóng, nhiều món ăn đặc trưng vùng miền được giới thiệu và quảng bá đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách…
 Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Như vậy, có thể thấy việc khai thác nguồn tài nguyên du lịch hiện có của mỗi địa phương để phục vụ phát triển du lịch là điều cần làm hiện nay. Thứ nhất, như đã nhắc ở trên, tài nguyên du lịch của mỗi địa phương là không giống như nhau, vì thế càng nhiều tài nguyên được khai thác sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Thứ hai, các hoạt động này sẽ góp phần giúp người dân trong vùng phát triển kinh tế. Thứ ba là tạo được một “cuộc tranh đua ngầm” nhưng lành mạnh khiến các địa phương còn lại cũng phải tự đặt câu hỏi “Đâu là tài nguyên du lịch riêng có của mình?” để trên cơ sở đó xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Với những lợi ích từ việc khai thác tài nguyên hiện có, để phát huy hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới cần có thêm nhiều điều kiện. Trước hết, cần có sự kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, sự liên kết giữa các địa phương lân cận với nhau nhằm trao đổi cách thức tổ chức, bố trí hoạt động hợp lý, thiết kế tour tuyến khoa học… Điển hình, tại Chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vừa qua, du khách vẫn chưa nhận ra được phiên chợ vùng biên này có gì khác biệt so với phiên chợ những vùng khác vì ở đây thiếu đi sự liên kết. Nếu phiên chợ này có nhiều hơn nữa sự tham gia của một số gian hàng đến từ các tỉnh giáp giới thuộc Vương quốc Campuchia thì sẽ phong phú và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động cần đưa vào kế hoạch định kỳ và có hướng xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương; tránh tình trạng tổ chức theo phong trào, thiếu chuyên nghiệp, manh mún, làm mất lòng tin của du khách. Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về sự kiện bằng các hình thức khác nhau để nhiều người biết đến hoạt động của địa phương mình. Ngoài ra phải có biện pháp để nâng cao ý thức của du khách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Nhiều trường hợp du khách đi hội hoa nhưng lại bẻ cành, hái hoa để làm đạo cụ chụp ảnh, hoặc sử dụng các dịch vụ ăn uống tại chỗ nhưng không giữ vệ sinh chung, gây ảnh hưởng đến mỹ quan của địa điểm tổ chức hoạt động du lịch. Mặt khác, để việc khai thác tài nguyên du lịch trở nên thuận lợi, cần phải xây dựng đồng bộ các cơ sở phục vụ du lịch như đường giao thông, khu vệ sinh công cộng, các dịch vụ đi kèm… Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và diện mạo của địa phương thì việc đầu tư cho du lịch là vấn đề thiết yếu hiện nay. Dù có tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú nhưng nếu không biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì bất cứ nguồn tài nguyên nào cũng sẽ có nguy cơ bị cạn kiệt. Do đó, làm du lịch phải dựa trên sự hiểu biết và có sự hỗ trợ của các chuyên gia, làm theo lộ trình và dựa trên nguyên tắc bền vững, thống nhất, hợp tác và lâu dài.
 HUYỀN THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.

Điểm hẹn xanh An Toàn

Điểm hẹn xanh An Toàn

An Toàn là một xã vùng cao của An Lão - huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, vùng đất còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành, điểm đến lý tưởng cho những ai muốn được chữa lành giữa thiên nhiên xanh tươi, thế giới tự nhiên hài hòa.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.