ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, cách tối ưu nhất là tổ chức thi tuyển bình đẳng, minh bạch, khách quan để giải bài toán 1 "ghế" có nhiều cấp trưởng.
Cần tính toán thật kỹ việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư
Dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021 mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng được dư luận đồng tình ủng hộ.
Theo ông Phạm Văn Hòa-Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương đúng đắn, thể hiện một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Trong khi đó, bộ máy hành chính của nước ta còn cồng kềnh, kém hiệu quả, có bộ phận không nhỏ công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, thậm chí còn có những thái độ, những việc làm không có lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Hòa- Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Chính vì vậy việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, đặc biệt là các đơn vị hành chính hiện nay là hết sức quan trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ công chức, viên chức đối với với nhân dân. Mặt khác, giảm được việc chi thường xuyên ngân sách cho một bộ máy Nhà nước hoạt động chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng vì liên quan đến bề dày lịch sử, địa giới hình chính cũng như sinh hoạt tập quán của mỗi người dân, đặc biệt liên quan đến vấn đề con người, nên các địa phương cần hết sức thận trọng, khách quan trong việc tổ chức thực hiện. Song cũng không vì những lý do đó mà chậm trễ, hoặc không chấp hành chủ trương.
“Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Bộ Nội vụ lấy ý kiến để xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện là hết sức cần thiết. Vì việc này liên quan đến con người nên cần thực hiện một cách thận trọng, khách quan, làm sao không phải là cuộc sáp nhập, hợp nhất theo kiểu cơ học mà là sáp nhập vì mục đích tinh giản, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm con người kém hiệu quả, nâng cao trách nhiệm tinh thần phục vụ của cán bộ công chức mỗi ngày một đi lên” – ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh sáp nhập các đơn vị hành chính, cần tính toán thật kỹ việc sắp xếp, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ dôi dư để không xáo trộn đến hiệu quả công việc.
Theo đó, mỗi địa phương, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh phải từng bước nghiên cứu, lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao, trong đó có ý kiến tham gia của tập thể lãnh đạo, trên tinh thần khách quan, vô tư, công tâm; tuyệt đối không vì lợi ích nhóm, không phải “hậu duệ”, càng không phải vì “tiền tệ”.
Để giải quyết bài toán 1 “ghế” nhưng có tới 2-3 cấp trưởng đều có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức như nhau, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cách tối ưu nhất là tổ chức thi tuyển bình đẳng, minh bạch, khách quan để chọn lựa đúng người xứng đáng, đồng thời những người không đạt cũng sẽ tâm phục khẩu phục.
“Không chỉ đối với chức danh lãnh đạo mà cũng cần tổ chức thi tuyển đối với cán bộ công chức, viên chức thì sẽ khách quan hơn”-ông Hòa cho biết.
Đối với bộ phận cán bộ dôi dư kém năng lực, kém phẩm chất, không bố trí vào những công việc thích hợp thì cũng cần có chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương để họ yên tâm rời khỏi bộ máy, làm công việc bên ngoài. Muốn làm được điều này cần phải tuyên truyền, giải thích, vận động, đả thông tư tưởng cán bộ và cũng cần có nguồn ngân sách tương ứng để giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức.
“Con người là gốc của cội rễ, gốc của nguồn lực, nên ngân sách Nhà nước phải quan tâm chú ý tới. Địa phương nào khó khăn thì báo cáo về tỉnh, Trung ương nghiên cứu tính toán, sắp xếp nguồn lực tài chính để giải quyết chính sách cho từng địa phương” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Bên cạnh đó, khi sáp nhập các xã, huyện vào với nhau phải tận dụng trụ sở hành chính cũ, cương quyết không được xây mới để giảm chi phí. Với trụ sở dôi dư, cần thiết tổ chức đấu giá, kêu gọi đầu tư, lấy nguồn ngân sách đó để giải quyết chính sách cho cán bộ công chức, viên chức mất việc sau khi sáp nhập.
Kiểm soát quyền lực người đứng đầu sau khi sáp nhập
Điều Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp lo lắng hơn cả đó là vấn đề kiểm soát quyền lực người đứng đầu, người có trách nhiệm sau khi sáp nhập. Theo đó, cấp trên, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là cơ quan dân cử phải tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực, có ý kiến đóng góp để người đứng đầu thấy rằng họ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phục vụ nhân dân và mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân.
Vừa qua, TP. Hà Nội kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính. Ban đầu, dù có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả, nhưng cùng với sự quyết tâm chính trị cao, sau 10 năm sáp nhập hiệu quả mang lại cho người dân cho các tỉnh sau khi sáp nhập vào Hà Nội là nhiều hơn hết.
“Tại sao một tỉnh lớn như Hà Tây nhập vào TP. Hà Nội được thì không có lý do gì xã, huyện không thể thực hiện được”-ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Mục đích cuối cùng của sáp nhập là giảm bộ máy hành chính Nhà nước, giảm cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực, giảm biên chế, lấy nguồn ngân sách đó lo cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cao ý thức trình độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Quan trọng hơn cả là làm cho cán bộ hiểu rằng, nếu thiếu trách nhiệm, làm mất lòng dân, làm việc không hiệu quả thì khó tránh khỏi việc không bị loại khỏi bộ máy.
Kim Anh/VOV