Emagazine

E-magazine Rmah Et với hành trình chinh phục cây lúa nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một buổi sáng đầu năm 2024, tôi tìm về cánh đồng Trạm Bơm của thị trấn Phú Thiện để tìm gặp ông Et. Dưới ánh nắng trong lành của buổi sớm mai, cánh đồng đã vô cùng nhộn nhịp, rộn ràng. Người dân đều tranh thủ ra đồng, người be bờ, dẫn nước, người cặm cụi làm đất để chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới. Từng thớ đất khô vỡ vụn trong dòng nước mát như ấp ủ sức sống để khi hạt lúa gieo xuống nảy mầm lên xanh. Dù đang bận đắp bờ, dẫn nước vào ruộng nhưng khi biết mục đích đến thăm của tôi, ông Et cười vang rồi dừng tay. Và, câu chuyện của chúng tôi cứ thế được nối dài, từ hành trình chinh phục cây lúa nước đến việc tuyên truyền, vận động dân làng chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước của ông Et gần 30 năm trước.

Cũng như bao người con Jrai nơi đây, ông Et lớn lên bên những rẫy mì, rẫy lúa. Năm 1976, ông lập gia đình. Sau nhiều năm vỡ đất khai hoang, gia đình ông có gần 6 ha đất nông nghiệp. Dù vậy, theo tập quán canh tác cũ, cây lúa được trồng bằng phương thức chọc trỉa và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên năng suất rất thấp. Có nhiều năm, số thóc thu được không đủ giải quyết cái ăn cho 9 người trong gia đình.

Năm 1987, khi nghe tin Nhà nước có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ để phục vụ cho việc trồng lúa nước, ông Et như vỡ òa sung sướng. Ông Et kể: “Lúc bấy giờ, tôi là Phó Giám đốc Xí nghiệp Nông lâm xã Ia Sol. Được đi tham quan nhiều nơi, tôi biết cây lúa nước cho năng suất rất cao. Nếu đầu tư vào nó, chắc chắn dân làng sẽ giải quyết được cái đói giáp hạt hàng năm. Vì vậy, năm 1990, khi công trình thủy lợi Ayun Hạ chính thức khởi công xây dựng, tôi đã tự nguyện hiến hơn 1 ha đất sản xuất để phục vụ cho việc xây dựng công trình”.

Năm 1995, nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ được đưa về các cánh đồng, ông Et mừng vui đi khắp làng thông báo cho người dân biết. Thế nhưng, đổi lại, bà con lại tỏ ra dửng dưng. Theo ông Et, nguồn cơn của việc này là do xưa nay, bà con quan niệm cây lúa chỉ ở trên cạn, nếu bắt cây lúa xuống nước thì Yàng sẽ phạt nên không ai dám phá lệ làng. Bởi vậy, việc vận động dân làng chuyển đổi từ canh tác lúa rẫy sang trồng lúa nước là không hề dễ dàng. Có hôm, tranh thủ thời gian tại các cuộc họp, ông nói đến rát họng nhưng vẫn không ai chịu làm theo. Khi ấy, ông nhận ra, bản thân phải tiên phong làm trước và phải đạt được hiệu quả tốt thì người dân mới tin và làm theo.

Với suy nghĩ ấy, vụ mùa năm 1995, ông Et tiên phong nhận trồng thử nghiệm 5 sào lúa giống A32. Không kể ngày đêm, ông dành thời gian đến các hộ gia đình người Kinh từ các tỉnh miền Bắc đi kinh tế mới vào đây để học hỏi kinh nghiệm, từ kỹ thuật ngâm giống, gieo sạ, đến dặm lúa, bón phân...

Cho tới bây giờ, mỗi lần nhắc về quá trình vận động và hỗ trợ người dân trồng lúa nước, ông Et vẫn gọi đó là kỳ tích. “Ròng rã suốt 2 năm trời vận động, bà con vẫn không tin vào sự “kỳ diệu” của cây lúa nước. Thế nhưng, đến khi thu hoạch, thấy khoảng sân nhà tôi chất đầy lúa, bà con trong làng rủ nhau tới xem. Tận thấy thành quả của công sức lao động, nhiều người nói tôi bán lúa giống để họ trồng thử nghiệm cây lúa nước. Nghe vậy, tôi mừng lắm”-ông Et chia sẻ.

Theo ông Et, vấn đề khó khăn nhất lúc bấy giờ là nhiều diện tích đất nằm ở khu vực trên cao nên không thể dẫn nước vào ruộng. Sau nhiều đêm trăn trở, đầu năm 1997, ông quyết định mua 3 chiếc máy bơm chạy bằng dầu về đặt gần kênh mương để bơm nước phục vụ cho việc canh tác của người dân. Không những thế, ông còn bàn bạc với vợ chia 2 ha đất sản xuất của gia đình cho 8 hộ nghèo trong làng và một số làng lân cận để bà con cùng canh tác lúa nước.

Thấy cây lúa cho nhiều thóc, năm 2000, các hộ dân ở làng Plei Knông nói riêng, xã Ia Sol nói chung đều đồng loạt trồng lúa nước. Nhờ chăm chỉ học hỏi, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất ngày càng tăng. Nhiều hộ không chỉ giải quyết được cái đói mà còn có thêm thu nhập từ bán sản phẩm.

Đang tranh thủ đắp bờ, ông Rmah Hiếc (tổ 4, thị trấn Phú Thiện) cười hiền cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có vài sào lúa rẫy nên không đủ ăn. Năm 1997, được ông Et cho 8 sào đất và hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước nên năm nào lúa cũng đầy kho. Công ơn của ông Et với gia đình tôi là rất lớn. Vì vậy, năm 2005, tôi đã trả lại 4 sào đất để ông ấy chia cho các con. Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng gieo trồng giống lúa mới, 4 sào lúa còn lại cũng cho thu gần 3 tấn thóc/vụ”.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện, để người dân yên tâm gắn bó với cây lúa nước, những năm gần đây, thị trấn thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động người dân xây dựng cánh đồng lúa một giống. Đến nay, thị trấn có 570 ha lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. “Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng mì và rau màu các loại nên kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt”-Chủ tịch UBND thị trấn thông tin.

Tôi rời cánh đồng Trạm Bơm khi mặt trời đã đứng bóng. Đi trên con đường nội đồng đã được bê tông hóa phẳng lì, nhìn những thửa ruộng màu mỡ thơm nồng hương đất, tôi nghĩ về những vụ mùa bội thu sẽ tiếp tục đến với bà con nơi đây. Trong niềm hân hoan đó, lòng tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của ông Et nói trước lúc chia tay: “Nhờ có cây lúa nước, nhiều gia đình đã có của ăn của để. Vậy nên, cái đói giáp hạt với người dân chúng tôi giờ chỉ còn là ký ức”.

Có thể bạn quan tâm

ĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN -Bài 2: Phát huy vai trò đại biểu dân cử

E-magazineĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN - Bài 2: Phát huy vai trò đại biểu dân cử

(GLO)- Không những kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi góp phần gỡ “nút thắt” cho sự phát triển của tỉnh, các đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Gia Lai còn tăng cường vai trò giám sát nhằm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

ĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN-Bài 1: Đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường

E-magazineĐẠI BIỂU DÂN CỬ - “CẦU NỐI” CHÍNH QUYỀN VỚI NHÂN DÂN - Bài 1: Đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường

(GLO)- Những năm qua, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử để kịp thời tiếp nhận, giải quyết cũng như chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp thẩm quyền.

Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

E-magazineHướng tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII: Tin tưởng và kỳ vọng

(GLO)- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra vào ngày 5 và 6-11. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, nhiều cán bộ, hội viên và đại diện các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào đại hội.

Thúc đẩy khởi nghiệp từ cây dược liệu bản địa

InfographicThúc đẩy khởi nghiệp từ cây dược liệu bản địa

(GLO)- Thời gian qua, các ngành, địa phương tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững, góp phần phát triển ngành dược liệu của địa phương và tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới phù hợp với thực tiễn.

Mê kiểng lá-thú chơi thời hiện đại

E-magazineMê kiểng lá-thú chơi thời hiện đại

(GLO)- Lá có gì để mà mê, mà trở thành kiểng lá-một thú chơi thời hiện đại. Đi tìm câu trả lời này chính là lúc bạn và tôi rơi vào thế giới kiểng lá biến đổi kỳ ảo bởi sự đa dạng về màu sắc, hình thái, form dáng, kích cỡ…

Gia Lai 24h: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia kịch tính, hấp dẫn

Gia Lai 24h: Chung kết Đường lên đỉnh Olympia kịch tính, hấp dẫn

(GLO)- Trải qua 4 phần thi đầy gay cấn, Võ Quang Phú Đức (Trường THPT chuyên Quốc học Huế) đã xuất sắc trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24. Chàng trai Gia Lai Nguyễn Quốc Nhật Minh cùng 2 “nhà leo núi” còn lại cũng cho thấy bản lĩnh và trí tuệ của mình tại vòng chung kết cuộc thi diễn ra vào sáng 13-10.

Người dân làng Đaklah-Tờ Rah (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) vui mừng khi được UBND xã giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng quản lý.

E-magazineQuản lý, phát triển rừng cộng đồng: Cần có thêm cơ chế chính sách phù hợp

(GLO)- Việc triển khai công tác quản lý, phát triển rừng cộng đồng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, gắn quyền lợi các hộ sống gần rừng với trách nhiệm bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để chính sách này mang lại hiệu quả cao thì cần có thêm các cơ chế chính sách phù hợp.

Thanh niên Gia Lai hướng về ngày hội lớn

E-magazineThanh niên Gia Lai hướng về ngày hội lớn

(GLO)- Với tinh thần đoàn kết, xung kích và sáng tạo, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa nhằm hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “68 ngày thanh niên Gia Lai chào mừng Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029”.

Tình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

E-magazineTình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai có sự tham gia của không ít thầy cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt, “truyền lửa” và lan tỏa tình yêu con chữ.
Tình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

E-magazineTình thương riêng dành học trò vùng khó - Kỳ 2: "Người cha đặc biệt" của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo cho các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ mô hình sinh kế, nhà ở kiên cố. Mỗi thầy giáo như một "người cha đặc biệt", trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.