Chị Đinh Tuyết Ngân (tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) thường xuyên có những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như việc dùng hộp nhựa để đựng thức ăn khi đi chợ. Chị cho biết: “Ban đầu, thấy tôi mang theo hộp nhựa để mua thức ăn, mọi người ngạc nhiên và tỏ vẻ ái ngại.
Một bình pin cũ được chị Đinh Tuyết Ngân ( tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) thu gom để gửi đi xử lý. Ảnh:Nguyễn Thảo |
Nhưng khi nghe tôi chia sẻ và giải thích, họ cũng thấy quen và hiểu được ý nghĩa của hành động này”. Khi đi uống cà phê hay trà sữa ở bên ngoài, chị Ngân cũng lựa chọn các quán phục vụ nước bằng ly sứ hay thủy tinh mà không phải là ly nhựa dùng một lần.
Chị Ngân còn tạo thói quen mang theo bình uống nước cá nhân để nếu đột xuất có hẹn với bạn ở những quán dùng ly nhựa mang đi, chị sẽ nhờ nhân viên của quán đựng nước uống vào bình của mình.
Theo chị Ngân, pin là nguồn năng lượng khá thông dụng. Tuy nhiên, chúng có thể gây tác động rất lớn tới môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người nếu việc xử lý không đúng cách. Vì vậy, chị đã lập điểm thu gom pin đã qua sử dụng.
“Khi vứt pin đã sử dụng vào thùng rác, chúng sẽ được chuyển đến các bãi rác để chôn lấp. Khi ấy, pin tiếp tục phân hủy và rò rỉ. Trải qua quá trình ăn mòn, các kim loại nặng ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và hệ sinh thái động-thực vật xung quanh”-chị Ngân cho hay.
Bởi vậy, chị Ngân vận động mọi người cất những chiếc pin cũ vào một chiếc chai nhựa rồi gửi về địa chỉ nhà chị. Sau đó, chị sẽ gửi số pin này về điểm thu gom tại TP. Hồ Chí Minh để được xử lý đúng cách.
Chị Siu Hồng (làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) tận dụng nắp lon bia, nước ngọt để tạo ra những vật dụng như: ví cầm tay, túi đeo chéo, túi xách tay, ba lô, hộp bút, gùi để đi rẫy, gùi trang trí… cũng là việc làm vô cùng ý nghĩa. Việc làm này vừa tạo được thu nhập cho bản thân chị Hồng, vừa góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường sống.
Còn một đồng nghiệp cũ của tôi-chị Tạ Thị Điệp (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại là hạt nhân tích cực trong bảo vệ môi trường thông qua việc “lên rừng trồng cây”. Đến mùa mưa, vào dịp cuối tuần, cả gia đình chị Điệp cùng những người bạn chuẩn bị hạt giống hoặc một số cây con tự ươm đem lên núi Chư Nâm (huyện Chư Păh) để gieo trồng. Công việc này đã được chị Điệp cùng nhóm bạn duy trì trong 3 năm qua.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi mong cây lớn lên, tỏa bóng mát, góp phần làm đẹp thêm cho ngọn núi. Khi gieo mầm cây xuống đất, tôi cũng đã gieo vào tâm trí các con tình yêu thiên nhiên. Tôi rất mong việc làm này trở nên phổ biến”.
Ở nơi làm việc, tôi và đồng nghiệp vẫn thường tận dụng những tờ giấy đã dùng một mặt để làm nháp, in những nội dung không quá quan trọng hoặc mang về cho con làm giấy vẽ, làm đồ thủ công. Chị em nữ truyền tai nhau mua và mặc những loại trang phục được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường như: vải len, vải linen, tơ lụa hay 100% cotton...
Khi đi chợ hay siêu thị, chúng tôi mang theo túi xách dùng nhiều lần để đựng thực phẩm. Ở nhà, chúng tôi tự tay phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ vào những túi đựng khác nhau...
Đó là những việc làm hay thói quen rất nhỏ nhưng góp phần làm cho môi trường sống ngày một xanh tươi, trong lành hơn.