Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.

"Cháy" phòng trước kỳ nghỉ lễ

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, anh Vũ Hồng Giang, luật sư làm việc tại Vĩnh Phúc, đặt phòng cho gia đình ở homestay bản Áng (xã Đông Sang, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Homestay nằm giữa vườn mận quả sai trĩu sắp vào mùa thu hoạch. Ngoài "khuyến mại" trải nghiệm hái mận tại vườn, từ khu nghỉ này anh Giang dễ dàng lái xe đưa vợ con đi hái dâu tây, đến thác Dải Yếm đi thuyền, tắm suối tận hưởng không khí mát lành.

Khách du lịch lên Mộc Châu check-in, trải nghiệm hái mận dịp nghỉ lễ 30.4-1.5. Ảnh: ĐINH PHÚC

Khách du lịch lên Mộc Châu check-in, trải nghiệm hái mận dịp nghỉ lễ 30.4-1.5. Ảnh: ĐINH PHÚC

"Tôi từng nghỉ khách sạn ở Mộc Châu nhưng ngày lễ đúng là cực hình, đông đúc từ xếp hàng check-in, chờ thang máy lâu, rất mệt mỏi. Phòng ăn thì bữa nào cũng kín chỗ. Còn ở homestay thì tận hưởng những ngày nghỉ thư thái đúng nghĩa. Các bữa ăn đều lên thực đơn đặt trước, phục vụ rất nhanh. Trẻ con, người lớn thoải mái dã ngoại ở các vườn mận, vườn dâu, đi tắm suối rất vui", anh Giang nói.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Thanh Hương, hướng dẫn viên du lịch tại H.Mộc Châu, cho hay những năm gần đây, không chỉ là người trẻ mà khách trung niên, các gia đình nhờ tìm homestay đặt phòng tăng lên rất nhiều. Cuối tuần, đa số các homestay đều kín khách, còn những dịp nghỉ lễ đều phải đặt trước.

"Năm nay có trend du lịch "chữa lành" nên những homestay ở Mộc Châu mà nằm biệt lập trong vườn mận, đồi chè hoặc có phòng view đẹp, độc thì càng dễ bán phòng, những chỗ đẹp đều có khách đặt trước cả tuần nay rồi", chị Hương phản ánh.

Ông Phan Thanh Sơn, chủ sở hữu kiêm quản lý của Bac Ha Threeland Homestay tại thôn Na Lo (xã Tà Chải, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), cho biết khu nghỉ của gia đình đón tối đa 35 khách đã không còn phòng trống. Giá phòng được giữ như ngày bình thường 150.000 đồng/đêm cho phòng cộng đồng; phòng riêng từ 500.000 - 800.000 đồng/đêm. Thông tin chia sẻ trong nhóm câu lạc bộ homestay Bắc Hà, 50 cơ sở đều kín khách trong kỳ nghỉ lễ.

Theo ông Sơn, không chỉ có khách nước ngoài mà khách Việt ở homestay cũng tăng nhanh qua từng năm. Những người thích dịch vụ lưu trú này có điểm chung là thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ. Đến Bắc Hà bây giờ không chỉ có đặc sản đi chợ phiên vào chủ nhật, thăm dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, khách ở homestay "khoái" nhất là đi chơi vườn hồng, tắm thác nước, thăm trại rau quả hoặc lên đỉnh núi Ngải Thầu ngắm hoàng hôn, khám phá bản làng người dân tộc Mông, Tày, Nùng... quanh thị trấn.

Tương tự, chủ 2 homestay ở hai địa điểm du lịch nổi tiếng tại Lào Cai, Bắc Kạn gồm: Ta Van Dragon House (TX.Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và Ba Be Dragon House (H.Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), anh Vũ Trung Thành, xác nhận toàn bộ số phòng đều có khách đặt trước. Dịp lễ 30.4 - 1.5 khách đặt rất sớm, trước lễ cả tháng.

"Các homestay trong bản luôn san sẻ, giới thiệu khách cho nhau. Năm nay đến sát ngày lễ vẫn có nhiều khách hỏi thuê nhưng không còn phòng trống", anh Thành cho biết.

Du lịch cộng đồng phục hồi mạnh mẽ

Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin, UBND TX.Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nhận định du lịch cộng đồng đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ở Sa Pa, homestay phát triển mạnh với số lượng nhiều nhất đều ở 2 xã Tả Van, Mường Hoa và đã có bước phát triển vượt bậc với các dịch vụ cao cấp, có phân khúc khách hàng riêng.

Mùa mận chín ở Mộc Châu. Ảnh: ĐINH PHÚC

Mùa mận chín ở Mộc Châu. Ảnh: ĐINH PHÚC

"Homestay trước đây là ăn ở, sinh hoạt cùng gia đình. Còn bây giờ, nhiều homestay có bungalow biệt lập, có tour riêng phục vụ theo nhu cầu, sở thích của khách chứ không chỉ là tham gia trải nghiệm lao động cùng bà con nữa. Một số hộ đưa khách đi tìm hiểu nghề vẽ sáp ong, nghề thêu thổ cẩm; có homestay mời nghệ nhân đến giao lưu, chia sẻ. Ngoài phát triển kinh tế, các homestay này đang tham gia gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa", bà Vượng nói.

Ông Phan Thanh Sơn cho rằng, nếu đi du lịch thông thường, có lẽ rất ít người muốn trở lại nhiều lần ở cùng một điểm đến, thế nhưng ở homestay của gia đình thì danh sanh khách quen mỗi năm lại được nối dài hơn. So với khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay có thế mạnh ở không gian sinh hoạt rộng rãi, thoải mái, gần gũi với thiên nhiên và mỗi mùa trong năm đều có vẻ đẹp rất riêng thu hút khách quay trở lại.

"Bên cạnh các món ăn đặc sản, tôi thường tổ chức chương trình biểu diễn múa xòe của người dân tộc Tày, tư vấn cho khách lịch trình đi chơi những đâu, nên đi vào mùa nào đẹp nhất. Khi có thời gian rảnh, tôi trực tiếp dẫn khách đi chơi. Cứ thế, giữa chủ nhà và du khách gần gũi hơn; nhiều khách đến đây lần đầu rồi trở thành khách quen, bạn của gia đình", anh Sơn nói.

Theo UBND H.Mộc Châu, không chỉ trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp phát triển nở rộ những năm gần đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến địa phương giúp người dân gia tăng thu nhập từ các dịch vụ, như thu phí vào vườn và lưu trú homestay.

Khảo sát của Thanh Niên, hiện các nhà vườn trồng dâu, trồng mận, trồng cam, trồng hồng... đều mở cửa đón khách vào chụp ảnh check-in, phí phổ biến là 20.000 đồng/người. Ngoài ra, nhiều nhà vườn cho thuê địa điểm cắm trại nghỉ qua đêm, cung cấp thực phẩm cho khách ăn uống tại chỗ...

Anh Nguyễn Văn Bình, chủ vườn mận Thanh Bình tại tiểu khu Bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu (H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La), cho biết từ đầu tháng 4, khi mận bắt đầu chín, các nhà vườn đều đón khách đến trải nghiệm hái mận, chụp ảnh check-in.

"Vườn mận nhà tôi túc tắc đón khách cả tháng nay, ngày ít thì 100 - 200 khách, cuối tuần và nghỉ lễ dài ngày lượng khách đông hơn, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể từ việc thu phí. Khách du lịch giúp tiêu thụ số lượng lớn nông sản khi họ đặt mua làm quà tặng người thân, bạn bè", anh Bình nói.

Theo UBND H.Mộc Châu, những năm gần đây, các điểm lưu trú homestay tăng nhanh, tập trung tại bản Áng (xã Đông Sang), bản Dọi (xã Tân Lập), bản Vặt (xã Mường Sang)... Lý do, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND H.Mộc Châu, khí hậu cao nguyên mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp quanh năm, đặc biệt có nhiều vùng trồng rau quả đang là lợi thế để địa phương thu hút khách du lịch. Nhưng để phát triển bền vững, H.Mộc Châu xác định xây dựng thành một sản phẩm du lịch thu hút khách trong nước và nước ngoài đến trải nghiệm thì phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái để tất cả người dân cùng được hưởng lợi, tăng thu nhập từ các dịch vụ.

Bà Hoa cũng thông tin, H.Mộc Châu đang hỗ trợ, kêu gọi xã hội hóa duy trì hoạt động 184 đội văn nghệ quần chúng ở các bản, tiểu khu; hỗ trợ kinh phí phục dựng lại nhiều lễ hội văn hóa độc đáo như lễ hội Hết Chá và xòe Thái của dân tộc Thái; lễ cấp sắc và nghi lễ truyền thống trong đám cưới của dân tộc Dao; nghi lễ cúng dòng họ, múa khèn và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông... để đưa vào khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm