Bám sát kế hoạch sản xuất vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục có mưa trên diện rộng và đều khắp nên nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực xuống giống cây trồng vụ mùa nhằm đảm bảo lương thực, bù đắp lại thiệt hại do hạn hán trong vụ Đông Xuân vừa qua.

 Nông dân làm đất chuẩn bị cho vụ mùa. Ảnh: QUANG TẤN
Nông dân làm đất chuẩn bị cho vụ mùa. Ảnh: QUANG TẤN

Huyện Ia Grai đặt mục tiêu phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất vụ mùa năm 2016. Theo đó, huyện giao chỉ tiêu cho các địa phương tận dụng diện tích và nâng sản lượng cây trồng như: lúa mùa đạt diện tích 2.520 ha, năng suất 43,5 tạ/ha (tăng 2 tạ/ha so kế hoạch); bắp 500 ha, năng suất 51,2 tạ/ha, sản lượng 2.560 tấn; mì khoảng 4.700 ha, năng suất 140 tạ/ha (tăng 8 tạ/ha so kế hoạch); đậu các loại 270 ha, năng suất 9,7 tạ/ha, sản lượng 262 tấn; đậu phộng 90 ha, khoai lang 80 ha, rau các loại 320 ha. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa thuần và các giống mới đảm bảo chất lượng như: HT1, OM4900, VNĐ95-20 và ML48, OM6976, ĐV108, ML49, ML202; giống bắp lai CP888, Bioseed 9698, CP333, C919, CP888 và các giống mì mới KM419, KM140, KM98-5, HL-S10, HL-S11…

Tại cánh đồng làng Nang, xã Ia Sao (huyện Ia Grai) sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, người dân bắt tay làm đất và gieo sạ vụ mùa. Người dân tiến hành làm đất và xuống giống sớm để tránh mưa bão. Anh Rơ Châm Gích cho biết: “Gia đình có hơn 2 sào ruộng, vụ Đông Xuân vừa qua không bị hạn. Mình thu hoạch xong thì tiến hành làm đất để kịp vụ mới. Nếu gieo sạ muộn khi lúa chín gặp mưa bão sẽ bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất và khó thu hoạch…”.

Theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Từ đầu vụ mùa, huyện đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp thâm canh, sử dụng giống trung ngày để thu hoạch sớm và dứt điểm trong tháng 10 nhằm tạo thuận lợi cho vụ sản xuất tiếp theo, tránh rơi vào thời điểm mưa bão. Hỗ trợ kịp thời giống lúa từ các chương trình dự án của tỉnh, huyện để nhân dân gieo trồng kịp thời vụ. Vận động nhân dân tích cực trồng xen bắp vào những khu vực đất trống, đất vườn cây công nghiệp tái canh, chưa khép tán, sử dụng tối đa các loại đất nhằm tăng diện tích gieo trồng… Nhân rộng giống mì KM140 tại các xã Ia O, Ia Chía, Ia Krái, Ia Khai, Ia Grăng...

Trong khi đó, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa, Chư Pah, Krông Pa, Kbang, Đak Pơ và thị xã Ayun Pa... cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và xuống giống đồng loạt cây trồng vụ mùa, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng. Anh Nguyễn Văn Kim-Đội 6 (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) cho biết: Gia đình có gần 7 ha mía nhưng sau khi thu hoạch thì nắng nóng kéo dài làm diện tích mía lưu gốc không thể nảy mầm. Vụ này gia đình chuyển khoảng 3-4 ha sang trồng cây ngắn ngày như: mè, đậu xanh để giảm bớt chi phí. Đây là cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn, có khả năng chịu hạn cao. Còn với huyện Chư Pưh, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai triển khai hợp đồng bao tiêu sản phẩm giúp người dân chuyển đổi cây trồng vùng hạn sang trồng cây bắp lấy thân… Trong vụ Đông Xuân vừa qua, trên địa bàn huyện đã có một số hộ dân chuyển đổi từ đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp lấy thân và đã phát huy hiệu quả, tránh được nắng hạn, lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Đây là hướng đi mới giúp người dân phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.