Chợ đầu mối nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam là nước có nền sản xuất nông nghiệp là chính, do vậy việc hình thành các chợ đầu mối nông sản là nhằm giải quyết nhu cầu thu gom và phân phối lượng hàng hóa từ người sản xuất qua khâu trung gian đến người tiêu dùng. Theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có 157 chợ đầu mối nông sản, trong đó có 77 chợ nông sản đa ngành, 30 chợ đầu mối rau quả, 12 chợ đầu mối lúa gạo và 38 chợ đầu mối thủy sản.

Trước yêu cầu của thị trường, những năm qua đã có nhiều chợ đầu mối được đầu tư xây dựng trong cả nước, nhiều chợ nổi tiếng như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Chợ được xây dựng vào năm 2002 trên mặt bằng 203.626 m2, bao gồm 1.584 sạp hàng, 3 khu nhà lồng cùng các công trình phụ trợ. Trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ đến hơn 2.800 tấn. Chợ bán buôn từ 21 giờ đến 4 giờ sáng. Trên địa bàn thành phố còn có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền ở phường 7, quận 8. Chợ có quy mô 65 ha, gồm 9 nhà lồng, 1.728 vựa kinh doanh, thu hút hàng hóa của các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ, là nơi cung cấp hàng nông sản thực phẩm cho người dân thành phố...

 

Chợ đêm Pleiku. Ảnh: Quang Vũ
Chợ đêm Pleiku. Ảnh: Quang Vũ

Toàn khu vực Tây Nguyên có 7 chợ: Lâm Đồng 2 chợ tại TP. Bảo Lộc và Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng); Đak Nông có một chợ đầu mối nông sản tại Nam Dong (huyện Cư Jut); Đak Lak một chợ tại TP. Buôn Ma Thuột; Kon Tum một chợ tại TP. Kon Tum. Gia Lai có hai chợ đầu mối nông sản là Cư An (huyện Đak Pơ) và An Phú (TP. Pleiku). Nổi tiếng nhất Tây Nguyên là chợ đầu mối Liên Nghĩa được xây dựng trong năm 2012 rộng trên 162.000 m2, quy mô 200 gian hàng và khu trưng bày bán lẻ với 500 cửa hàng. Chợ có tổng kinh phí xây dựng 377 tỷ đồng bao gồm 22 hạng mục: sân đậu xe, nhà lồng chợ, lò sấy, kho lạnh, khu mua sắm, trạm kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, 600-800 ô (vựa), mỗi ô rộng 20-30 m2. Tất cả các loại nông sản của tỉnh Lâm Đồng sau khi thu hoạch được vận chuyển về chợ đầu mối này rồi tỏa đi đến nhiều siêu thị và chợ đầu mối khác thuộc các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

Chợ đầu mối Cư An tập trung các loại nông sản thuộc thế mạnh khu vực Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai như: ớt, rau xanh các loại, dưa... Hàng hóa từ Kông Chro, Kbang, An Khê và các xã trong huyện được tập kết tại các vựa trước khi xuôi về đồng bằng. Tuy được xem là chợ đầu mối song thực tế Cư An chưa có khu chợ riêng biệt mà hàng hóa, nông sản được thu mua tại các vựa phân bổ trên địa bàn, chủ yếu là chạy dọc hai bên quốc lộ 19. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu chợ đầu mối nông sản của địa phương. Bên cạnh đó thời gian gần đây do giá dưa hấu, rau xanh bấp bênh, đồng thời người tiêu dùng có tâm lý nghi ngại trước tình hình nông sản bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên cũng tác động bất lợi đến thị trường rau quả trong tỉnh. Một số nhà vườn chuyển sang sản xuất theo mô hình VietGAP bước đầu cung ứng cho các siêu thị bán lẻ nên cũng giải quyết được một phần đầu ra, còn lại hầu như đều đưa vào các chợ, các nhà hàng, quán ăn. Trong khi đó, toàn tỉnh có đến trên 23.000 ha đất trồng rau, phân bổ tại Pleiku, Đak Pơ, An Khê, Kbang... với các loại ớt, cải dưa, hành, ngò, su hào... vốn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tại TP. Pleiku tuy chưa có tên trong danh sách nhưng thực tế những năm qua đã có thêm một chợ đầu mối: chợ đêm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, đoạn nối từ đường Lê Lai sang Hoàng Văn Thụ. Không lô, sạp nhưng hàng đêm rất đông người, nhóm họp từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, tập trung vào các mặt hàng chính như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm cùng nhiều mặt hàng nông sản. Các xe tải nhận hàng từ đây đưa về lại các huyện kịp bán trong buổi sáng.

Với những thuận lợi mang lại trong khâu thu hút và phân bổ nguồn hàng nông sản cho thị trường tiêu thụ, các chợ đầu mối là chỗ dựa cho người sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự đầu tư và quy hoạch cụ thể cho từng vùng sản xuất để hạn chế những rủi ro, mất giá do dư thừa sản phẩm, đồng thời ngành chức năng nên tăng cường hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, khuyến cáo bà con làm ra những sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm, đặc biệt là các loại rau quả, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.