Những "con nợ" của người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là những cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, họ tự coi mình là “con nợ” của người nghèo và có trách nhiệm mang tiền đến “trả nợ” cho bà con ở khắp các buôn làng, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

 Cán bộ tín dụng huyện Đức Cơ làm thủ tục cho người nghèo vay vốn chính sách.      Ảnh: Văn Thông
Cán bộ tín dụng huyện Đức Cơ làm thủ tục cho người nghèo vay vốn chính sách. Ảnh: Văn Thông

Anh Võ Huy Cần-cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang được phân công phụ trách 3 xã trên địa bàn, trong đó có Kon Pne-xã xa nhất và cũng là khó khăn nhất của huyện cho biết: Nếu đi bằng xe máy hoặc ô tô từ trung tâm huyện đến trung tâm xã thì cũng phải mất đến hơn 2 giờ đồng hồ, còn vào mùa mưa thì mất khoảng 4 tiếng bởi đường rừng trơn trượt khó đi. Cả xã chỉ có 3 làng đồng bào dân tộc Bahnar với 350 hộ và chưa đầy 1.500 nhân khẩu, người dân ở đây còn nghèo bởi thiếu các điều kiện cần thiết để vươn lên trong cuộc sống, trong đó có đồng vốn vay. Xác định nhu cầu cấp thiết của người nghèo, anh Cần đã không ngại khó khăn và dành quỹ thời gian cho đồng bào nghèo ở đây. Bình quân mỗi tháng anh về công tác ở Kon Pne khoảng 15 ngày để tiếp cận, hướng dẫn và vận động bà con nghèo vay vốn chính sách để phát triển sản xuất. Anh cùng với chính quyền địa phương và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền.

Số hộ vay vốn chính sách ở Kon Pne từ chỗ được coi là “vùng trắng”, năm 2003 chỉ có 3 hộ vay với dư nợ tín dụng 17 triệu đồng, thì đến năm 2014 có 95 hộ ở xã được vay vốn với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng. Có nhiều hộ vay vốn đã biết cách làm ăn và vươn lên thoát nghèo, như hộ của chị Y Toul ở làng Kon Tonh vay 10 triệu đồng mua bò sinh sản, hộ anh Đinh A Phir ở làng Kon Hleng vay 2 lần 17 triệu đồng mua bò sinh sản và cải tạo đất hoang hóa đưa vào trồng mì cao sản...

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo-cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội ở huyện biên giới Đức Cơ được đơn vị phân công phụ trách 4 xã với hơn 40 buôn làng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó có xã Ia Lang xa nhất, cách trung tâm huyện lỵ hơn 30 km. Gần như trọn cả tháng chị đều có mặt tại cơ sở, chị đi lại như con thoi và ít khi được ngơi nghỉ kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Với tinh thần và trách nhiệm cao, chị Thảo luôn gắn bó với người nghèo, không những tiếp cận để cho bà con nghèo vay vốn mà còn hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện đồng vốn vay của hộ nghèo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Chị Thảo tâm sự: Mình rất vui khi có nhiều hộ nghèo trên địa bàn phụ trách được vay vốn chính sách. Song vui hơn khi nhìn thấy bà con sử dụng đồng vốn có hiệu quả và mang lại nguồn lợi cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định.

Gia đình chị Siu H’Bil, dân tộc Jrai ở làng Mook Trang thuộc xã Ia Dom (huyện biên giới Đức Cơ), từ chỗ vay 7 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội năm 2007 và mua được 1 con bò cái sinh sản, đến nay đàn bò của chị tăng lên được 8 con. Trong quá trình phát triển đàn bò, chị đã dành dụm được tiền cải tạo lại quỹ đất trước đây còn bỏ hoang đưa vào trồng được 1 ha mì cao sản, 1 ha điều và 1 sào lúa nước. Gia đình không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên ở mức khá giả, với mức thu nhập bình quân mỗi năm 40-50 triệu đồng. Chị Siu H’Bil nói: Gia đình mình có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là nhờ cán bộ tín dụng. Cán bộ Thảo là người thân trong gia đình mình và đã giúp mình biết cách làm ăn vươn lên trong cuộc sống. Không riêng gia đình mình mà còn rất nhiều hộ nghèo khác trong làng cũng vậy, đều được no cơm ấm áo...

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai hiện có 186 cán bộ nhân viên, trong đó có hơn 50% số lượng người được bố trí làm công tác tín dụng trực tiếp tại cơ sở. Bình quân mỗi cán bộ tín dụng phụ trách 3-4 xã, có những xã nằm ở địa bàn xa trung tâm huyện lỵ đến 40-50 km, khó khăn trong việc đi lại, nhất là mùa mưa. Hơn 95% số cán bộ tín dụng của đơn vị đều có trình độ đại học và có tâm huyết với nghề, năng động trong công việc. Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai khẳng định: Đội ngũ cán bộ tín dụng của đơn vị hiện nay đã được “phủ kín” đến tận các xã trong tỉnh và luôn hoạt động có hiệu quả. Nhờ vậy, nguồn vốn vay cho các hộ nghèo ngày càng tăng và hầu hết số hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong công cuộc “xóa đói-giảm nghèo” ở địa phương; nhất là ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối tháng 10-2015, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai có tổng mức dư nợ gần 3.000 tỷ đồng với gần 140.000 khách hàng dư nợ, trong đó phần lớn nguồn vốn tập trung cho các hộ nghèo và cận nghèo vay để phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Là một trong những đơn vị trong cả nước thực hiện tốt việc đôn đốc thu nợ, không để xảy ra tình trạng nợ chiếm dụng, hạ thấp nợ quá hạn hiện nay còn 0,39% và đang phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm nợ quá hạn còn dưới 0,2%, không còn xã có nợ quá hạn trên 0,5%.

Văn Thông

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.