(GLO)- Trải qua 15 hoạt động (2002-2017), tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) thực hiện đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mới đây nhất, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là định hướng rất quan trọng mà các kỳ đại hội Đảng hết sức quan tâm. Nhà nước đã huy động rất nhiều nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách và đã triển khai thành công chủ trương này khi mô hình tổ chức thực hiện ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam.
Tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng hỗ trợ bà con nghèo phát triển sản xuất. Ảnh: S.C |
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tín dụng chính sách xã hội như bố trí 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng Quản trị VBSP cấp huyện; bố trí nguồn vốn ủy thác, bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn, chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, bố trí địa điểm, thời gian, an ninh đối với hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp quan tâm hơn hoạt động này, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với VBSP trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phối hợp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ VBSP về cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho VBSP để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (tăng 118% so với trước khi có Chỉ thị), nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác nhiều như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Quảng Nam...
Gia Lai hiện nằm trong số các địa phương có nguồn vốn ủy thác trên 100 tỷ đồng. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của một tỉnh Tây Nguyên có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển 75 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách sang VBSP tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay (tăng 250% so với trước khi có Chỉ thị). Trong đó, UBND tỉnh chuyển 55 tỷ đồng, 17/17 huyện, thị xã, thành phố chuyển 20 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho ngân hàng là 105 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với cuối tháng 11-2014, chiếm 2,8% tổng nguồn vốn của VBSP tỉnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện bổ sung 222 Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng Quản trị VBSP cấp huyện, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong chỉ đạo thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách tại cơ sở với các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới...
Liên quan đến công tác chỉ đạo, triển khai tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, có thể kể đến huyện Chư Pah-một trong 20 tập thể xuất sắc trên toàn quốc vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (2002-2017). “Là địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 53,51%, huyện Chư Pah rất quan tâm đến vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách. Huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã phối hợp tốt với VBSP huyện thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi lồng ghép với các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: “Thời gian tới, để hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh mang lại hiệu quả, các sở, ngành, địa phương, VBSP tỉnh cần tập trung quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các sở, ngành, địa phương, tổ chức Hội, đoàn thể tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với sử dụng vốn tín dụng; VBSP tỉnh chủ động tranh thủ nguồn vốn trung ương, địa phương để tăng trưởng tín dụng bình quân 10%/năm trở lên...”. |
Toàn huyện hiện có 15 điểm giao dịch cấp xã, 217 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ đạt hơn 232,5 tỷ đồng/9.170 hộ dư nợ, tăng gấp 33 lần so với năm 2003. Một điều đáng ghi nhận là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua từng năm, bình quân 3-3,5%/năm. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện đã ủy thác nguồn vốn ngân sách 1,5 tỷ đồng cho VBSP huyện, tích cực vận động các nguồn lực khác tham gia gửi tiết kiệm tại VBSP huyện, số dư huy động đạt hơn 17,7 tỷ đồng”-bà Trần Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị VBSP huyện Chư Pah, cho biết.
Sơn Ca