Chuyện khó tin: Hàng chục người đang sống bị BHXH... khai tử!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng chục người đã khai tử nhưng vẫn còn khám chữa bệnh, cấp phát thuốc. Sau khi kiểm tra thì phát hiện là khai tử... nhầm.
Ngày 24-11, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết BHXH tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo kiểm tra, xác minh thông tin ghi nhận tình trạng tử vong trên dữ liệu gửi BHXH Việt Nam.
Bị khai tử... nhầm!
Động thái trên của BHXH tỉnh Gia Lai được thực hiện sau khi BHXH Việt Nam phát hiện có nhiều trường hợp được ghi nhận đã tử vong trên hệ thống dữ liệu nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT.
 
BHXH tỉnh Đắk Lắk thông tin tình trạng khai tử nhầm
Qua rà soát, BHXH tỉnh Gia Lai xác định có tới 48 trường hợp đang sống nhưng bị "khai tử" trên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh BHYT.
Điển hình tại huyện Chư Sê, có 4 trường hợp tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, qua xác minh 3 trường hợp vẫn đang sinh sống tại các địa phương. Tại huyện Đắk Pơ cũng có 9 trường hợp hiện vẫn đang còn sống nhưng trên hệ thống bảo hiểm ghi đã tử vong. Tại TP Pleiku có 4 trường hợp được ghi nhận đã tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí….
Nguyên nhân được các đơn vị này giải thích là do khi làm thủ tục để thanh toán, các nhân viên đã "bấm nhầm vào ô tử vong".
Ngoài ra, có 4 trường hợp được ghi "tử vong" nhưng vẫn phát sinh chi phí không phải do nhầm lẫn là các trường hợp:
Bệnh nhân Rơ Mah H’Ngôi (SN 2017, số thẻ TE1646422917206) ghi nhận tử vong lúc 20 giờ 20 phút ngày 4-8-2017 tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, sau khi xác minh tại nơi cư trú thì bệnh nhân này vẫn còn sống. Xác minh lại thì bệnh nhân tử vong không phải là H'Ngôi mà là Rơ Lan Mlok (SN 2017). Rơ Lan Mlok khi cấp cứu chuyển viện đã mượn thẻ BHYT của bệnh nhân Rơ Mah H’Ngôi.
Bệnh nhận Byoch (SN 1954, số thẻ DT2646422025197) đã tử vong ngày 15-11-2018 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai là đúng người. Chi phí phát sinh 29-11-2018 và ngày 26-12-2018 là do người nhà cầm thẻ của bệnh nhân Byoch sử dụng.
 Bệnh nhân Puih ABớt (SN 1944, số thẻ CK2646422935596) được ghi nhận tử vong ngày 6-5-2018 nhưng xác minh tại nơi cư trú bệnh nhân này vẫn còn sống. Người chết là ông Puih Phơnh (SN 1959, số thẻ BHYT CK2646422286133) khi đi khám chữa bệnh đã cầm nhầm thẻ của chị gái là Puih A Bớt.
Bệnh nhân Kpuih Blơr (SN 1959, mã thẻ DT2646422291071) đã tử vong ngày 17-9-2018, việc phát sinh chi phí ngày 20-12-2018 và ngày 28-12-2018 là do người nhà lấy thẻ của bệnh nhân này đi khám, cơ sở y tế đã đối chiếu CMND không đúng dẫn đến việc phát sinh chi phí sau khi đã tử vong.
Chết rồi vẫn đi khám do… đánh máy
Trong khi đó, tại Đắk Lắk cũng có hàng chục trường hợp hệ thống BHXH Việt Nam ghi nhận đã tử vong nhưng vẫn phát sinh khám chữa bệnh. Cụ thể, có hơn 20 trường hợp hệ thống BHXH Việt Nam ghi nhận đã tử vong từ tháng 11-2018 đến tháng 6-2019 nhưng phát sinh khám chữa bệnh từ 2 đến 5 lần/trường hợp với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Cá biệt, có trường hợp P.T.N được ghi nhận tử vong vào tháng 3-2019 nhưng sau đó phát sinh 2 lần khám và điều trị với tổng số tiền hơn 52 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng không có chuyện người chết rồi nhưng vẫn phát sinh khám, chữa bệnh bảo hiểm. Ông Sáng lý giải trong quá trình nhập dữ liệu giải quyết chế độ tử tuất, bộ phận chuyên môn không nhập ngày chết mà chỉ nhập tháng. Do đó, phần mềm mặc định ngày chết là 1 hàng tháng.
Ông Sáng lấy ví dụ 1 trường hợp ngày 5 đi khám và đến ngày 15 tử vong nhưng khi nhập chế độ tử tuất chỉ nhập tháng nên phần mềm báo chết ngày 1. "Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi chưa phát hiện trường có hợp nào gian dối trục lợi bảo hiểm và đã có văn bản báo cáo với BHXH Việt Nam" – ông Sáng cho biết thêm.
Hoàng Thanh- Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm