Phát triển du lịch nội tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh du lịch quốc tế vẫn "đóng băng", du lịch trong nước cũng chưa thể thông suốt do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch tại chính các địa phương (du lịch nội tỉnh) đã cơ bản khống chế được dịch bệnh được coi là bước đi cấp thiết và kịp thời để duy trì, từng bước phục hồi thị trường du lịch.

Tour du lịch thăm Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được nhiều du khách chọn lựa trước đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Ảnh: KIỀU DƯƠNG
Tour du lịch thăm Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được nhiều du khách chọn lựa trước đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Ảnh: KIỀU DƯƠNG
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 10 tỉnh trong cả nước đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có những tỉnh đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp nào. Ðây là cơ sở thuận lợi để phát triển du lịch nội tỉnh ở những địa phương không chịu nhiều ảnh hưởng từ đợt tái bùng phát dịch bệnh lần thứ tư hoặc đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Từ đầu tháng 6 đến nay, một số địa phương giàu tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình… đã thông báo mở lại một số hoạt động tham quan, du lịch dành cho khách nội tỉnh trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng dịch. Theo các chuyên gia, trước thực tế diễn tiến dịch hiện nay, khi người dân còn lo lắng và e ngại với những chuyến đi chơi xa thì phát triển du lịch nội tỉnh là giải pháp cần thiết để tái khởi động hoạt động du lịch tại các địa phương, đánh thức các điểm đến du lịch đang "ngủ đông" giữa mùa hè, đáp ứng nhu cầu được khám phá, tham quan của người dân và góp phần khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch vốn đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ Covid-19.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút đối tượng khách đặc biệt này, nhất là khi họ đã khá quen thuộc với các tài nguyên du lịch tỉnh. Theo Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Ðạt, điều quan trọng là phải có chính sách kích cầu du lịch nội tỉnh hợp lý trên cơ sở liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, điểm đến, nhà hàng… để mang đến những gói du lịch đủ hấp dẫn, vừa "mềm" về giá, vừa tốt về chất lượng. Với các dịch vụ cao cấp trước đây chủ yếu dành để hút khách nước ngoài hay du khách có mức chi tiêu cao thì giờ có thể đưa ra giá ưu đãi để khuyến khích người dân địa phương trải nghiệm. Chẳng hạn, vừa qua, khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã giảm tới 73% giá vé cáp treo cho du khách là người dân khu vực Tây Bắc, Sun World Hạ Long cũng đưa ra mức ưu đãi giảm sâu cho vé cáp treo Nữ Hoàng và công viên nước cho cư dân trên địa bàn…
Bên cạnh sức hút về giá, các doanh nghiệp du lịch cũng phải chú trọng việc làm mới sản phẩm du lịch, tăng tính sáng tạo và trải nghiệm cho du khách. Ðơn cử, trước đây, Khu di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội) chủ yếu đón khách quốc tế tới tham quan, tìm hiểu, nhưng khi được doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác tour đêm gắn liền các câu chuyện sinh động về các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ, tù đày năm xưa, điểm đến này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách trong nước, trong đó có nhiều du khách trẻ. Ðiều này cho thấy, nếu được đầu tư làm mới đúng hướng, các sản phẩm du lịch đã quen thuộc vẫn có nhiều tiềm năng mời gọi du khách. Nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý du lịch cũng cho rằng, trải qua nhiều đợt bùng phát dịch, du lịch cần làm quen với trạng thái "bình thường mới" để phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Việc phát triển du lịch nội tỉnh ở những tỉnh, thành phố an toàn chính là tiền đề để tiếp tục xây dựng những kịch bản phục hồi du lịch hậu Covid-19. Từ việc khuyến khích người dân nội tỉnh đi tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch trên chính địa bàn mình sinh sống, các địa phương đã khống chế được dịch bệnh và có phương tiện di chuyển an toàn có thể liên kết để trao đổi khách, từ đó gia tăng sự đa dạng về trải nghiệm du lịch cho du khách trên cơ sở cân nhắc tới sự cần thiết của giấy xác nhận âm tính đối với khách tham gia…
Thời điểm hiện tại rơi đúng dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên cho nên nhu cầu được tham quan, du lịch ở những điểm đến gần, bảo đảm an toàn của các gia đình, nhóm gia đình khá lớn. Các sản phẩm phù hợp được các chuyên gia gợi ý là những gói du lịch nhỏ, thích hợp cho kỳ nghỉ ngắn ngày thuộc các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, vui chơi giải trí. Nếu bắt kịp nhu cầu này, du lịch nội tỉnh ở những địa phương đã kiểm soát được dịch sẽ khởi sắc, từng bước tạo đà và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khôi phục du lịch nội địa. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tuân thủ triệt để các quy định phòng, chống dịch của ngành y tế, tránh chủ quan, lơ là và phải thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh đến các cơ sở kinh doanh và khách du lịch khi khởi động và thúc đẩy du lịch nội tỉnh.
TRANG ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.