Phát huy giá trị di sản văn hóa qua con đường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Di sản văn hóa của Gia Lai được bảo tồn và phát huy như thế nào trong bối cảnh hiện nay là vấn đề đặt ra tại hội thảo do Bảo tàng tỉnh tổ chức vào ngày 26-12 vừa qua. Dưới đây là ghi nhận của P.V Báo Gia Lai về cách làm của một số địa phương, đơn vị tại hội thảo.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) thích thú xem nghệ nhân đan lát, làm ra các sản phẩm từ mây, tre.Ảnh: M.C

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) thích thú xem nghệ nhân đan lát, làm ra các sản phẩm từ mây, tre.Ảnh: M.C

* Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Phát huy giá trị di tích qua con đường du lịch

Trên địa bàn TP. Pleiku có 7 di tích lịch sử văn hóa (gồm 2 di tích lịch sử quốc gia, 4 di tích lịch sử cấp tỉnh, 1 di tích đang lập hồ sơ đề nghị công nhận cấp tỉnh). Từ năm 2001 đến nay, nhiều di tích đã được đầu tư nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống.

Tuy số lượng di tích không nhiều, nhưng TP. Pleiku sở hữu những di tích mang ý nghĩa lịch sử gắn với thắng cảnh thiên nhiên nổi bật như: di tích Nhà lao Pleiku, di tích thắng cảnh Biển Hồ…

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku. Ảnh: Minh Châu

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku. Ảnh: Minh Châu

Luật Du lịch khẳng định: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch”.

Thành phố Pleiku coi di tích lịch sử văn hóa là bộ phận đặc biệt trong cơ cấu “tài nguyên du lịch” và xác định rõ quan điểm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, việc khai thác du lịch ở các di tích phải làm nổi bật được những giá trị đặc sắc, tạo sức thu hút đối với khách du lịch nhưng đồng thời cũng bảo vệ nghiêm ngặt, tránh tác động tới diện mạo hoặc phá cũ xây mới hoàn toàn.

* Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang: Di tích lịch sử-văn hóa là nguồn sử liệu quan trọng

Kbang là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh.

Huyện có nhiều di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh qua các thời kỳ như: di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (nằm trong Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo), di tích Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, di tích Vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947…

Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang. Ảnh: Minh Châu

Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang. Ảnh: Minh Châu

Kbang xác định di tích lịch sử-văn hóa là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, là nguồn sử liệu trực tiếp cung cấp những thông tin quan trọng để khôi phục lại những trang sử vẻ vang.

Điều này đang đặt ra đòi hỏi rất lớn từ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của toàn xã hội nhằm bảo vệ tốt nhất những tài sản vô giá mà cha ông để lại, góp phần gìn giữ môi trường không gian di tích theo hướng bảo vệ và phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, công tác giáo dục cần chú trọng khơi dậy lòng tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ di tích, có chính sách hỗ trợ cho người dân và các tổ chức, cá nhân trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích phục vụ cho phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng đầu tư các hoạt động dịch vụ tại các khu di tích.

* Bà Ksor H'Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai: Tổ chức lễ hội truyền thống gắn với công tác giảm nghèo

Bà Ksor H'Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Châu

Bà Ksor H'Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Châu

Huyện Ia Grai còn lưu giữ số lượng chiêng lớn nhất tỉnh với hơn 740 bộ. Cộng đồng Jrai nơi đây lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống như: lễ cúng rừng, cầu mưa, mừng lúa mới, cúng giọt nước, cúng nhà rông, lễ bỏ mả, phong tục cưới hỏi…

Giá trị văn hóa của con thuyền độc mộc được huyện duy trì thông qua tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh gắn với liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện hàng năm. Cấp xã cũng thường xuyên tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, trình diễn cồng chiêng trong các sự kiện quan trọng của thôn, làng.

Chúng tôi xác định phải làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, nhất là đồng bào đang lưu giữ văn hóa truyền thống. Kịp thời hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, góp phần tập hợp nhiều thành viên hơn, hoạt động quy củ hơn.

Các câu lạc bộ tìm kiếm thu nhập cho các thành viên thông qua trình diễn nghệ thuật tại các sự kiện của địa phương, biểu diễn ở các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tận dụng công nghệ thông tin để đa dạng các hình thức biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, lễ hội truyền thống của dân tộc đến các vùng, miền.

Phòng Văn hóa-Thông tin liên kết với các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giúp các em học sinh tìm hiểu sâu hơn về lễ hội, từ đó khơi gợi niềm yêu thích văn hóa truyền thống.

Hàng năm, ngành Giáo dục hướng dẫn các trường tổ chức nhiều đợt nghiên cứu về các hoạt động văn hóa, các lễ hội; phối hợp với các thôn, làng phục dựng một số nghi lễ của người Jrai.

* Ông Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3: Gắn kết các bảo tàng, nhà truyền thống trong quảng bá di tích lịch sử quân sự

Gia Lai có hệ thống các di tích lịch sử quân sự như: di tích lịch sử quốc gia chiến thắng Plei Me, thung lũng Ia Dăng, chiến thắng Chư Nghé, đường 7 Sông Bờ, làng Siu…

Trong đó, di tích chiến thắng Ia Drăng và làng Siu (huyện Chư Prông) chưa được xếp hạng. Đây là sự chậm trễ đáng tiếc. Ngoài ra, còn nhiều địa danh gắn với chiến công của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên vẫn chưa được quan tâm, xây dựng hồ sơ di tích.

Ông Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Minh Châu

Ông Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Minh Châu

Điều đáng tiếc nữa là cả nước có gần 30 di tích lịch sử quân sự cách mạng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, nhưng Gia Lai chưa có di tích nào. Thực tế các di tích lịch sử mặc dù được xếp hạng đã lâu nhưng sự đầu tư, xây dựng, tôn tạo các công trình chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự là điểm đến của du khách, ngoại trừ các đoàn cựu chiến binh.

Các di tích lịch sử quân sự cách mạng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay. Mỗi di tích là một bảo tàng chứa đựng nhiều giá trị gắn liền với lịch sử quân sự, các chiến thắng, là những bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc.

Vì thế, quản lý các di tích lịch sử quân sự cách mạng góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, làm cho thế hệ trẻ hiểu biết để kế tục truyền thống lịch sử của cha ông.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử quân sự cách mạng, cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng của chính quyền địa phương trong việc xếp hạng, xây dựng, phục dựng, bảo tồn và phát huy các di tích.

Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là các đơn vị trường học, Đoàn thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy di tích, thực sự là cầu nối di tích với du khách gần xa. Cần có sự kết nối giữa di tích với Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quân đoàn 3, nhà truyền thống để tạo thành tour phục vụ du khách khi đến Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.