(GLO)- Với sự thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông nên công tác khám-chữa bệnh cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng biên giới vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, 6 Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp của Binh đoàn 15 được đặt tại các xã biên giới của 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai là một điểm đến tin cậy của người bệnh, góp phần đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp là một mô hình Trạm Y tế được Binh đoàn 15 cho xây dựng, đặt tại các điểm xã giáp biên giới nhằm phục vụ nhu cầu khám-chữa bệnh cho chiến sĩ, công nhân và lao động của các Công ty đứng chân trên địa bàn.
Đội ngũ y bác sĩ của các Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp luôn tận tình với người bệnh. Ảnh: Phương Linh |
Đồng thời, đây cũng là điểm khám-chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các Bệnh xá được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của một trạm y tế tuyến huyện với đầy đủ các phòng chức năng và phòng điều trị nội trú cũng như các phòng công vụ phục vụ công tác chuyên môn và nhu cầu ăn ở của cán bộ bệnh xá. Tại đây cũng có đầy đủ các máy móc, trang-thiết bị khám, chữa bệnh cùng với đội ngũ y bác sĩ giỏi, tận tình và chu đáo luôn sẵn sàng tiếp đón người bệnh.
Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) được xây dựng có 10 giường bệnh với đầy đủ các thiết bị khám-chữa bệnh hiện đại như máy X-quang, máy siêu âm, điện tim, máy súc rửa dạ dày tự động, máy làm răng đa năng,... Mặc dù cả bệnh xá chỉ có 8 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 3 y tá, 1 thủ kho và 1 hộ lý nhưng mọi người đều làm việc hết mình, tận tụy với người bệnh. Trong 6 tháng năm 2013, bệnh xá đã tiếp nhận và tiến hành khám-chữa bệnh và cấp thuốc cho 2.750 lượt người, trong đó có tới gần 2.000 lượt là người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn làng, các xã lân cận. Đặc biệt, nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, bệnh xá đã tổ chức đợt khám bệnh, cấp thuốc (trị giá 10 triệu đồng) cho bà con làng Đêr (xã Ia Me, huyện Chư Prông).
Ảnh: Phương Linh |
Cũng có một cơ sở trang-thiết bị hiện đại, Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp của Công ty TNHH một thành viên 715 (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) có hơn 22 nhân viên, 20 giường bệnh. Trong 6 tháng đầu năm, bệnh xá đã tiếp nhận khám và chữa bệnh cho gần 3.000 lượt bệnh nhân là bà con dân tộc thiểu số. Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp Công ty TNHH một thành viên 72 đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cũng tiếp nhận hơn 6.000 lượt người bệnh/năm.
Đặc biệt đáng ghi nhận hơn hết là việc bệnh xá còn tổ chức những đợt khám-chữa bệnh cho hơn 2.500 lượt công nhân, người dân nước bạn Campuchia. Cùng với công tác khám-chữa bệnh thì các bệnh xá cũng thường xuyên tổ chức những đợt tuyên truyền trong tận thôn làng về kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3, phòng-chống bệnh sốt rét, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp vệ sinh trong mùa khô, sử dụng nguồn nước mưa và dùng phèn khử nước ở những vùng khó khăn,…
Từ ngày có bệnh xá, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có được một điểm đến khám-chữa bệnh tin cậy, chất lượng. Các bệnh thông thường như hô hấp, tiêu hóa, sốt, sinh sản… đều được phát hiện nhanh chóng và chữa trị kịp thời. Nhờ sự gần gũi, giúp đỡ của đội ngũ cán bộ, nhân viên mà đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu và có ý thức tìm đến bệnh xá để khám và lấy thuốc mỗi khi có bệnh thay vì cúng Yàng như trước kia, từ đó đời sống sức khỏe của họ cũng được đảm bảo hơn. Chị Đàm Thị Diện (sinh năm 1983, người dân tộc Tày) đã đến ở lại bệnh xá Quân-Dân y kết hợp Công ty TNHH một thành viên Bình Dương được 3 ngày để chuẩn bị sinh. Chị Diện bẽn lẽn: “Vì nhà mình ở cách đây mấy chục cây số nên hai vợ chồng mình tranh thủ ra đây sớm để sinh cháu cho an toàn. Mấy ngày ở đây, các cô các chú khám cho mình rất chu đáo, mình rất yên tâm”.
Bác sĩ Trịnh Quang Xuân-Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân-Dân y kết hợp Công ty TNHH một thành viên Bình Dương chia sẻ: “ Mặc dù chúng tôi vẫn còn khá nhiều khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục đồng thời luôn hỗ trợ hết mình để bà con đồng bào có ý thức tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng”.
Phương Linh