Những vách núi chênh vênh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dù trời nắng ráo, nhưng những người bạn của tôi vẫn tỏ ra e ngại khi được mời vào một ngôi nhà nằm bên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei (Kon Tum) nghỉ ngơi. Lý do là ngôi nhà nằm dựa vào một sườn đồi chênh vênh, gây cảm giác có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.

Tôi quen chủ nhà trong một chuyến tác nghiệp cuối năm 2020. Lần ấy, chúng tôi đi viết về những ngôi nhà nằm dưới “bóng núi”, theo đúng nghĩa đen. Có nghĩa là, chúng được xây dựng trên mặt bằng có được từ việc đào sâu vào chân núi.

Chủ nhà giải thích, do địa hình khá “đặc biệt”, phía trước là đường, phía sau là núi cao, nên muốn làm nhà “rộng rộng chút” thì đành phải “khoét núi”. Dù biết thế là nguy hiểm, nhưng không thể làm gì khác.

Những mặt bằng được tạo ra từ đào khoét vách núi. Ảnh: HL

Những mặt bằng được tạo ra từ đào khoét vách núi. Ảnh: HL

Nhiều khi mưa bão đến, nhìn nước tuôn từ trên núi xuống mà sợ. Cả nhà luôn sẵn sàng chạy bất cứ lúc nào. Dù vậy cũng chưa hẳn đã yên ổn, vì biết nó sập xuống lúc nào? Chủ nhà nói, mắt lo ngại nhìn lên vách núi chênh vênh sau nhà.

Chưa có số liệu thống kê về việc có bao nhiêu ngôi nhà nằm dưới “bóng núi” như vậy. Nhưng chắc chắn là không ít. Bởi trong chuyến đi ấy, chúng tôi được chính quyền địa phương thông báo có hàng trăm hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Nhiều gia đình trong số đó luôn ước mơ, và nỗ lực, để tìm kiếm cơ hội di dời đến nơi an toàn hơn. Chủ nhà tôi quen cũng vậy.

Nhưng 3 năm trôi qua, tôi vẫn ngồi uống nước với anh trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, vách núi đen ngòm phía sau.

Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu, nhưng mưa lớn kéo dài từ Bắc vào Nam đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất ở các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Đăk Nông, Lâm Đồng... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Như vụ sạt lở xảy ra lúc 14h30 ngày 30/7/2023 tại khu chốt đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ và một người dân.

Hay mới đây, ở tỉnh Yên Bái, do mưa lớn kéo dài, từ ngày 5- 6/8/2023, đã xảy ra sạt ở nghiêm trọng ở huyện Mù Cang Chải. Hậu quả là 2 cháu nhỏ thiệt mạng, 1 người nghi mất tích, 34 nhà bị hư hỏng, trôi, sập hoàn toàn.

Ở tỉnh ta, ngay cơn bão số 1 đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT – TKCN&PTDS tỉnh, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 1 đã gây ra các đợt mưa lũ, sạt lở, ngập lụt làm 1 người chết; 123 nhà ở bị thiệt hại; khoảng 276,07ha cây trồng bị ảnh hưởng; 402 con gia súc và gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Các tuyến giao thông như Quốc lộ 40, Quốc lộ 14C; các tỉnh lộ 675, 677; đường Đăk Kôi - Đăk Pxi; đường Sa Thầy - Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mô Rai); đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường tái định cư thủy điện Plei Krông và một số tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà bị sạt ta luy dương, ta luy âm xói lở; nhiều cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, xói lở.

Nguy cơ sạt lở đất luôn hiện hữu. Ảnh: H.L

Nguy cơ sạt lở đất luôn hiện hữu. Ảnh: H.L

Có nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở. Trong đó, tỉnh Kon Tum có địa hình đồi núi, độ dốc cao. Khi mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa nước, trở nên mềm nhão, dễ bị trôi, trượt khi có dòng chảy lớn.

Bên cạnh yếu tố sạt lở đất tự nhiên do mưa lũ, tác động của con người từ nạn phá rừng đến cắt chân sườn dốc tự nhiên để lấy mặt bằng xây dựng các công trình thủy điện và công trình hạ tầng, đường sá, nhà ở đều ít nhiều có tác động. Chỉ cần quá trình thi công thiếu khảo sát đầy đủ, tính toán, thiết kế chi tiết và thi công chuẩn mực thì rất có thể dẫn đến sạt lở.

Cho đến nay, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, tỉnh ta đã hết sức nỗ lực trong triển khai công tác phòng, chống nhằm giảm nhẹ hậu quả của lũ lụt, sạt lở đất và nhiều dạng thiên tai khác.

Tuy nhiên có thể nói là quy mô, độ khốc liệt của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, với cường độ và tần suất cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cần có sự thay đổi cơ bản. Chẳng hạn công tác theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sẽ phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, cấp xã, thậm chí cấp thôn, làng và tới từng hộ dân; rừng và hệ thực vật cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất. Việc đầu tư dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, để phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ, hậu quả sạt lở đất đá, một điều rất cần thiết là thành lập được các bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá và phân vùng cảnh báo nguy cơ này; chuyển giao kịp thời và được sử dụng triệt để, hiệu quả. Khảo sát cập nhật hàng năm hiện trạng lũ quét, sạt lở đất và xác định vùng có nguy cơ lũ. Khi quy hoạch khu dân cư, thủy lợi, thủy điện, giao thông, cần lưu ý đến các yêu cầu phòng, chống thiên tai tổng hợp, bao gồm hạn hán, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác.

Các khu vực được xác định là có nguy cơ cao cần xác định thêm các vị trí tương đối an toàn, để có thể di dời, sơ tán dân cư kịp thời khi xảy ra thiên tai, hoặc dự báo có thể xảy ra thiên tai. Đồng thời thiết lập các hệ thống cảnh báo nhanh.

Và vấn đề quan trọng nữa là, trong khi chưa có một bản đồ hiện trạng và dự báo nguy cơ sạt lở đất như mong muốn, thì khâu tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh sạt lở đất cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn nữa.

Trong đó, đảm bảo mọi người dân đều có sự hiểu biết nhất định về dấu hiệu sạt lở đất và cách tự phòng tránh. Như khi mưa bão không ở gần các vị trí sườn dốc đã bị cắt chân làm đường, lấy mặt bằng xây nhà cửa, cơ sở hạ tầng.

Nếu nhà ở gần các sườn dốc, mưa lớn cần chú ý quan sát, khi phát hiện trên đỉnh xuất hiện các vệt nứt, đọng nước hoặc có nước chảy ra cần khẩn trương di dời, sơ tán.

Có thể bạn quan tâm