Những ca khúc để đời: 'Vắng em còn lại tôi... với tôi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong kho tàng nhạc Việt, hiếm có ca khúc nào về tình cảm vợ chồng, gia đình tạo sự xúc động sâu sắc như Một mình của nhạc sĩ Thanh Tùng.

 Nhạc sĩ Thanh Tùng và bà Phạm Thị Minh lúc còn trẻ
Nhạc sĩ Thanh Tùng và bà Phạm Thị Minh lúc còn trẻ



Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Nha Trang. Năm 6 tuổi anh theo cha mẹ tập kết ra bắc và lớn lên tại Hà Nội. Anh được chọn đi học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Từ năm 1971 - 1975, Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam II.

Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại TP.HCM và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài truyền hình TP.HCM và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Anh còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn ca múa nhạc Bông Sen.

Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay Cây sầu riêng trổ bông cho một vở cải lương. Từ 1987, Thanh Tùng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó có rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mí mắt và nhất là Một mình.

Đêm nay tôi lại một mình...

Một mình là ca khúc mang đậm dấu ấn “cái tôi” trữ tình của anh nhất, được nhạc sĩ sáng tác từ hoàn cảnh của chính mình: nhớ thương người vợ đã mất, thương mình và thương con.

Thời còn đi học, Thanh Tùng có một người bạn thân học chung lớp và thường đến nhà bạn chơi. Ông bạn này lại có một cô em gái rất xinh tên là Phạm Thị Minh. Qua lại một thời gian, Thanh Tùng và cô Minh “bắt đúng tần số” nhịp tim rung động của nhau.

Sau khi hoàn thành khóa học ở Nhạc viện Bình Nhưỡng (1971), Thanh Tùng xin cưới bà Phạm Thị Minh làm vợ. Bốn năm sau (1975), khi Thanh Tùng được điều chuyển vào phía nam, bà Phạm Thị Minh cũng xin chuyển vào công tác tại Đài truyền hình TP.HCM để tiện chăm sóc chồng con. Sau đó không lâu, bà Minh đã xin nghỉ việc để ra làm kinh tế ở ngoài.

Tuy nhiên, khi cuộc sống của gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng đang ở giai đoạn sung mãn nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, bà Minh mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1990, khi mới ngoài 40 tuổi... Có giai thoại rằng phút lâm chung của bà trên giường bệnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có mặt và chứng kiến sự trối trăn. Bà hỏi chồng: “Nếu em chết, anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Rõ ràng, với một câu hỏi như thế, không cứ gì nhạc sĩ Thanh Tùng mà bất cứ ai cũng phải trả lời: “Anh sẽ không lấy vợ mới”, để người sắp lìa đời được an lòng nhắm mắt.

Sau này, nhạc sĩ Thanh Tùng nói đó chính là “lời tuyên án chung thân” cho cuộc sống sau này của anh, cho nên dù quanh anh luôn có những bóng hồng vây quanh nhưng vì tình yêu sâu đậm cùng lời hứa với người vợ trước lúc nhắm mắt đã khiến anh không “bước thêm bước nữa”...

Vợ mất, nhạc sĩ Thanh Tùng đã rất hụt hẫng. Anh phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn - một tay chăm sóc 3 con nhỏ (2 trai, 1 gái), một tay làm kinh tế để nuôi sống cả gia đình và vẫn phải nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc. Ca khúc Một mình đã ra đời từ những nỗi nhớ niềm thương, những khó khăn, vất vả của giai đoạn gà trống nuôi con ấy: “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/Áo tơi trời đổ cơn mưa/Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ/Tan ca bố có đón đưa... Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai /Gió sương mòn cả hai vai /Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ/Nghiêng nghiêng bóng em gầy...”.


Ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện đầu tiên và được đánh giá là người hát Một mình thành công nhất. Sau Hồng Nhung là một loạt các ca sĩ khác như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Hạ, Trần Thu Hà... cũng đã thể hiện thành công ca khúc này.

Nhạc sĩ Thanh Tùng tâm sự: “Tôi sống một mình vì nghĩa. Khi bà ấy khuất rồi, tôi đã xác định như vậy. Tôi phải nói thẳng là mình cũng có những người bạn gái, nhưng rất khó để có thể sống hai mình. Dù đi với nhiều bạn gái, lúc nào tôi cũng chỉ một mình. Hình ảnh của tôi trong mắt bạn bè bao giờ cũng là người độc thân và đó không chỉ là hình ảnh bên ngoài”.

Khi vợ còn sống, nhạc sĩ Thanh Tùng đã thường uống rượu. Vợ mất, nỗi cô đơn càng đưa anh bầu bạn thêm với men rượu.

Ngày 15.3.2016, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do đột quỵ. Anh được an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ).
Trước khi mất, anh có bày tỏ tâm nguyện với các con là hãy đưa di cốt của bà Minh từ TP.HCM về táng bên cạnh mộ của mình để hai người được nằm cạnh nhau, kết thúc chuỗi ngày “một mình”.

 

Hà Đình Nguyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.