Emagazine

E-magazine Nhân văn con chữ xóa mù



Ánh dương vừa khuất sau ngọn núi phía Tây cũng là lúc bà H’Chun (67 tuổi, làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đến trường học chữ. Con đường từ làng ra Trường Tiểu học Ngô Quyền không làm khó được đôi chân hăm hở bước của bà. Bà H’Chun kể: Bà mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên không có điều kiện học chữ. Rất nhiều lần, bà thấy mặc cảm và tự ti với người xung quanh. Tháng 10-2022, nghe bà con dân làng nói với nhau sắp có lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, bà liền đến đăng ký. “Nếu chiếu theo quy định tuổi học lớp xóa mù thì mình không thuộc đối tượng được tham gia. Có điều, UBND phường, nhà trường biết mình thích học chữ nên ưu tiên. Hơn 1 năm trôi qua, mình chưa nghỉ buổi học nào cả. Ngay cả hôm đi bộ mấy chục cây số từ làng ra đến xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) thăm cháu bị ốm, mình cũng đi từ lúc 3 giờ sáng để về trong ngày cho kịp giờ học. Mình lớn tuổi rồi, tiếp thu không bằng người trẻ, phải cố gắng nhiều hơn”-bà H’Chun chia sẻ.



Còn tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), hơn 3 tháng qua, khi xong công việc ruộng rẫy, đều đặn vào 6 giờ 30 phút tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, 32 học viên của 3 làng Breng 1, Breng 2 và Breng 3 lại háo hức đến với lớp học tại Trường Tiểu học Ngô Mây. Ở lớp học đặc biệt này, học viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, người nhỏ nhất 30 tuổi, người lớn nhất 60 tuổi. Tiếng đánh vần vốn chỉ dành cho đám trẻ lớp 1 nhưng với những học sinh đặc biệt này đó là bước đi đầu tiên trong nỗ lực tiếp cận ánh sáng tri thức.

Sinh ra trong gia đình khó khăn, từ nhỏ, bà Ksor H’Tin (58 tuổi, làng Breng 2) không có điều kiện đi học. Lớn lên lập gia đình, lo làm kiếm tiền nuôi con nên bà càng không nghĩ đến việc đi học. Bà H’Tin chia sẻ: Vì không biết chữ nên bà gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như nuôi dạy con cái. Khi nghe chính quyền địa phương vận động đi học xóa mù chữ thì bà cùng chồng đăng ký ngay. “Dù đi học phải ngồi lâu trong lớp, bị mỏi lưng nhưng tôi vẫn kiên trì khắc phục và chưa nghỉ buổi nào. Tôi sợ bỏ học giữa chừng lại không biết đọc, biết viết. Mình phải cố gắng học tập siêng năng để làm gương cho các cháu noi theo”-bà H’Tin vui vẻ nói.



Trước đây, bà Ksor Thup (57 tuổi, làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) vì không biết chữ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi được tin Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi mở lớp xóa mù chữ thì bà đăng ký tham gia. Bà bộc bạch: “Từ khi đi học đến nay, tôi chưa nghỉ buổi nào. Được đi học chữ, tôi thích lắm. Mặc dù công việc ruộng rẫy cả ngày rất mệt nhưng tôi vẫn quyết tâm theo học. Hiện tôi đã biết đọc, biết viết tên của mình và một số từ đơn giản”.



Để duy trì sĩ số học viên tại các lớp xóa mù chữ phải kể đến lòng nhiệt huyết của những giáo viên đứng lớp. Những đôi tay thô ráp của người nông dân vốn quen cầm nông cụ mà qua sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, bây giờ họ có thể viết những nét chữ rõ ràng, ngay ngắn. Đối với những học viên trẻ tuổi, việc đọc và viết đã khó thì với người lớn tuổi, giáo viên phải hướng dẫn từ cách cầm bút, đưa từng nét chữ cho đến cách uốn lưỡi phát âm sao cho tròn vành, rõ chữ thật không dễ dàng.



Cô Vũ Thị Mai Ngân-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi-cho biết: Dạy lớp học đặc biệt này đã để lại cho cô nhiều cảm xúc. Các học viên đi học rất chuyên cần. Sau hơn 3 tháng theo học, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ các phép tính đơn giản. “Với lớp học này, tôi phải lựa chọn những phương pháp đặc biệt, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ, hào hứng trong học tập. Vì vậy, tôi phải tỉ mỉ hướng dẫn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên. Dù học vào buổi tối, nhưng các học viên đi học thường xuyên, đúng giờ”-cô Ngân tâm sự.

Còn cô Ksor Hwớt-giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây thì cho hay: “Tôi được nhà trường phân công dạy lớp xóa mù chữ. Học viên trong lớp có nhiều lứa tuổi, một số người không rành tiếng phổ thông. Do vậy, tôi không thể dạy theo cách thông thường mà phải hướng dẫn nhiều lần. Đồng thời, sử dụng tiếng phổ thông và tiếng Jrai để có thể diễn đạt cho học viên hiểu được ý nghĩa của các câu, các từ”.



Theo cô Ngô Thị Phương Yến-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây: Đầu tháng 8-2023, nhà trường đã mở 3 lớp xóa mù chữ gồm: 1 lớp tại điểm trường chính với 32 học viên và 2 lớp ở điểm trường làng Jut với 53 học viên. Mặc dù vào ngày mùa nhưng bà con vẫn đến lớp đầy đủ, chuyên cần và ý thức tự giác học tập rất tốt. Trước khi đến lớp, một số học viên hoàn toàn không biết chữ, không biết tính toán. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết học viên đã đọc thông viết thạo. Hiện các học viên đã học xong chương trình lớp 1, chuẩn bị chuyển sang lớp 2”.



Nặng lòng với lớp xóa mù, bên cạnh tự trau dồi kiến thức chuyên môn để đứng lớp giảng dạy, nhiều giáo viên còn kêu gọi tài trợ sách vở, tài liệu cho học viên. Chuyện giáo viên tự bỏ tiền túi để mua tài liệu học tập cho học viên là thường tình. Cô Dương Thị Kiếu-giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) kể: “Đây là lần đầu tiên tôi được giao chủ nhiệm lớp xóa mù chữ. Nói không hết được khó khăn vấp phải khi thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp. Nhiều khi, tôi còn xin sách giáo khoa của học sinh cũ rồi tự bỏ tiền photocopy thành nhiều bản cho học viên trong lớp. Cũng có khi đi kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí để mua vở, bút, sách giáo khoa. Kỳ 3 vừa rồi, xin hoài không được nhà tài trợ, tôi xuống gặp Bí thư Chi bộ làng Ia Lang đề nghị hỗ trợ. Rất mừng là đã xin thêm được hơn chục cuốn sách giáo khoa lớp 3. Mới đây, đại diện Trung tâm Học tập cộng đồng phường Chi Lăng đến thăm, tặng quà cho học viên. Đây cũng là niềm động viên để thầy và trò nỗ lực hoàn thành giai đoạn 1 của lớp”.



Trong các cuộc tiếp chuyện với chúng tôi, ngoài học viên thì những giáo viên được phân công đứng lớp dạy xóa mù chữ cũng phấn khởi khi thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này.



Cô Ksor H’wang-giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây-bày tỏ: “Đa phần học viên là người lớn tuổi nên khi dạy, giáo viên cũng có những lời nói sao cho phù hợp để bài giảng được tiếp thu tốt hơn và mang lại hiệu quả trong giao tiếp. Do đó, ngoài kinh nghiệm của mấy chục năm đứng lớp, tôi còn phải tìm tòi học hỏi từ người đi trước, mạng xã hội. Điều phấn khởi là học viên cũng ham học”.

Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai-cho biết: “Dạy xóa mù chữ là hoạt động ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao dân trí. Trên địa bàn huyện đã triển khai trên 50 lớp ở tất cả các xã, thị trấn với hơn 1.200 học viên là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã phân bổ kinh phí để mua tài liệu, bút, sách vở cho học viên và giải quyết chế độ hỗ trợ cho giáo viên để họ yên tâm đứng lớp giảng dạy. Cụ thể, đợt rồi, nhận 800 triệu đồng từ cấp trên chuyển xuống, chúng tôi đã chi 400 triệu đồng hỗ trợ học viên, số còn lại là giáo viên. Tuy nhiên, kinh phí chưa đảm bảo nên mới chỉ hỗ trợ số tiền dạy học theo quy định 1 giáo viên được 2 tháng. Nếu tới đây được phân bổ, chúng tôi sẽ chi trả các tháng còn lại cho giáo viên”.



Còn theo ông Phùng Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Din (huyện Đức Cơ): “Nhu cầu học xóa mù chữ của người dân cao nhưng xã chỉ có thể nhận được 70 người. Nguyên nhân là không đủ giáo viên đứng lớp. Chúng tôi cũng đã thông báo thời gian học là 2 năm (2023-2025) để người dân chủ động bám lớp. Cùng với đó, chính quyền xã vận động Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và một số đơn vị đứng chân trên địa bàn ủng hộ kinh phí để mua bút, vở cho lớp học. Nguồn hỗ trợ đó góp phần mang lại hiệu quả bước đầu trong công tác dạy và học ở 2 lớp xóa mù chữ tại xã”.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo: Tính đến tháng 11-2023, qua báo cáo của các đơn vị, công tác mở lớp xóa mù chữ đã thực hiện tại tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố với 226 lớp/6.503 học viên, đạt 73,5% chỉ tiêu được giao trong năm 2022 và 2023, đạt theo kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022-2025. Điển hình như các huyện Ia Grai, Chư Prông, Kbang, Mang Yang. Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Chương trình xóa mù chữ đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy ở giai đoạn 2 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
“Bông hồng thép” giàu lòng nhân ái

E-magazine“Bông hồng thép” giàu lòng nhân ái

(GLO)- Không chỉ giỏi chuyên môn, Đại úy Đinh Thị Thu Hiền-Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Gia Lai) còn tạo dấu ấn bởi các hoạt động hướng về vùng khó khăn. Những việc làm của chị đã góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.