Nguồn nhân lực ngành Du lịch Gia Lai: Thiếu và yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với sự khởi sắc của hoạt động du lịch, đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển nhất định. Theo thống kê từ Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), lực lượng lao động trong ngành Du lịch của tỉnh khoảng 1.500 người, trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ (tính từ chứng nhận bồi dưỡng đến sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chiếm khoảng 43%.
 
Tăng cường liên kết đào tạo
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với lao động trực tiếp trong ngành Du lịch đã được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Dù chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành, song ngành Du lịch tỉnh đã chủ động phối hợp với một số cơ sở đào tạo có uy tín để tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như cán bộ quản lý chuyên môn cấp huyện, thị xã, thành phố… Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của Dự án EU (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ) để đầu tư trang-thiết bị phòng thực hành cho 3 nghiệp vụ: buồng, lễ tân, bàn; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ giảng viên tại Khoa Du lịch-Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai.
Bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ buồng khách sạn cho nhân viên một khách sạn ở TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ buồng khách sạn cho nhân viên một khách sạn ở TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Hiện có 4 giáo viên của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn châu Âu ứng với các nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân và quản lý khách sạn. Đây là điều kiện khá thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Nhiều năm qua, nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm ngàn lao động. Mới đây, Sở cùng với trường cũng đã hoàn thành việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân tại 15 thôn, làng trên địa bàn tỉnh gồm: làng Nú (huyện Ia Grai), Pơ Nang (thị xã An Khê), Hway (huyện Đak Pơ), Tờ Nùng 1 (huyện Kông Chro), Tây Hồ (huyện Chư Prông), Kép 1, Ia Gri (huyện Chư Pah), Plei Rbai, Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Kon Mahar (huyện Đak Đoa), Hăng Ring (huyện Chư Sê), Ghè (huyện Đức Cơ), buôn Bát (huyện Krông Pa), buôn Rưng Ma Nin (thị xã Ayun Pa), Đê Kjiêng (huyện Mang Yang). Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các hội thi tay nghề thu hút hàng chục doanh nghiệp, cơ sở lưu trú lớn nhỏ tham gia với các nghiệp vụ lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ bàn, quản lý khách sạn và tìm hiểu kiến thức du lịch.
Dù mới đi vào hoạt động được hơn 6 tháng nay với quy mô 34 phòng nghỉ nhưng Hoài Thương Hotel (113 Trường Chinh, TP. Pleiku) đã mạnh dạn tham gia các hội thi nghiệp vụ do tỉnh tổ chức và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chị Phan Nguyễn Hoài Thương-Giám đốc kiêm quản lý khách sạn-chia sẻ: “Từ trước đến giờ, chúng tôi luôn xác định đặt chất lượng phục vụ lên hàng đầu. Vì thế, bản thân tôi đã đi học đầy đủ và được cấp các chứng chỉ về quản lý, phục vụ buồng, lễ tân. Ngoài việc truyền đạt lại kiến thức, tôi còn đưa đội ngũ nhân viên khách sạn tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ sở, tạo dựng một địa chỉ lưu trú tin cậy trong lòng du khách khi đến Pleiku”.
Vẫn còn bất cập
Thí sinh thực hiện phần thi phục vụ bàn trong Hội thi nghiệp vụ du lịch do tỉnh tổ chức. Ảnh: H.T
Thí sinh thực hiện phần thi phục vụ bàn trong Hội thi nghiệp vụ du lịch do tỉnh tổ chức. Ảnh: H.T

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 91 cơ sở lưu trú với 2.309 buồng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 58 khách sạn 1-2 sao, 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch. Tổng lượt khách đến Gia Lai 9 tháng năm 2019 ước đạt 566.000 lượt (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước), tổng thu du lịch đạt 261 tỷ đồng (tăng 23,1%).

Thực tế cho thấy, mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch trong thời gian qua được triển khai tích cực nhưng kết quả đào tạo còn hạn chế, tỷ lệ lao động có nghiệp vụ vẫn khá thấp. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh du lịch chưa qua trường lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ chưa cao và chưa thật sự mang lại sự hài lòng cho du khách. Thêm nữa, đội ngũ phục vụ cho hoạt động du lịch chưa được đào tạo một cách bài bản và đồng đều, nhất là về trình độ ngoại ngữ (hiện chỉ có khoảng 25% lao động có trình độ ngoại ngữ).
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-đánh giá: “Nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên toàn tỉnh hiện nay vừa thiếu vừa yếu so với nhu cầu phát triển theo định hướng của tỉnh. Nguyên nhân một phần là do tình trạng thường xuyên bỏ việc của các lao động sau khi được tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, gây tâm lý e ngại cho chủ doanh nghiệp trong vấn đề hỗ trợ đào tạo. Những người được đào tạo chính quy, có trình độ cao về nghiệp vụ du lịch tại các thành phố lớn thì lại không muốn về địa phương làm việc. Mặt khác, thị trường du lịch của tỉnh chưa sôi động nên năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh còn mang tính tự phát, thiếu sự quan tâm trong việc sử dụng lao động có nghiệp vụ chuyên môn…”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, nguồn nhân lực phục vụ du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định trực tiếp hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển ngành Du lịch ở địa phương. Do đó, tỉnh cần có một chiến lược, kế hoạch rõ ràng về xây dựng lực lượng lao động đảm bảo tính chuyên nghiệp nhằm đủ sức cạnh tranh và hội nhập với cả nước. “Thiết nghĩ, trước tiên chúng ta cần phải đổi mới tư duy, nhận thức về xây dựng nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới. Tiếp đến là đào tạo theo mô hình liên kết chặt chẽ 3 nhà: nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra tính đồng bộ và hiệu quả”-ông Thành cho hay.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.