Mơ màng giữa tiếng chiêng tiếng trống, giữa bập bùng lửa akhan, giữa những người anh em Jrai nồng ấm, mộc mạc và chân tình. Họ chẳng có gì ngoài cái tình giữa con người với con người.
Cái tình của sự cố kết đã giúp họ sống giữa núi rừng cho đến tận bây giờ và mai sau.
Trải qua quá trình lịch sử lâu đời, người Jrai tại Tây Nguyên đã tạo lập cho mình một thế đứng vững chắc với diện mạo kinh tế xã hội rõ nét, là một thành phần quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp văn hoá chung của đất nước. Và ở đó, có làm khách của người Jrai mới thấy tấm chân tình của họ mộc mạc và khoáng đạt như gió đại ngàn vậy.
Có lên với đại ngàn để làm khách của Jrai mới thấy cuộc sống và con người nơi đây đằm thắm, mộc mạc và chân thành lắm. Như đứa con xa nhà lâu ngày trở về thăm, người dân Jrai Mthur ở buôn Ama Hyai (Krông Pa, Gia Lai) đón tôi bằng tình cảm nồng nàn không phai nhạt dù đã nhiều năm xa cách. Anh bạn Siu Phĩu dẫn tôi về đây làm khách, bảo: “Người Jrai mình nghèo cái tiền, nhưng cái tình thì đầy lắm. Đầy như nước sông Ba vậy!”
Tôi chưa tin lắm. nhưng rồi tôi cũng phải tin, tin từ những gì tôi đã được chứng kiến, mà nhiều khi như cảm thấy có máu Jrai trong người mình vậy. Người Jrai nghèo thật, nhưng lại sống rất nghĩa tình. Trong lúc túng thiếu mà vẫn sẻ chia mới là quý. Tôi đã được thấy một người Jrai lỡ đường, có thể vào nhà một người Jrai khác xin tá túc và nấu cơm ăn tự nhiên như ở nhà mình vậy. Bởi nếu không tự nhiên, chủ nhà sẽ bị cho là tiếc của và sẽ mang tiếng với cả làng. Miếng ăn không còn là miếng tồi tàn như cách nói của người Kinh nữa, mà trở thành miếng ăn ân tình, nó làm cho người gần người và yêu thương nhau hơn.
Nói chuyện miếng ăn, có lẽ với mọi người từ nơi khác đến đều không thích những món ăn đặc biệt của người Jrai chốn này như món lá mỳ xào, món cá um độc đáo, và món muối kiến vàng bởi rất khó ăn. nhưng nếu biết được rằng chỉ có khách quý thì người Jrai mới làm những món này để đãi, có lẽ chẳng ai ngại ngần chối từ để rồi cảm thấy rằng những món ăn đó rất ngon. Ami Siu Phĩu (mẹ anh Siu Phĩu) bảo rằng món lá mỳ này phổ biến đến mức người Jrai tự nhận rằng sinh ra đã có lá mì trong miệng.
Có 2 loại lá mì màu trắng và màu đỏ ăn được, thường không có củ, vả lại rất dễ trồng, nên người dân thường trồng quanh nhà như một loại rau. Loại lá mì màu xanh là mì cao sản, trồng để lấy củ bán, không ăn được vì có thể làm người ta say. Trước khi xào, người Jrai thường vò hoặc giã nát lá mì. Nếu đám tiệc đông người thì nên giã vì vò không nổi. Còn trong gia đình ăn thì nên vò vì vò ăn ngon hơn. Người ta có thể xào lá mì với cá khô, cá hấp, thịt heo hoặc chỉ với dầu ăn, nhưng đúng bài thì phải có thêm vài tép xả, bông đu đủ đực ăn lúc đầu đắng, lúc sau ngọt, hay xào với cà rừng là một loại cà nhỏ như đầu ngón tay và đặc biệt không thể thiếu ớt, mà phải dùng ớt xanh của người Jrai mới ngon.
Khi nấu nên mở nắp cho lá mì có màu xanh đẹp. Xào đến khi nào khô đáy nồi là được. Lúc bày ra ăn, thêm vài lá é là một loại lá gia vị của người Jrai cho thơm. Cũng với lá mì ấy, người Jrai có thể chế biến thêm món canh lá mì hoặc món Anam tbung. Khi xào lá mì chín, cho nước bột gạo vào, vừa khuấy vừa đổ cho tới khi bột gạo chín và sệt lại như cháo. Anam tbung chỉ ăn vào những dịp ma chay, cưới hỏi, lễ giỗ hoặc nhà mới. Anam tbung cũng nấu bằng bột gạo nhưng thường nấu với lòng heo, lòng bò hoặc thịt.
Siu Phĩu bảo có ăn được lá mỳ thì mới thành người Jrai được, sống với Jrai, làm khách của Jrai mới cởi mở và gần gũi được. Cùng với lá mì xào thì kop akan hay cá um là đặc sản của những người đàn ông Jrai. Siu Phĩu lấy một tấm lá chuối, hơ qua lửa cho lá chuối mền dễ gói, đặt vào đó những con cá đá nhỏ nhỏ, thêm một chút muối ớt, lá ế, bột ngọt, kiến vàng, cột chặt lại, rồi vùi xuống đống than hồng, chừng một tiếng sau lôi ra, lột bỏ lớp lá chuối cháy xém đi, sẽ cho ta món cá um thơm ngon tuyệt vời. Món này gần như món cá lóc nướng trui của miền Tây nhưng có mùi vị Jrai rất lạ.
Cùng với đó là một chén muối kiến vàng (Hdom sao) và giới thiệu đây là món đặc sản của người Jrai mà bất cứ ai có dịp đến đây cũng không nên bỏ lỡ. Kiến vàng hay còn gọi là kiến vống thường làm tổ trên cây, muốn bắt chúng, người ta dùng một cái thau đồng đã để ngoài nắng nóng, đập tổ kiến cho kiến rơi vào thau, thau nóng, chúng bị bỏng chân và không thể bò đi được. Bắt được kiến rồi giã kiến với một chút muối, bột ngọt và ớt. Người ta cũng cho thêm cỏ thơm là một loại cỏ dại như cỏ gấu, chỉ mọc vào mùa mưa vào muối kiến, hoặc thêm ít gừng. Siu Phĩu bảo rằng những người Jrai xa quê nhớ nhất món này.
Bữa cơm trong ngôi nhà sàn nho nhỏ bên bờ sông Pa chiều Ning Nơng dẫu đạm bạc chỉ có lá mì xào, cá um và muối kiến vàng nhưng ngon lạ lùng. Bởi không chỉ vì đó là những món ăn truyền thống chỉ để đãi khách quý, mà vì những người Jrai nơi đây đã coi tôi như một đứa con của bản làng. Sau kang rượu cần đầy ân tình, Siu Phĩu vỗ vai tôi bảo rằng người Jrai có câu: “Miếng to miếng nhỏ gì cũng nhớ tới nhau!”. Tôi hiểu câu nói ấy của anh, bởi tôi đã chứng kiến khi chia keọ cho lũ trẻ trong làng, có ba đứa bé chia nhau một cục kẹo bé bằng ngón tay và cùng ăn một cách ngon lành.
Kể chuyện ấy với Siu Phĩu, anh gật gù bảo rằng ngay từ nhỏ, những đứa bé đã được dạy về tính cộng đồng. Nếu chỉ có một củ khoai mà có tới 10 đứa bé, thì tụi nhỏ cũng chia củ khoai làm 10 phần bằng nhau. Còn nếu đứa nào ích kỷ không chia, thì chín đứa kia đứng nhìn cho tới khi đứa bé kia phải vứt củ khoai đi thì thôi. Từ bé đã vậy, lớn lên người Jrai ăn miếng gì cũng nhớ tới nhau. Một gia đình trong làng lên nhà mới đốt bò, thì con bò đó sẽ được chia đều cho tất cả mọi người trong làng, kể cả đứa bé còn bú mẹ cũng có phần.
Trong hơi men nồng nàn của đại ngàn đêm Ning Nơng, tôi mơ màng giữa tiếng chiêng tiếng trống, giữa bập bùng lửa akhan, giữa những người anh em Jrai nồng ấm, mộc mạc và chân tình. Họ chẳng có gì ngoài cái tình giữa con người với con người. Cái tình của sự cố kết đã giúp họ sống giữa núi rừng cho đến tận bây giờ và mai sau.
Theo phunu