(GLO)- Bộ Y tế cảnh báo hiện nay tình hình dịch bệnh MERS-CoV ở vùng Trung Đông và Hàn Quốc đang gây chết người và diễn biến phức tạp, dịch bệnh có nguy cơ cao lây nhiễm vào Việt Nam. Trao đổi với Báo Gia Lai về các triệu chứng nhận biết và biện pháp phòng, điều trị bệnh, bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
Bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: Đ.P |
- Tác nhân gây bệnh là vi rút Corona gây hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Vi rút Corona thường gây bệnh ở người được nhắc đến nhiều nhất là SARS-CoV gây ra bệnh SARS. MERS-CoV là chủng mới của vi rút Corona thuộc giống betacorronavirus.
Triệu chứng của bệnh MERS-CoV cũng giống như các hội chứng hô hấp mà do tác nhân, cụ thể là:
- Yếu tố dịch tễ nghi ngờ: Người bệnh đi du lịch tới vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có bệnh do MERS-CoV (vùng Trung Đông hay Hàn Quốc) khoảng 10 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có tiếp xúc gần với những ca bệnh xác định/có thể.
- Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, gồm: sốt trên 38ºC, ho khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau và kèm theo có hội chứng suy thận cấp; khoảng 1/3 số bệnh nhân có các triệu chứng tiêu hóa như: nôn và tiêu chảy.
- Để khẳng định chính xác bệnh phải được xét nghiệm theo kỹ thuật Real Time RT-PCR dương tính với vi rút corona mới. Hiện nay, chỉ có Viện Pasteur Hà Nội và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh mới thực hiện được xét nghiệm này.
Bệnh MERS-CoV hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẵn sàng các dụng cụ, trang-thiết bị y tế cần thiết để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân MERS-CoV. Ảnh: Đ.P |
- P.V: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân trong việc phòng và điều trị bệnh MERS-CoV?
Bác sĩ Đinh Hà Nam: Chúng ta đang ở giai đoạn chưa có ca bệnh, nên yếu tố dịch tễ rất quan trọng, tức là người đi từ vùng có dịch như: Trung Đông hay Hàn Quốc về hãy tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, tốt nhất hãy khai báo với ngành Y tế để được hướng dẫn cụ thể, để tránh xảy ra tình huống xấu cho bản thân và mọi người xung quanh. Nếu có triệu chứng bất thường thì phải đến ngay cơ sở y tế.
Bệnh MERS-CoV có nhiều khả năng lây từ lạc đà ở châu Phi và Trung Đông cho người và có khả năng lây từ người sang người qua đường hô hấp thường do tiếp xúc gần. Vì vậy, tránh tiếp xúc gần với những người nghi ngờ bị mắc bệnh này, tốt nhất là đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người bị mắc hội chứng hô hấp nói chung.
Hiện cũng chưa có vắc xin phòng bệnh, các biện pháp vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây lan trong cộng động đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc.
- P.V: Thưa bác sĩ, ngành Y tế đã chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này như thế nào?
Bác sĩ Đinh Hà Nam: Thực hiện Công điện số 3274/CĐ-BYT ngày 20-5-2015 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng-chống lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV) và Công văn số 1894/UBND-VHXH ngày 28-5-2015 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện Công điện 3274/CĐ-BYT ngày 20-5-2015 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch số 423/KH-SYT ngày 5-6-2015 về Kế hoạch hành động phòng-chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV) trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Khu vực cách ly sẵn sàng tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân. Ảnh: Đ.P |
Kế hoạch đưa ra các hoạt động chi tiết cho 3 tình huống gồm: tình huống 1 là khi chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh Gia Lai; tình huống 2 là khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào tỉnh Gia Lai; tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang triển khai tất cả các biện pháp cho tình huống 1 và sẵn sàng cho tình huống 2 và 3, cụ thể:
Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua hệ thống phần mềm giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm các tuyến và giám sát các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra hành khách tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cảng Hàng không Pleiku phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua kiểm tra thân nhiệt và tờ khai y tế để áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Củng cố và chuẩn bị sẵn sàng các trang-thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế để lấy mẫu, bảo quản mẫu và vận chuyển mẫu đến Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm PCR với vi rút corona mới.
- P.V: Nếu không may bị nhiễm bệnh MERS-CoV, người dân Gia Lai sẽ được điều trị tại các bệnh viện nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đinh Hà Nam: Bệnh MERS-CoV có diễn tiến phức tạp và dẫn đến suy hô hấp, suy thận rất nhanh, nên các trường hợp nghi ngờ phải được thu dung điều trị ở các bệnh viện có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cách ly, trang-thiết bị hồi sức cấp cứu đảm bảo cho tình huống suy hô hấp, suy thận. Vì vậy, Sở Y tế giao trách nhiệm cho 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa chuẩn bị sẵn sàng theo quy định để thu dung những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh MERS-CoV.
Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ để chuyển đến các bệnh viện trên để thu dung. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng hộ phù hợp để đưa ca bệnh nghi ngờ đến các bệnh viện trên.
- P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
Đức Phương (thực hiện)