Ngành KHCN Gia Lai 40 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai (tiền thân là Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Gia Lai-Kon Tum) được thành lập năm 1979. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hoạt động KH-CN ngày càng được đẩy mạnh, chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng, đưa các tiến bộ KH-CN áp dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Vượt khó đi lên

Sau ngày thành lập, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành KH-CN tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũng gặp những khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống tổ chức quản lý, tư vấn, nghiên cứu... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và đẩy mạnh các hoạt động khoa học kỹ thuật ở địa phương. Tuy nhiên, với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học và sự nhiệt tình, tâm huyết, cống hiến của các nhà khoa học, hoạt động khoa học kỹ thuật của tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 4 từ phải sang) thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: N.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 4 từ phải sang) thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: N.T



Để có cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai-Kon Tum nói riêng, ngành KH-CN đã tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu trọng điểm Tây Nguyên, triển khai các nhiệm vụ KH-CN của tỉnh cung cấp những luận cứ, cơ sở khoa học đầu tiên để quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kế hoạch và quy hoạch các vùng chuyên canh, bố trí giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các đề án sản xuất, luận chứng kinh tế-kỹ thuật cho từng ngành trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn này, kinh tế nông-lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy việc áp dụng các tiến bộ KH-CN phục vụ sản xuất nông nghiệp rất được quan tâm nhằm giải quyết những yêu cầu cấp bách về các giống cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng đã bắt đầu được quan tâm triển khai như: quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn; hướng dẫn các tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; phổ biến, hướng dẫn, quản lý việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ngành đối với các cơ sở sản xuất; tổ chức mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn về đo lường phục vụ sản xuất, kinh doanh đến cơ sở; tổ chức thực hiện việc kiểm tra phép đo, hàng hóa đóng gói sẵn theo định lượng.

Từ sau đổi mới đến năm 2012 (trước khi có Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) là giai đoạn nền kinh tế đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động của ngành KH-CN cũng đã có những đóng góp cụ thể hơn trong phát triển kinh tế-xã hội. Các nội dung nghiên cứu trong giai đoạn này khá đa dạng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc định hướng phát triển và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của tỉnh; ứng dụng các công nghệ trong việc phòng-chống thiên tai, bảo vệ môi trường; định hướng sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản thông qua công nghệ chế biến. Bên cạnh các nghiên cứu phục vụ sản xuất, trong giai đoạn này, ngành cũng đã tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề về giáo dục, y tế cộng đồng, văn hóa các dân tộc và lịch sử. Các nghiên cứu đã góp phần đáng kể vào công cuộc chống tái mù chữ, phổ cập giáo dục cho cộng đồng, nâng cao dân trí, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH-CN cũng đã được đầu tư cơ sở vật chất, triển khai toàn diện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Thực hiện mới các nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và hàng rào kỹ thuật trong thương mại, triển khai mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn về đo lường, thực hiện việc thử nghiệm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia. Công tác thông tin và thống kê KH-CN đã cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong lĩnh vực KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống. Công tác sở hữu công nghiệp đã bắt đầu được quan tâm, tích cực tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhằm từng bước tạo lập và phát triển thị trường KH-CN, tỉnh đã tổ chức thành công Chợ thiết bị-công nghệ (Techmart Gia Lai 2004), hàng năm vận động hỗ trợ nhiều lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chợ thiết bị-công nghệ quốc gia…

Đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương

Ngay sau khi có Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 về “Phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 19-3-2013 về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW. Từ đó đến nay, hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các nguồn lực tập trung đầu tư cho KH-CN ngày một tăng. Các hoạt động của ngành KH-CN đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành KH-CN thực hiện nhiệm vụ phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời đại mới.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời đại mới. Ảnh: N.T

Các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và cấp bộ triển khai trên địa bàn tỉnh ngày càng bám sát nhu cầu thực tiễn và mang tính ứng dụng cao, thực hiện theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KH-CN đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đặt hàng những đầu bài, những nhiệm vụ lớn để hỗ trợ phát triển toàn diện các ngành kinh tế-xã hội. Điển hình như: đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá triển vọng thành lập công viên địa chất toàn cầu tỉnh Gia Lai; tập đoàn giống cây trồng chủ lực; di thực và phát triển sâm Ngọc Linh; nghiên cứu và phát triển cây mật nhân và các loại dược liệu đặc hữu của tỉnh; nghiên cứu về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT; các nghiên cứu về khoa học xã hội, về lịch sử, văn hóa dân gian, y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng đạt được những kết quả nhất định đã góp phần trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, bảo tồn, phát huy kho tàng tri thức y học dân gian, góp phần tích cực trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 

Sở KH-CN tỉnh Gia Lai đã vinh dự được nhận cờ thi đua của Chính phủ (năm 2018), Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước (năm 2006) và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012), nhiều cờ thi đua, bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ KH-CN.

Từ khi Nghị quyết 20-NQ/TW được ban hành cho đến nay, công tác quản lý nhà nước về KH-CN đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy sản xuất. Trong đó, hoạt động hướng dẫn tiêu chuẩn hóa, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố phù hợp tiêu chuẩn, công bố hợp quy, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như: Tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP, ISO 14000, VietGAP, ISO 17025, OHSAS 18001; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; ứng dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phổ biến hàng rào kỹ thuật trong thương mại được thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có 1 doanh nghiệp được tặng giải vàng về chất lượng.

Nhằm góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng một nền hành chính theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả, trên địa bàn tỉnh đã triển khai toàn diện thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; tiếp tục triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và lộ trình chuyển đổi áp dụng TCVN ISO 9001:2015. Các hoạt động tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, xác lập quyền, khai thác, phát triển giá trị thương mại và bảo vệ tài sản trí tuệ được quan tâm triển khai mạnh như: quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với “Thuốc lá Krông Pa”; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với “Gạo Phú Thiện”, “Rau Đak Pơ”, “Rau An Khê” sẽ được công bố vào cuối năm 2019. Từ năm 2013 đến nay là giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ về lĩnh vực thông tin KH-CN, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là các thông tin tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Hiện nay, Sở KH-CN đã kết nối với Cục Thông tin KH-CN Quốc gia sẵn sàng cung cấp các thông tin gồm 250.000 công bố trong nước, 100.000 công bố quốc tế và 40 triệu dữ liệu KH-CN cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu trong việc phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ cho sản xuất.

Thời gian tới, ngành KH-CN tỉnh nhà sẽ tăng cường nhận thức, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ KH-CN để phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy, thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập; năng động, sáng tạo, xây dựng tác phong lề lối làm việc trong hoạt động KH-CN, nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu. Tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa KH-CN với các ngành kinh tế-xã hội của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để KH-CN hoàn thành tốt sứ mệnh phục vụ và hỗ trợ các ngành kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

 LƯU TRUNG NGHĨA
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.