(GLO)- Những ngày áp Tết Nguyên đán này, đặt chân vào các bệnh viện, không khí đón chào năm mới càng thúc bách hơn bởi sự nôn nóng của hầu hết bệnh nhân và người nhà của họ muốn mau chóng được xuất viện để về đón giao thừa cùng gia đình. Điều đó như thôi thúc đội ngũ y-bác sĩ càng thêm nỗ lực làm việc.
Theo Sở Y tế, tất cả các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tỉnh phải tuân thủ chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo “canh phòng” cho sức khỏe và tính mạng của người dân, để mọi người được đón Tết an toàn, vui vẻ.
Các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa. Ảnh: T.Đ |
Đến sáng 22-1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị phục vụ khám-chữa bệnh trong dịp Tết. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Bệnh viện thực hiện trực Tết 24/24 giờ theo 4 cấp: trực lãnh đạo; hành chính; chuyên môn; bảo vệ-điện-nước. Riêng bộ phận chuyên môn được huy động một tổ chuyên gia và tăng cường thêm 1 tổ cấp cứu gồm 3 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 lái xe) sẵn sàng đi cấp cứu bệnh nhân ngoài viện bất cứ lúc nào khi người dân yêu cầu. Khoa Sản, khoa Ngoại, khoa Cấp cứu… là các bộ phận thường phải làm việc với cường độ cao trong mấy ngày Tết. Lực lượng đoàn viên thanh niên là nòng cốt trong các ca trực và phối hợp với lực lượng tự vệ, bảo vệ an toàn tài sản của bệnh viện và bệnh nhân. Riêng Ban Giám đốc sẽ tổ chức đi thăm hỏi, chúc Tết các bệnh nhân còn nằm điều trị trong bệnh viện mấy ngày Tết. Bệnh viện đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, cơ sở vật chất và đơn vị máu dự trữ đảm bảo cho việc cấp cứu, điều trị”.
Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm-Trưởng khoa cho biết thêm: Để đảm bảo công tác chuyên môn trong 9 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày, khoa chia ra 4 kíp trực. Khoa đã tăng cường thêm bác sĩ và điều dưỡng tham gia các kíp trực so với ngày thường. Ngoài ra, bệnh viện tăng cường trang thiết bị, máy móc để phục vụ cấp cứu bệnh nhân; đồng thời đảm bảo về cấp cứu ngoài bệnh viện khi có trường hợp đột xuất như: thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông đông người…
Các đơn vị cơ sở y tế nằm trên trục lộ chính như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa, Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê, Trung tâm Y tế Chư Sê, Chư Pah, Đức Cơ… cũng đã lên phương án trực Tết, bố trí nhân lực, trang-thiết bị phục vụ cấp cứu và khám-chữa bệnh chu đáo. Bác sĩ Đỗ Tấn Thạnh-Giám đốc Trung tâm Y tế Đức Cơ cho biết: Hơn 20 năm công tác, ít khi anh được ở nhà đón giao thừa cùng vợ con mà thường trực ở bệnh viện. Cũng có năm đêm giao thừa, bệnh nhân tai nạn giao thông và ngộ độc rượu vào cấp cứu nhiều, công việc không có lúc nào ngơi, xong việc thì thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đã qua lúc nào chẳng hay. “Đôi khi ngồi đón giao thừa trong phòng trực bệnh viện nghĩ đến cảnh vợ con đón giao thừa thui thủi ở nhà mà thương… Nói vậy thôi nhưng đón giao thừa ở bệnh viện miết rồi cũng quen, anh em kíp trực lại động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, canh giữ sức khỏe và sự sống cho bệnh nhân”.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Thị Quyện-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa nhấn mạnh: “Bệnh viện không chỉ làm nhiệm vụ khám-chữa bệnh, tiếp nhận xử trí các trường hợp chuyển tuyến của các cơ sở điều trị trong khu vực Đông Nam tỉnh mà còn tiếp nhận chữa trị cho các bệnh nhân của huyện Ea H’Leo (Đak Lak) chuyển qua. Khối lượng công việc rất lớn, nhưng chúng tôi đã chủ động kế hoạch, lên phương án trực sẵn sàng phục vụ bệnh nhân cả trước, trong và sau Tết”.
Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của ngành Y tế và sự phục vụ tận tụy của đội ngũ y-bác sĩ sẽ đảm bảo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh đón Tết, vui Xuân được khỏe mạnh, an toàn.
Đức Phương