Những cái tên bắt đầu bằng chữ W
Khi sinh đứa con gái đầu lòng với một bên chân không lành lặn, cha mẹ đã đặt tên con là H’Wen-tiếng Jrai có nghĩa là khuyết tật. Gia đình H’Wen có tất cả 4 anh chị em. Để H’Wen không cô đơn, tất cả những đứa trẻ sinh ra là con gái trong gia đình, dòng họ đều đặt tên bắt đầu bằng chữ W.
Chị Puih H’Wê-người con cả của bà H’Wen-cho biết: “Tới bây giờ rất khó để tìm được cái tên bắt đầu bằng chữ W mà không bị trùng lắp để đặt cho những đứa bé gái trong dòng họ. Chúng tôi được dạy rằng, đó là sự sẻ chia với thiệt thòi mà ai đó trong gia đình không may gặp phải. Tinh thần ấy là sợi dây gắn kết bền chặt trong gia đình, dòng họ Jrai suốt bao đời nay”.
Năm 1976, khi H’Wen bước vào tuổi trưởng thành, cha mẹ đã tặng bà 1 chiếc máy xay xát gạo. Đó là tài sản rất lớn đổi bằng nhiều trâu, bò. Người cha tuyên bố lý do: “Vì nó không có chân, không thể cuốc đất như người ta”. Đó cũng là chiếc máy xát đầu tiên và duy nhất của xã Ia Dêr ngày ấy.
Bà H’Wen hồi tưởng: “Máy xát chạy dầu và phải quay tay mới nổ. Mỗi lần quay máy, mình phải dùng hết sức lực. Khi đó, cả xã có 12 làng dân tộc thiểu số, chỉ duy nhất ở làng Breng có chiếc máy xát. Dân các làng thường gùi lúa tới xát gạo và trả công bằng gạo chứ hiếm khi trả tiền”.
Ở tuổi 70, bà H’Wen (thứ 2 từ trái sang) vẫn giữ được vẻ đẹp tươi tắn. Ảnh: H.N |
Bị khuyết tật nhưng H’Wen nổi tiếng xinh đẹp. Tuy vậy, đến năm 1982, khi đã 28 tuổi, bà mới lấy chồng. Theo phong tục, con dâu mới phải về nhà chồng giã gạo bằng cối để cha mẹ đánh giá sức khỏe và sự tháo vát, giỏi giang. Nếu gạo giã trắng, đều, không bị vỡ nát là người khéo léo và ngược lại sẽ bị đánh giá là vụng về.
Bà H’Wen nhớ lại: “Với phụ nữ Jrai thì đó là chuyện bình thường, nhưng là thử thách đối với mình. Mình chỉ đứng được bằng 1 chân, một mình giã cối lúa to, mồ hôi đổ ra như tắm. Một mình giã, rồi sàng sảy, rồi lại đổ vào cối giã. Cuối cùng gạo cũng được giã trắng, đều khiến cha mẹ chồng rất vui”.
Mùa xuân đẹp nhất
Chuyện giã gạo của bà H’Wen chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cho thấy nghị lực của người phụ nữ khuyết tật. Bà Siu Hbyit-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Breng-cho hay: “Bà H’Wen làm kinh tế rất giỏi và thường giúp đỡ những người khó khăn trong làng. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt nhờ bà H’Wen đã vượt qua tình cảnh khốn khó.
Trước đây, trong làng có 2 chị em H’Ái và Ôn bố bị tai biến, mẹ bị bệnh thần kinh có nguy cơ phải bỏ học. Bà H’Wen đã nhận nuôi 2 cháu, cho gạo, lo chuyện học hành. Đến nay, 2 chị em đều trưởng thành, có cuộc sống ổn định, riêng H’Ái đã lấy chồng, sinh con”.
Chị H’Wê kể thêm: “Chị hàng xóm gần nhà tôi mang bầu đi siêu âm đều có kết quả là sinh con gái. Nhưng mẹ tôi quan sát và bằng kinh nghiệm thì cho rằng chị sẽ sinh con trai. Không ngờ, chị sinh con trai thật, đặt tên là Thắng. Năm Thắng học lớp 2 thì mẹ qua đời. Gia đình rất khó khăn nên mẹ tôi hàng tháng cho gạo, cho tiền giúp Thắng đi học.
Bây giờ, cậu bé đang học lớp 5, hễ có ai trêu chọc em không có mẹ thì Thắng thường nghiêm mặt nói: “Tôi có mẹ H’Wen”.
Bà H'Wen (thứ 2 từ phải qua) là 1 trong 25 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen năm 2023. Ảnh: H.N |
Năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao tặng bằng khen cho 25 hội viên khuyết tật tiêu biểu toàn tỉnh vì những đóng góp cho cộng đồng và phong trào phụ nữ, trong đó có bà H’Wen. Họ như mùa xuân đẹp khiến cho những điều tử tế, đẹp đẽ trong đời luôn đâm chồi nảy lộc.
Trong trái tim những người con, bà H’Wen mãi là mùa xuân đẹp nhất đến với cuộc đời họ. Chị H’Wê chia sẻ: “Mẹ tôi làm gì cũng nhanh nhẹn, tháo vát, không ngại bất cứ việc nào. Hồi còn trẻ, mẹ đã biết nuôi đàn heo nái đông đúc cho tới bây giờ. Tôi nhớ, mỗi khi mẹ ra giọt nước hái rau heo, bà nhảy bằng 1 chân rất nhanh. Tôi thường theo sau để “cõng rau” cho mẹ”.
Còn chị H’Wôn-con gái út-nhắc đến mẹ với khóe mắt rưng rưng: “Hồi nhỏ, thấy chân mẹ bị như vậy, tôi làm đủ trò nghịch ngợm để trêu chọc. Nhưng càng lớn, tôi càng thương và hãnh diện về mẹ. Mẹ khuyết tật nhưng luôn cho rằng mình may mắn hơn nhiều người. Mẹ thường nói, mình không giúp được nhiều thì giúp ít, nhưng đừng thấy người khác khổ mà làm ngơ.
Cả 4 chị em tôi đều lần lượt làm lễ báo hiếu mẹ theo phong tục của người Jrai. Chúng tôi đều cố gắng sống tốt, chăm chỉ lao động, giúp người khó khăn, noi theo gương bà. Đó cũng là cách báo hiếu khiến mẹ vui hơn tất cả”.