(GLO)- Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là đợt sinh hoạt chính trị vô cùng đặc biệt và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; là một trong những vấn đề quan trọng, then chốt để giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, dễ dàng mà vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên. Do đó, đòi hỏi mỗi một tổ chức đảng, mỗi một đảng viên phải thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, trách nhiệm để gương mẫu, tự giác thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ với những biện pháp kiên quyết và tích cực…
Nhìn lại chặng đường 82 năm, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu vĩ đại. Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng... gây nên sự bất bình và lo lắng sâu sắc trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.
Học tập Nghị quyết Trung ương 4(khóa XI). Ảnh: T.N |
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết Trung ương 4 không bàn toàn diện các nội dung về xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà chỉ lựa chọn ba vấn đề cấp bách nhất để tập trung chỉ đạo thực hiện với mong muốn tạo được sự chuyển biến rõ rệt, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Để sửa chữa những khuyết điểm trong nội bộ Đảng đã tích tụ lâu ngày, khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ là công việc không đơn giản, dễ dàng. Trái lại, đây là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng phải có quyết tâm cao nhất, mọi tổ chức, mọi đảng viên phải phấn đấu kiên trì, bền bỉ. Trong đó, vấn đề cấp bách hiện nay là “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là trọng tâm, cấp bách nhất, cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên. Nghị quyết yêu cầu các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mỗi cấp ủy viên, đảng viên phải dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình, tìm ra được những ưu điểm để phát huy, những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm để có kế hoạch, biện pháp sửa chữa.
Đối với tỉnh ta, qua kết quả điều tra dư luận về tư tưởng, tâm trạng xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010) cho thấy: Một bộ phận cán bộ, đảng viên yếu kém về phẩm chất đạo đức, lối sống như “Nói không đi đôi với làm”, “Nói nhiều làm ít”, “Chỉ lo cho cá nhân và gia đình, thiếu tâm huyết với việc chung”, “Kèn cựa, địa vị”, “Thiếu ý thức trách nhiệm”, “Không gần gũi quần chúng, ít quan tâm đến những vấn đề bức xúc của nhân dân”… Đây không chỉ là những hạn chế, yếu kém mà là làm cho nhân dân thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức vì nước, vì dân, quên đi bổn phận, chức trách được Đảng và nhân dân giao phó. Cho nên, sau khi hoàn thành việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nếu thực hiện tốt sẽ tạo đà cho thực hiện các giải pháp khác và ngược lại, muốn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đạt được yêu cầu mong muốn cần phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và phát huy dân chủ nội bộ; giữa tuyên truyền, giáo dục chính trị với công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác kiểm tra giám sát… Làm tốt những vấn đề nêu trên mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh ta có sự chuyển biến rõ rệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đảng cách mạng cần phải tự phê bình, phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng. Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính… Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là vấn đề mấu chốt nhất nhưng thực hiện được cũng có rất nhiều khó khăn. Bởi vì nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân mình và còn phải nhận xét đánh giá người khác… Nếu không tự giác, chân thành, công tâm thì dễ dẫn đến chủ quan, thường chỉ thấy mình ưu điểm hơn người khác và chỉ thấy khuyết điểm của người khác nhiều hơn chính mình. Phải vừa có dũng khí, hết lòng vì sự nghiệp chung và thật sự cầu thị thì mới dám nói hết khuyết điểm của mình và dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên; chống thái độ nể nang, hữu khuynh, “im lặng là vàng” hoặc thái độ cực đoan, thông qua phê bình để đả kích, gây rối nội bộ. Do đó, yêu cầu mọi đảng viên phải đối chiếu, liên hệ tự kiểm điểm, ai cũng có thể soi vào để thấy rõ khuyết điểm, hạn chế của chính mình; đối chiếu, liên hệ những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng nơi sinh hoạt để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng, tránh tư tưởng né tránh. Mặt khác, phải xem xét một cách khoa học, khách quan, toàn diện, phân tích đầy đủ tính chất, mức độ, phạm vi, xu hướng, hậu quả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, làm rõ các biểu hiện lệch lạc, sai trái đã và đang tồn tại làm căn cứ để tổ chức và cá nhân phê bình, đóng góp một cách đúng đắn, tránh tả khuynh, hữu khuynh, không để kẻ xấu lợi dụng, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng. Đó chính là đề cao tính tự giác, tính chủ động, tính tiên phong của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.
Song, việc ngăn chặn, đẩy lùi những yếu kém, khuyết điểm đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ thì không chỉ kêu gọi tính chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên mà phải có những biện pháp chặt chẽ, vừa đề cao tính tự giác, vừa có tính bắt buộc tuân thủ và chấp hành nghiêm túc. Thực tế, những biểu hiện về phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc, không thể dễ dàng khắc phục nếu chỉ kêu gọi tính tự giác chung chung. Vì vậy, một mặt đề cao tính tích cực, chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng, thông qua dư luận xã hội, thông qua các cơ quan báo chí…
Như chúng ta đã biết, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, không ít tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt nguyên tắc này, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao, dẫn đến quá trình thực hiện vẫn rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu”. Do đó, theo tinh thần của Trung ương, đảng bộ các cấp phải rút kinh nghiệm các lần trước và chuẩn bị thật chu đáo, tỉ mỉ, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu, chắc đến đó. Khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, đoàn kết xuôi chiều, bị tình cảm cá nhân chi phối, đồng thời nghiêm khắc xử lý những biểu hiện lợi dụng phê bình để đấu đá, làm mất uy tín của nhau, gây rối đối với tổ chức, ảnh hưởng đến đoàn kết trong tổ chức đảng, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng kích động, chia rẽ. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, được mọi người đóng góp mà không tiếp thu, được tổ chức giúp đỡ mà không sửa chữa thì phải xử lý thích đáng theo điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước. Đó cũng chính là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong tự phê bình và phê bình, sinh thời Bác thường nhắc nhở: Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm và Bác còn căn dặn: Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) được xem như là một Nghị quyết “lịch sử” và Ban Chấp hành Trung ương còn yêu cầu phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết trên tinh thần: Nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, khẩn trương, kiên quyết, kiên trì, không nóng vội; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không làm chuyển biến được tình hình; thực hiện Nghị quyết phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, đối ngoại, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết này đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên phải tiên phong trong việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, là cơ sở tiền đề cho thực hiện các giải pháp khác và ngược lại; có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ Gia Lai có sự chuyển biến rõ rệt.
Phạm Đình Thu
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh