Super Micro Computer (Supermicro) đóng vai trò quan trọng trong bài báo có nội dung Trung Quốc cài chip gián điệp của nhiều doanh nghiệp Mỹ của Bloomberg.
Supermicro chứng kiến cổ phiếu lao dốc thảm hại tới hơn 40% sau khi Bloomberg đăng tải bài viết tố cáo hãng bán máy chủ bị Trung Quốc cài chip gián điệp cho nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, bao gồm Amazon và Apple. Dưới đây là những gì bạn cần biết về công ty này:
Supermicro làm gì?
Có trụ sở chính đặt tại San Jose, California, Mỹ, Supermicro được thành lập năm 1993 bởi doanh nhân mang hai dòng máu Mỹ - Đài Charles Liang. Nó chuyên về máy chủ và bảng mạch chính máy chủ - các sản phẩm kết nối tất cả linh kiện hệ thống trong một máy tính và cho phép chúng giao tiếp với nhau. Trong khi công đoạn phát triển bảng mạch chính và máy chủ phần lớn diễn ra tại trụ sở, sản phẩm của Supermicro gần như lắp ráp hoàn toàn tại các nhà thầu Trung Quốc.
Bloomberg cáo buộc gì Supermicro?
Bài báo gây chấn động của Bloomberg tố cáo máy chủ của Supermicro bị Trung Quốc xâm phạm. Dẫn 17 nguồn tin ẩn danh từ doanh nghiệp và chính phủ, hãng tin tài chính nói gián điệp Trung Quốc đã cài các con chip siêu nhỏ có kích thước bằng hạt gạo bên trong máy chủ đang được dùng bởi 30 công ty Mỹ, bao gồm cả Apple và Amazon, cũng như nhiều tổ chức chính phủ, cho phép Bắc Kinh tiếp cận mạng nội bộ.
Trong tuyên bố phát đi sau đó, Supermicro khẳng định “chưa bao giờ phát hiện chip độc hại hay được thông báo bởi bất kỳ khách hàng nào về việc có con chip như vậy được tìm thấy”. Apple và Amazon cũng bác bỏ bài báo của Bloomberg.
Vì sao nó quan trọng đến vậy?
Trung Quốc gần như thống trị chuỗi cung ứng nguồn điện tử toàn cầu. Như Bloomberg chỉ ra, tấn công phần cứng “khó loại bỏ và có khả năng tàn phá lớn hơn, mang lại truy cập trong dài hạn, vô hình mà các cơ quan gián điệp sẵn sàng chi hàng triệu USD và nhiều năm đầu tư để có được”.
Bài báo xuất hiện đúng vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang vì cuộc chiến thương mại kéo dài.
Supermicro có quy mô ra sao?
Sypermicro là một trong các hãng bán máy chủ và bảng mạch chính máy chủ lớn nhất thế giới cũng như là người chơi dẫn đầu trong thị trường bảng mạch dùng trong các máy tính đặc biệt. Trong năm tài khóa kết thúc ngày 30/6/2016, công ty đạt thu nhập ròng 72 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước đó. Mảng đám mây của IBM từng là khách hàng lớn nhất trong thời kỳ này, chiếm đến 10% doanh số.
Đến tháng 6/2016, Supermicro có khoảng 2.600 nhân viên toàn thời gian, trong đó nghiên cứu và phát triển chiếm 40%. Hãng có các văn phòng quốc tế tại Hà Lan, Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản, chủ yếu tập trung vào bán hàng. Năm tài khóa 2017 và 2018 công ty không nộp báo cáo tài chính vì lý do kế toán.
Charles Liang là ai?
Charles Liang, đồng sáng lập kiêm CEO, Chủ tịch Supermicro |
Ông Liang, 60 tuổi, là nhà đồng sáng lập, CEO kiêm Chủ tịch ban quản trị Supermicro. Ông cũng là cổ đông cá nhân lớn nhất với 15% cổ phần. Là người nhập cư từ Đài Loan, ông Liang có bằng kỹ thuật điện tử của Đại học Texas. Supermicro được xem là công ty chỉ có 1 người cầm trịch dưới sự điều hành của ông Liang. Ông quản lý mọi thứ từ đơn hàng cho đến tiếp thị và quảng cáo. Một lãnh đạo Supermicro từng trả lời New York Times năm 2008: “Nếu ông ấy nói một sản phẩm sẽ ra đúng hạn, nó sẽ ra đúng hạn. Điều này không dựa trên nỗi sợ hãi mà dựa trên lòng tin”.
Du Lam (Tổng hợp/ICTNews)