(GLO)- Sáng 1-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2015) và Quốc Khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-2015).
Dâng hoa tại Quảng trường. Ảnh: Tấn Hằng |
Dự lễ có các đồng chí: Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh; Võ Ngọc Thành-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường Trực HĐND, UBND tỉnh…; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân nhân cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, hội đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo Quân Khu 5, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các cơ quan doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và nhân dân ta đã đứng lên đánh bại ách thống trị của thực dân, phát xít mà điểm nhấn là thành công của Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945), Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam và Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền tự hào mình là người dân của một nước tự do và độc lập.
Quang cảnh lễ kỷ niệm tại Hội trường 2-9. Ảnh: Tấn Hằng |
Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Đình Thu thay mặt Thường trực Tỉnh ủy đã đọc diễn văn nhân Lễ kỷ niệm. Theo đó, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu to lớn. Đến nay, đã chấm dứt hoàn toàn nạn đói trong đồng bào dân tộc thiểu số; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng cao, từ 3,5% năm giai đoạn 1976-1990 lên 11%/năm giai đoạn 1991-2010; thì đến giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 12,81%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 34,1 triệu đồng, gấp 36 lần so với năm 1991. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến 2008 đạt 1.750 tỷ đồng, năm 2014 đạt trên 3.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông, lâm nghiệp-công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện…
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Gia Lai luôn chú trọng tập trung chỉ đạo công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới làm theo lời Bác.
Để tiếp bước và tưởng nhớ đến cha ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì đất nước, thay mặt tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh đồng chí Nguyễn Hoàng Phong-Phó Bí thư Tỉnh đoàn, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu, các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ thanh niên đi trước; cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, cấp chính quyền… và xin nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đại đoàn kết một lòng ra sức học tập và rèn luyện lao động sáng tạo, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Ảnh: Tấn Hằng |
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn đại biểu đã đến dâng hoa Bác tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và dâng hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; dâng hoa và thắp nén hương thành kính đến các liệt sĩ tại Ngĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Tấn Hằng