Trung Quốc đang trên đà hoàn thành việc xây dựng một "mặt trời nhân tạo" trước cuối năm nay, theo nguồn tin từ truyền thông địa phương.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một "mặt trời nhân tạo" đủ mạnh để khởi động các phản ứng tổng hợp hạt nhân |
Công trình đáng kinh ngạc này sẽ có khả năng đạt tới 100 triệu độ C - nóng gấp sáu lần so với trung tâm Mặt trời của chúng ta.
“Mặt trời nhân tạo” được công bố lần đầu vào tháng 11 năm ngoái, nhưng dự án chỉ mới đạt được một cột mốc quan trọng.
Truyền thông Trung Quốc cho biết các thử nghiệm ban đầu đã cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra nhiệt độ cao đáng kinh ngạc. Các nhà nghiên cứu đang sử dụng một thiết bị gọi là "tokamak", sử dụng từ trường cực mạnh để bẩy plasma nóng.
Nhiệt độ ở lõi mặt trời thật đạt khoảng 15 triệu độ C, nhưng plasma từ mặt trời nhân tạo của Trung Quốc đã đạt tới nhiệt độ electron là 100 triệu độ C - và nhiệt độ ion là 50 triệu độ C.
Duan Xuru, một quan chức của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc cho biết, các ion là thứ "tạo ra năng lượng trong thiết bị”. Vì vậy, kế hoạch bây giờ là đưa nhiệt độ ion lên tới 100 triệu độ C. Nhiệt độ ion thường thấp hơn nhiệt độ electron, vì vậy điều này có thể gặp khó khăn.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ có thể mang lại sự trợ giúp lớn cho ITER - Lò phản ứng thí nghiệm nhiệt điện hạt nhân quốc tế.
Đây là một dự án lớn có sự tham gia của các nhà khoa học từ 35 quốc gia với mục đích tạo ra "nguồn năng lượng mới" sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân. Điều này sẽ đưa nhân loại tiến gần một bước đến việc tạo ra "năng lượng sạch không giới hạn", bằng cách mô phỏng các phản ứng xảy ra tự nhiên bên trong Mặt trời.
Thảo My (LĐO)