Lãng du trên đường Trường Sơn Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bánh xe lãng du chậm rãi lăn trên những cung đường tiến về điểm hẹn. Hai gã chưa đến tuổi già nhưng đã qua tuổi trẻ thong dong trên 2 con ngựa sắt già nua hơn cả tuổi đời của chính người ngồi trên nó. Đường Trường Sơn Đông phẳng lì, đoạn cong cong uốn lượn mềm mại qua những cánh đồng mía, đôi chỗ lại ôm lấy hông những sườn đồi như một cái khoác vai của người anh em. Màu xanh của trời, cỏ cây hoa lá, nét đậm nét nhạt khiến ta liên tưởng như ai đó đang vẽ nên bức tranh một miền trung du yên ả, dù bạn đang giữa cao nguyên thênh thang, bao la, trên cung đường Trường Sơn Đông huyền thoại.

Không có những tòa nhà, hình khối ngăn tầm mắt mà chỉ có những quả đồi ngút ngàn mía và cây cối nối tiếp nhau đến tận chân trời. Những đỉnh núi mờ ảo như trốn tìm trong làn sương mờ. Thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) dần hiện ra thanh bình, mát mẻ dưới cánh cung núi thẳm và rừng già. Cái se lạnh của tiết trời khiến tâm hồn lữ khách như mềm lại, nghiêng xuống cảm xúc êm đềm. Khung cảnh và khí hậu chẳng khác mấy so với Đà Lạt, nhưng ở thị trấn vùng xa này-nơi chỉ cách một mái nhà rông, người ta đã có thể dấn thân vào rừng già-cái lạnh như mang theo cả hoang vu.

 

Một đoạn đường Trường Sơn Đông.   Ảnh: Hoàng Ngọc
Một đoạn đường Trường Sơn Đông. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sự náo nhiệt của thị thành, khói bụi ô nhiễm và đủ thứ áp lực cuộc sống khiến thần kinh căng như dây đàn thì đến đây đột nhiên chùng lại. Miền đất thanh bình trải ra trước mắt khiến cả 2 chúng tôi sung sướng tận hưởng trong im lặng. Sự tĩnh lặng dễ chịu ở một thị trấn nhỏ, xa xôi này là phần thưởng ngoài sự mong đợi đối với hành trình không định hướng, không lịch trình cụ thể. Nếu đặt kỳ vọng quá nhiều ở chuyến đi, biết đâu chúng tôi sẽ chẳng thể có được phút đốn ngộ hạnh phúc này khi chạm vào không khí mát lạnh cùng nhịp sống có phần buồn tẻ của phố huyện vùng cao.

Thế nhưng thị trấn Kbang chỉ là điểm dừng nghỉ tạm thời để lữ khách còn vỡ òa trong giấc mộng đẹp trên những nẻo vui đường rừng vùng sơn địa.

Mùa Xuân Tây Nguyên thật kỳ lạ trong mắt lữ khách, đặc biệt là ở nơi mà cây rừng với những gam màu xanh, vàng, cam, đỏ đan xen không theo trật tự nào nhưng lại đẹp đến ngỡ ngàng, hùng vĩ đến choáng ngợp, tráng lệ đến rưng rưng. Mỗi cổ thụ như một minh triết về lẽ sống. Và con người, khi đi dưới những tán rừng ven đường Trường Sơn Đông xuôi về xã Sơn Lang thấy mình như được tắm gội từ bên trong để trở về nguyên sơ trong trẻo. Dựng 2 chiếc 67 song song, cả 2 chúng tôi dừng chân bên đường, im lặng. Bỗng nhận ra cái gồ ghề, xù xì để tự vệ bên ngoài đã biến mất tự lúc nào, chỉ còn nghe tiếng thì thầm dịu dàng từ trong sâu thẳm khi được đẫm mình trong kỳ vĩ rừng già.

Trên những cung đường rừng, đôi lúc 2 gã trai thích thú nhận ra thứ âm nhạc làm bạn đồng hành. Âm nhạc của mùa Xuân. Thứ nhạc rừng được tạo ra bởi sự cộng hưởng giữa cỏ cây hoa lá và thanh âm vang vọng từ những ngôi làng sau những cánh rừng già. Mùa Xuân Tây Nguyên là mùa lễ hội bắt đầu, thanh âm kia chính là tiếng cồng chiêng ngân xa trong gió… Cứ thế, 2 lữ khách lang thang tận hưởng mùa Xuân đất trời, mùa Xuân trong chính tâm hồn mình và chợt nhận ra, cuộc đi như trở về, tìm lại mình giữa yên bình.

Hoàng Đăng Khoa

Có thể bạn quan tâm

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.