Lần đầu trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 18-4, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai Bộ trưởng: Lao động-Thương Binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông.

Đây là lần đầu tiên diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đối với hai Bộ trưởng: Lao động-Thương Binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trước những vấn đề bức xúc của xã hội, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn các nhóm vấn đề còn hạn chế, bất cập thuộc vấn đề quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ và hiệu quả để đưa ra chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung trả lời các nhóm vấn đề về giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm sáng tỏ nhóm vấn đề về công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng tham gia trả lời chất vấn là các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan.

Để đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu câu hỏi của các đại biểu cần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cần hỏi; Bộ trưởng trả lời cụ thể, trực diện, thẳng thắn nhận trách nhiệm, không né tránh.

Bộ trưởng cần nêu lên các giải pháp, lộ trình, mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đạt được và cam kết khắc phục để của tri cả nước có điều kiện theo dõi giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Đối với các vấn đề liên quan tới nhiều bộ, ngành, Bộ trưởng và trưởng ngành liên quan sẽ tham gia trả lời cùng để làm sáng tỏ vấn đề.

Thực hiện nghiêm túc và chính xác chế độ với người có công với cách mạng

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18-4 đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Các văn bản này đã thiết lập được một trình tự, thủ tục xem xét xác nhận và giải quyết chế độ đối với người có công một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo được các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá đến nay trình tự, thủ tục đang được triển khai nghiêm túc, hiệu quả tại các địa phương trên cả nước.

Bộ trưởng cho biết hiện nay, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công (khoảng gần 10% dấn số) với 11 nhóm đối tượng người có công. Trong đó, có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Kết quả tổng rà soát cho thấy trong số hơn 2,07 triệu đối tượng được rà soát, số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%). Bộ trưởng nhận định thời gian qua, chính sách đối với người có công đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và chính xác đối với đối tượng người có công theo đúng chính sách.

Kết quả Tổng rà soát của năm 2014 và 2015 còn cho thấy hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách (trong đó xác nhận liệt sỹ 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp).

Tuy nhiên, các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sỹ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…

Bộ trưởng nêu lên 13 vấn đề vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sỹ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày.

Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định, cơ chế phải mở, phải thông thoáng nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ rất khó khăn của cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện chính sách.

Trên cơ sở thống kê những khó khăn, vướng mắc, Bộ đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tiếp tục tổng kết, đánh giá để khi thấy đủ điều kiện sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ trưởng cho biết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về công tác chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Tổ chức Lễ míttinh kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ quy mô cấp quốc gia tại Hà Nội; Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại năm điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Điện Biên và Thái Nguyên; Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong Nhà tù Đế quốc; Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ toàn quốc; liên hoan văn nghệ với chủ đề "Màu hoa đỏ" trong đoàn viên thanh niên; phát động phong trào đoàn viên thahh niên làm một việc tốt tri ân anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng...

Tạo chuyển động mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nêu lên thực trạng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của đất nước còn thấp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu câu hỏi để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào những giải pháp đổi mới cơ bản nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết vừa qua sau khi thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã chính thức phân công cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Bộ đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ bàn giao và sau khi bàn giao, từ 1-1-2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bắt tay vào thiết kế thực hiện chức năng của mình.

Bộ đã rà soát lại toàn bộ và cập nhật, sửa đổi những vấn đề liên quan đến thể chế, trình Chính phủ và phối hợp với các bộ ban hành 37 loại văn bản khác nhau, bao gồm bốn Nghị định của Chính phủ; tám Quyết định của Thủ tướng và 25 thông tư, trong đó có Thông tư liên bộ và Thông tư của nội bộ ngành lao động, thương binh và xã hội trong lĩnh vực này. Do đó, việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp được thực hiện đúng theo quy định hiện hành từ 1-1-2017.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ đã đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản, sẽ được xây dựng trong Đề án đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể là xây dựng và ban hành các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đổi mới cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình, đổi mới tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đặc biệt là đánh giá kết quả đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đội ngũ tổng quát, đại trà, Bộ đặc biệt quan tâm tới đội ngũ chất lượng cao nhằm thực thi, áp dụng đẩy nhanh việc thực hiện 34 bộ giáo trình chuẩn mà quốc gia đã cho nhập để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được chuẩn quốc gia, chuẩn ASEAN và quốc tế, Bộ trưởng cho biết.

Cùng với đó, ngành từng bước thực hiện chuẩn hóa và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như làm việc với một số tổ chức quốc tế để chuẩn bị cho một số chương trình đầu tư cơ bản. Đồng thời, thực hiện phát triển hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp; nâng cao công tác truyền thông tư vấn, hướng nghiệp và nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Trong các nhóm giải pháp đã nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chọn ba vấn đề có tính chất đột phá để tập trung thực hiện, đó là tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng giải thích thêm tự chủ ở đây không phải là khoán trắng, không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà thực chất là khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như doanh nghiệp Nhà nước, hướng đến phát triển việc làm bền vững, giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình, ngành đào tạo, phù hợp với từng loại hình đào tạo. Tự chủ từ tổ chức bộ máy, chương trình, mã ngành; tự chủ từng bước chuyển giao, dự toán ngân sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu , giao nhiệm vụ theo đầu ra, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập.

Từ nay đến năm 2020 chỉ cấp ngân sách như năm 2017 nghĩa là hàng năm giảm 7% theo quy định chi tiêu. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động.

Nhìn nhận đây là một trong những cái yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian vừa qua, Bộ trưởng nêu đào tạo nhưng người ra trường không có việc làm, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại vì chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường, với người sử dụng và với lao động.

Ngành chức năng sẽ triển khai một số mô hình hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển như mô hình đào tạo kép của Cộng hòa Liên bang Đức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đánh giá kết quả của người học, cung cấp thông tin, nhu cầu đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia, áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với những chuẩn mực của các nước như ASEAN và một số nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý, chuẩn về kiểm định chất lượng. Bộ trưởng thể hiện tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của mình, với cách làm và chỉ đạo của Chính phủ, hy vọng sẽ tạo ra chuyển động mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Trả lời thêm về công tác phân luồng để tạo nguồn trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp tích cực với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện phân luồng học sinh sau khi học xong Trung học phổ thông. Bộ trưởng cho biết kết quả gần đây cho thấy có sự chuyển động tích cực, số học sinh được học văn hóa trong các trung tâm giáo dục thường xuyên tăng lên, năm vừa rồi là 40%; số học sinh có nhu cầu chuyển sang học giáo dục nghề nghiệp, không tiếp tục học đại học có tăng lên.

Qua thống kê, Bộ trưởng đánh giá có sự chuyển động, tuy nhiên còn chậm. Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân luồng học sinh chậm có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp ở bậc phổ thông để học sinh ngay khi học phổ thông cơ sở đã tiếp cận được với nghề nghiệp và thị trường lao động.

Cùng với việc tăng cường công tác hướng nghiệp, Bộ tập trung đẩy mạnh về hướng nghiệp theo hướng gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ; tăng cường các môn học có tính chất hướng nghiệp ở cấp học Trung học phổ thông để học sinh có sự chọn lựa...

Tập trung thực hiện ba giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc thời gian vừa qua, một số cơ sở cai nghiện có hiện tượng trốn trại tập thể gây dư luận xấu; nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này? Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy; gần 17.500 học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án; trong đó 10.442 học viên không có nơi cư trú, chiếm 59,5%; tăng hơn 12.600 người so với năm 2015.

Thời gian vừa qua có xảy ra một số vụ trốn trại để vượt ra ngoài tại các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung. Hiện tượng này diễn ra ở một số nơi như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Phòng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên nhân chính của những vụ việc này là do bản thân các học viên không hoàn toàn tự nguyện tham gia quá trình cai nghiện tại các cơ sở trên. Ngoài ra, nhiều địa phương vì muốn làm trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa tất cả người nghiện, người sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện; không có quá trình phân biệt giữa người sử dụng, người nghiện và người lạm dụng ma túy; giữa người có nơi cư trú và người không có nơi cư trú để có những hình thức áp dụng phù hợp khi đưa họ vào cơ sở cai nghiện, dẫn đến nhiều cơ sở bị quá tải.

Điển hình như cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Đồng Nai, với cơ sở vật chất tận dụng từ thời kháng chiến chống Mỹ chỉ đủ sức chứa cùng lúc 500-600 học viên như Đồng Nai đã đưa vào đây gần 1.500 người nghiện và sử dụng ma tuý. Điều kiện ăn ở không đảm bảo đã gây bức bối cho học viên.

Bộ trưởng cho biết thêm cũng bởi hạn chế về cơ sở vật chất mà những học viên này không có sự chia tách về khu sinh hoạt. Quá trình sinh hoạt chung dẫn đến những học viên mới bị các học viên đã từng có tiền án, tiền sự lôi kéo, xúi giục tham gia các hành vi quá khích. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu hiện chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi cố tình vượt phá trại của các học viên, cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm để làm gương.

Vấn đề đội ngũ cán bộ ở các cơ sở cai nghiện còn mỏng và yếu cũng là một trong những khó khăn cơ bản theo nhìn nhận của Bộ trưởng. Việc tuyển mới cán bộ, nhân viên cho các cơ sở cai nghiện đang khó khăn bởi công việc mang tính chất phức tạp, nguy hiểm; mức lương và phụ cấp thấp; cán bộ không được trang bị bất cứ công cụ gì để đảm bảo an toàn cho bản thân trong khi các đối tượng học viên thường xuyên cố tình gây bất lợi trong các cơ sở cai nghiện.

Hiện có Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng chống ma tuý là căn cứ pháp lý nhưng vẫn còn một số vướng mắc về quy định độ tuổi đưa vào cai nghiện bắt buộc; vấn đề áp dụng cai nghiện ma tuý với những người không có nơi cư trú ổn định; thời gian cai nghiện theo quy định quá dài song tỷ lệ cai nghiện thành công rất nhỏ; sự phối hợp quản lý trong và ngoài cơ sở cai nghiện giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan công an và các ngành, cơ quan chức năng chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra một số giải pháp cho những tồn tại trên. Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc về tội phạm ma túy và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm ma túy để vận động sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tập trung thực hiện ba giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý.

Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách; nhất là sửa đổi Luật phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính; cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác tác đấu tranh phòng chống ma tuý, cai nghiện ma túy, đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của người cai nghiện ma tuý và nghiện ma túy.

Thời gian tới, công tác đào tạo và tuyển dụng cán bộ phải được tăng cường; phối hợp, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong việc quản lý các cơ sở cai nghiện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ma túy, tác hại của ma túy, nghiện ma túy, các biện pháp dự phòng ma túy, điều trị ma túy.

Các hoạt động khác như tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tốt về cai nghiện ma túy; cải tiến phương pháp tiếp cận mới về điều trị cai nghiện ma túy; mở rộng mạng lưới tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, xây dựng phác đồ điều trị riêng cho từng đối tượng nghiện ma túy... cũng sẽ góp phần vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tác hại của ma tuý đối với xã hộ, giúp những người nghiện sớm cai nghiện thành công để hoà nhập với cộng đồng, Bộ trưởng nhìn nhận.

Phát biểu kết thúc phiên làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị và sự phối hợp nghiêm túc, có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong việc trả lời những vấn đề có liên quan; ghi nhận quyết tâm chính trị và lời hứa của Bộ trưởng để giải quyết các tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nêu những vấn đề mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cần lưu ý trong các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm trong công tác phối hợp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ; nâng cao chất lượng điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt các chính sách xã hội trong nhiệm kỳ này để thúc đẩy và tạo sự đồng thuận trong xã hội; các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã báo cáo trước phiên chất vấn.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.