* Kỳ 2: Vướng mắc trong triển khai trồng rừng
(GLO)- Không chỉ công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm gặp khó mà việc chuyển diện tích đã thu hồi sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của người dân còn hạn chế, kinh phí hỗ trợ còn thiếu.
Người dân sợ mất đất sản xuất
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), tỉnh phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên 46,6%. Để đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 về tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Theo đó, dự kiến trong 3 năm (2017-2019), toàn tỉnh sẽ thu hồi tối thiểu 30.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, cả tỉnh mới chỉ triển khai trồng được hơn 12,9 ngàn ha rừng; trong đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân tự nguyện kê khai và cơ quan chức năng thu hồi để trồng rừng theo Kế hoạch số 1123 chỉ đạt 10.000 ha.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng còn hạn chế, theo các địa phương là bởi phần lớn đối tượng lấn chiếm đất rừng là người dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất. Do đó, việc vận động người dân kê khai, trả lại đất lâm nghiệp lấn chiếm, chuyển đổi sang trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích này đã được người dân trồng điều, mì, cà phê... đang cho thu nhập ổn định. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của bà con. Nếu chuyển diện tích này sang trồng cây lâm nghiệp phải mất 5-7 năm mới cho thu hoạch thì người dân lại không có nguồn thu nhập khác để trang trải đời sống hàng ngày. Đây chính là trở ngại lớn khiến nhiều hộ dân không tự nguyện kê khai, trả lại đất lâm nghiệp đã lấn chiếm và chuyển sang trồng rừng. Ngoài ra, một số diện tích đất lâm nghiệp bị người dân ở các địa phương khác đến xâm canh nên việc tuyên truyền, vận động và triển khai thu hồi rất khó khăn vì các hộ này không hợp tác, thậm chí chống đối.
Nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm đã được người dân trồng điều và đang cho thu nhập ổn định. Ảnh: Q.T |
Theo ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, tập quán canh tác gắn với rừng, du canh, phá rừng làm rẫy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số. Những năm qua, trên địa bàn huyện Ia Grai có hàng chục vụ xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng bị ngành chức năng phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức, kể cả khởi tố nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm đã khó, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng càng khó khăn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của chính quyền và ngành chức năng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn nên nhận thức của người dân về chính sách thu hồi, giao khoán đất để trồng rừng còn hạn chế.
Còn theo ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, người dân không mặn mà với việc trồng rừng, cụ thể là cây keo lai vì thời gian trồng kéo dài (5-7 năm), hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra chưa đảm bảo… Cùng với đó, phần lớn đối tượng lấn chiếm đất rừng là người dân tộc thiểu số, mục đích là để canh tác các loại cây ngắn ngày nên người dân chưa đồng thuận cao với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Ngoài ra, nhiều diện tích đất lấn chiếm đã được người dân trồng cây điều từ nhiều năm, đang cho thu nhập ổn định nên nếu tiến hành cưỡng chế, chặt bỏ sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con và tình hình an ninh nông thôn.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp còn chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. Điều này đã khiến người dân lo sợ sau khi kê khai, giao lại đất rừng lấn chiếm và chuyển sang trồng rừng sẽ bị mất đất. Vì vậy, không ít hộ dân còn chần chừ không chịu giao đất cũng như chuyển sang trồng rừng.
Thiếu kinh phí hỗ trợ
Việc quản lý và đưa diện tích đã đăng ký thu hồi vào trồng rừng ở các địa phương thời gian qua rất khó thực hiện do kinh phí Trung ương hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/QĐ-TTg vẫn chưa được cấp. Trong khi đó, ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa hỗ trợ kịp thời cho người dân tham gia trồng rừng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách hơn 48,6 tỷ đồng (năm 2017 tạm ứng 3,477 tỷ đồng; năm 2018 là 15,156 tỷ đồng và trong năm 2019 là hơn 30 tỷ đồng) để hỗ trợ các hộ dân triển khai trồng và chăm sóc rừng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các địa phương.
Ông Lương Năm-Phó Trưởng phòng Nông Lâm (Văn phòng UBND tỉnh) cho hay: Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg, đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách bố trí kinh phí trồng rừng thì Trung ương sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cấp kinh phí trồng rừng cho địa phương, các bộ này đều có văn bản phúc đáp là chưa bố trí được kinh phí. Cụ thể, tổng kinh phí mà Trung ương chưa cấp cho địa phương để triển khai trồng rừng theo Quyết định số 38 đến nay là 311 tỷ đồng.
Việc thiếu kinh phí hỗ trợ đã khiến công tác trồng rừng ở các địa phương gặp khó khăn. Ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho biết: “Theo Quyết định số 38, mỗi héc ta rừng trồng, người dân chỉ được hỗ trợ 7 triệu đồng để trồng và chăm sóc trong 3 năm. Trong đó, năm đầu tiên được hỗ trợ 2 triệu đồng, không đủ để các hộ dân mua cây giống trồng đúng mật độ, nhất là khi đa phần các hộ dân đăng ký trồng rừng là người dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn. Ngoài ra, một số hộ dân còn thiếu lương thực phục vụ nhu cầu hàng ngày nên để họ nhận khoán trồng rừng sản xuất có chu kỳ 7 năm là rất khó. Do đó, việc vận động người dân trên địa bàn huyện tự nguyện kê khai, đăng ký trồng rừng càng gặp nhiều khó khăn”.
Ngoài ra, việc thiếu kinh phí hỗ trợ còn ảnh hưởng đến hoạt động của các Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng ở cả cấp huyện và xã. Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thì địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng ở cả cấp huyện, cấp xã. Nhưng do nguồn kinh phí của huyện còn nhiều khó khăn không đủ để hỗ trợ cho các Ban Chỉ đạo, trong khi đó tỉnh chưa bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương nên việc triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng chưa đạt hiệu quả cao.
QUANG TẤN-CHÍ HÀO