Những chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã bắt đầu ảnh hưởng tới Đức.
Đây là nhận định trong bài báo đăng trên tờ Le Figaro của Pháp số ra mới đây.
Theo dự báo của Bộ Kinh tế Đức, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trì trệ trong quý 4 năm nay và sẽ kéo dài trong suốt quý 1-2013. Mặc dù hiện các doanh nghiệp Đức đang buộc phải giảm mạnh đầu tư, song Bộ Kinh tế Đức nhận định rằng đây chỉ là hiện tượng mang tính chất chất tạm thời, do cuộc khủng hoảng nợ công ở lục địa già gây ra.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng Chín vừa qua. Trong khi đó, xuất khẩu toàn khu vực châu Âu giảm tới 9,1%, mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 11-2009.
Số lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong khoảng thời gian này cũng sụt giảm thê thảm mà chưa xuất hiện tín hiệu lạc quan về triển vọng hồi phục.
Tờ Le Figaro nhận định tinh thần các chủ doanh nghiệp Đức đang bị lung lay. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô cũng bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi," trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng.
Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng lĩnh vực máy móc, dụng cụ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, do một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần.
Trong khi đó, cũng theo tờ Le Figaro nền kinh tế Pháp đang đứng bên bờ vực suy thoái. Ngân hàng Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4 sẽ tiếp tục sụt giảm 0,1%, tương tự như quý trước đó.
Như vậy, kinh tế Pháp gần như rơi vào giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng “tình hình cuối năm sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng sau đó sẽ dần được khắc phục".
Theo TTXVN