Phó phòng Cảnh sát QLHC TTXH Công an tỉnh Đak Lak bị khởi tố sau khi có tố cáo ông nhận tiền tỉ để chạy trường vào ngành công an.
Giấy giao nhận tiền được cho là của của ông Y Tuyến viết (Ảnh: Tiền Phong) |
Ngày 12-1, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh Đak Lak cho biết Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Y Tuyến Ksơr - nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội Công an tỉnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi bị khởi tố, ông Tuyến đã bị tước quân tịch, cấp bậc thượng tá, tước các danh hiệu liên quan.
Theo thông tin ban đầu, trong quá trình công tác tại Công an tỉnh Đak Lak, ông Y Tuyến đã nhận tiền của nhiều người dân ở Gia Lai với lời hứa hẹn xin cho con em họ vào học các trường công an.
Tin tưởng lời ông Tuyến, một số hộ dân đã đưa tiền cho ông Tuyến từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, con em của họ vẫn không được vào học trường công an như ông Tuyến đã viết giấy cam kết lúc nhận tiền.
Liên quan đến việc người dân gửi đơn lên Công an tố cáo ông Y Tuyến nhận tiền “chạy trường”, trong một văn bản hồi đáp đơn thư tố cáo công dân do đại tá Huỳnh Đình Nhì - Chánh Thanh tra Công an tỉnh Đak Lak ký có nêu:
“Giám đốc Công an Đak Lak đã chỉ đạo giải quyết đơn tố cáo về trường hợp ông Y Tuyến. Nội dung ông Y Tuyến - Phó Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đak Lak nhận 3,16 tỷ đồng và hứa hẹn xin cho 10 người đi học ở trường Trung cấp CSGT của Bộ Công an đóng tại tỉnh Quảng Nam nhưng đến nay (thời điểm ký văn bản ngày 11-8-2016) không xin được và cũng không trả lại tiền là tố cáo đúng”.
Qua quá trình điều tra, tháng 12-2016 Công an Đak Lak đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời báo cáo Bộ Công an xin ý kiến về sự việc. Công an Đak Lak cũng đề nghị tước quân tịch, khai trừ đảng của ông Y Tuyến.
Liên quan đến vụ việc này, trong một số biên bản giao nhận tiền được lập từ cuối năm 2015 của những người dân, nội dung biên nhận ghi rõ chức vụ, cấp bậc và có chữ ký của ông Y Tuyến Ksor.
Giấy nhận tiền còn thể hiện nội dung nếu không xin được vào học trường trung cấp cảnh sát thì ông Y Tuyến chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Số tiền trong các biên bản giao nhận từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.
Tới cuối 2016, qua nhiều lần hứa hẹn nhưng con em các hộ dân đưa tiền vẫn không được đi học, người dân bắt đầu gửi đơn tố cáo.
Theo VOV