Trong "thương vụ" AVG liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, luật sư cho rằng, pháp luật khuyến khích bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chứ không cần phải "xin" bồi thường.
Hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Việc 2 bị can bồi thường, khắc phục hậu quả có thể ảnh hưởng thế nào đến quá trình xét xử, lượng hình.
Như Dân Việt thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra– Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện KSND Tối cáo để truy tố các bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan.
Theo đó, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 14 bị can, trong đó có bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nhận thức số tiền nhận từ bị can Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã viết đơn xin khắc phục hậu quả. Bị can Nguyễn Bắc Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; bị can Trương Minh Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Pháp luật quy định bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là nghĩa vụ, trách nhiệm của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc, đồng thời bị buộc phải bồi thường, thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với người bị hại.
Bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả là một tình tiết quan trọng để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể giữ được mạng sống, không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình trong một số tội danh về tham nhũng.
Pháp luật cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chứ không cần phải "xin" được bồi thường”.
Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (ảnh Bộ Công an).
Luật sư cho biết thêm, việc bồi thường thiệt hại có thể từ trước khi khởi tố, trong quá trình giải quyết vụ án và trước khi bị kết án, bản án có hiệu lực pháp luật. Sau khi bị kết án pháp luật vẫn khuyến khích và bắt buộc người bị kết án bồi thường khắc phục hậu quả.
Luật sư Cường cho hay: “Pháp luật chỉ quy định việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả phải là "đáng kể" mới được áp dụng coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi lượng hình”.
Tại khoản 1, Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tại mục 1 phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019, tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được giải đáp như sau:
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án đã nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, Bộ luật hình sự không có quy định cụ thể là trong quá trình tố tụng, người bị can, bị cáo phải bồi thường thiệt hại đến mức độ bao nhiêu trong số tiền đã chiếm đoạt và so với thiệt hại mà bị can, bị cáo đã gây ra cho xã hội mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
"Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy việc công nhận tình tiết "bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả" là rất khác nhau: Có người cho rằng mức bồi thường phải bằng 1/2 số tiền chiếm đoạt, hưởng lợi, gây thiệt hại nhưng có người lại cho rằng chỉ 20-30% là có thể áp dụng...
Điều này còn phụ thuộc vào thái độ và hoàn cảnh cụ thể của bị can, bị cáo. Đây là những yếu tố quan trọng có thể tác động đến mức hình phạt của bị cáo trong vụ án hình sự" - luật sư Cường cho biết.
Trong vụ án xảy ra với AVG, các bị can hoàn toàn có quyền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả bằng cách bị can hoặc người khác thay mặt bị can nộp tiền, tài sản cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan thi hành án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và quá trình thi hành án.
Mức bồi thường đến đâu để có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ phụ thuộc vào mức bồi thường so với mức độ thiệt hại và số tài sản mà bị can hưởng lợi, ngoài ra còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của bị can sao cho được đánh giá là "đáng kể".
Việc có áp dụng tình tiết bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hay không, áp dụng theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự sẽ do Hội đồng xét xử quyết định khi giải quyết vụ án trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ được làm rõ tại phiên tòa.
Còn nếu bị tòa án tuyên án mức cao nhất, các bị can, bị cáo vẫn còn cơ hội giữ được mạng sống nếu việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả đủ điều kiện áp dụng quy định tại Điều 63, điểm c, khoản 3, Điều 40 BLHS và hướng dẫn tại Công văn số 64/TAND-PC.
Yến Linh (Dân Việt)