(GLO)- Những năm qua, Kbang là một trong những huyện nóng của tỉnh về tình trạng phá rừng. Chính vì vậy, dù nạn phá rừng chỉ xảy ra ở khu vực rừng giáp ranh nhưng cũng khiến chính quyền nơi đây lo lắng cảnh giác, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ là một trong những giải pháp giữ rừng bền vững đang được huyện Kbang hướng đến.
Chủ động bảo vệ rừng giáp ranh
Mặc dù được nhiều lực lượng canh giữ nhưng rừng gỗ hương ở huyện Kbang vẫn bị xẻ thịt. Ảnh: M.T |
Vụ bắt giữ 8 đối tượng trú tại 2 huyện Kon Plông, Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đang khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 1, xã Đak Rong (huyện Kbang) đang được cơ quan chức năng huyện Kbang tiến hành điều tra. Văn bản của UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tỉnh Kon Tum chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác rừng trái phép tại khu vực giáp ranh với huyện Kbang vẫn còn chưa ráo mực. Mới đây, đầu tháng 4-2016, lâm tặc lại tiếp tục khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với quy mô lớn tại địa bàn xã Hiếu (huyện Kon Plông) giáp ranh xã Sơn Lang (huyện Kbang) càng làm cho chính quyền và các cơ quan lâm nghiệp Gia Lai lo lắng bội phần.
Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Sau khi nhận được thông tin cảnh báo, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, truy quét lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh nói trên. Đồng thời, đích thân Chủ tịch UBND huyện cùng tổ liên ngành đến khu vực rừng này để nắm tình hình và có kế hoạch phối hợp với huyện Kon Plông (Kon Tum) tổ chức truy quét, xử lý triệt để các hành vi xâm phạm rừng tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Không phải ngẫu nhiên, vụ phá rừng xảy ra tại địa bàn huyện Kon Plông lại khiến chính quyền huyện Kbang lo lắng. Nhìn vào kết quả xử lý vi phạm của Hạt Kiểm lâm huyện đủ thấy được tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Trong năm 2015, lực lượng Kiểm lâm huyện Kbang đã phát hiện 133 vụ vi phạm (giảm 10 vụ so với năm 2014), tạm giữ hơn 384 m3 gỗ tròn, xẻ (nhóm I đến nhóm VI), tạm giữ 26 xe ô tô, 5 xe độ chế, 19 xe máy, 8 cưa xăng, 3 máy bào liên hợp… Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,1 tỷ đồng.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, các lực lượng chức năng của huyện như: Công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện, tổ liên ngành huyện, xã, các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra truy quét trong các vùng rừng ở các xã, tuyến đường trọng điểm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào rừng… nhưng tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác vận chuyển trái phép lâm sản vẫn còn tiếp diễn với mức độ ngày càng tinh vi hơn.
Một cây gỗ hương cổ thụ suýt bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: M.T |
Đối với những khu vực rừng giáp ranh, lực lượng Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói chung, huyện Kbang và huyện Kon Plông, Kon Rẫy nói riêng thường xuyên phối-kết hợp, trao đổi thông tin liên lạc, đồng thời tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng có kế hoạch, phương án bảo vệ rừng cụ thể; thường xuyêntổ chức tuần tra, bố trí lực lượng túc trực bảo vệ các khu vực trọng điểm.
Ông Đinh Ních-Chủ tịch UBND xã Krong cho biết: Tổ liên ngành của xã mỗi tuần đều tổ chức giao ban với các đơn vị chủ rừng để nắm tình hình, đặc biệt là việc các đối tượng bên ngoài xâm nhập vào địa bàn xã. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2016, Công an xã, Kiểm lâm địa bàn, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa phối hợp với tổ công tác huyện Kbang tiến hành kiểm tra hành chính, kiểm tra nhân khẩu 24 đợt đối với 37 hộ, phát hiện 14 trường hợp vi phạm, đẩy đuổi 10 trường hợp ra khỏi địa bàn xã.
Giao khoán người dân giữ rừng
Người dân tham gia bảo vệ rừng sẽ không còn những hình ảnh như thế này. Ảnh: M.T |
Ông Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: Thời gian qua, các ban ngành của huyện đã có sự vào cuộc mạnh mẽ nhưng tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra. “Một số lái xe chở mía, mì… giấu gỗ lẫn vào trong đống hàng hóa thì không cách nào kiểm tra, kiểm soát được. Soi đèn không thấy, dùng thanh sắt săm xuống cũng không kiểm tra được, do vậy gỗ vẫn còn tuồn ra ngoài”-ông Hiệp xác nhận.
Để giảm thiểu tình trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các ban ngành chức năng, các đoàn thể chính trị vào cuộc nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý bảo vệ rừng. “Ở nơi nào chính quyền địa phương vào cuộc, có trách nhiệm thì nơi đó tình trạng phá rừng sẽ giảm. Mỗi xã hiện nay đều có tổ liên ngành với đầy đủ các thành phần như: Công an, bộ đội, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Nếu chính quyền các xã biết phát huy tốt vai trò của những thành phần này thì rừng sẽ được bảo vệ”-ông Hiệp chia sẻ.
Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 cộng đồng dân cư thôn là chủ rừng (được huyện cấp sổ đỏ) được Nhà nước hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng. “Các cộng đồng dân cư thôn này tham gia giữ rừng rất tốt, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị giảm diện tích rừng giao cho xã quản lý, thu hồi một phần diện tích rừng này giao cho người dân quản lý, bảo vệ. Vì hiện tại, nhiều xã có diện tích rừng rất lớn, hơn 20.000 ha nên chưa đáp ứng tốt về yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. |
Cụ thể, theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang: Hội Phụ nữ tuyên truyền trong từng gia đình, chồng con không phá rừng làm rẫy, không tham gia mua bán lâm sản trái phép; Đoàn Thanh niên phát động phong trào đoàn viên thanh niên tham gia quản lý, bảo vệ rừng: Hội Cựu chiến binh phát huy vai trò cán bộ thôn làng, hệ thống chính trị cơ sở nêu cao tinh thần tố giác tội phạm mỗi khi đó người lạ xâm nhập vào rừng… Khi ý thức trách nhiệm từ cơ sở được nâng cao, hệ thống chính trị cơ sở vững chắc thì rừng sẽ được giữ vững.
Theo ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Khu vực nào để xảy ra tình trạng phá rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ rừng và các công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Huyện chỉ hỗ trợ về lực lượng chứ không chỉ đạo trực tiếp các đơn vị này được. Do vậy, các công ty lâm nghiệp ngoài việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức thì cần phải làm trong sạch lại đội ngũ những người gác cửa rừng”.
“Một trong những giải pháp giữ rừng căn cơ bền vững là tổ chức giao khoán cho người dân tham gia bảo vệ rừng, người dân vừa có thu nhập còn rừng thì được bảo vệ. Không có lực lượng nào bảo vệ rừng bằng người dân”-ông Phán khẳng định.
Minh Nguyễn