Hợp tác phát triển du lịch Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được thành lập năm 2016, Công ty TNHH Du lịch Ngọc Linh Kon Tum (08 Phan Văn Trị, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) hiện là một trong những doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của tỉnh Kon Tum. Chia sẻ kinh nghiệm và những ý tưởng góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Gia Lai và Kon Tum ngày càng phát triển, ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Công ty-cho biết:
Nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, Kon Tum và Gia Lai không chỉ được biết đến là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng mà còn rất đậm đặc về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây rất phong phú, độc đáo, mang bản sắc đặc thù, thể hiện ở các loại hình như: tín ngưỡng, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực, trang phục… Trên địa bàn 2 tỉnh có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc bản địa cư trú từ lâu đời như: Xê Đăng, Giẻ Triêng, Bahnar, Jrai, Hrê, Brâu và Rơ Măm cùng một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến. Mỗi một dân tộc đều có những đặc điểm phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của vùng đất Bắc Tây Nguyên.
 Du khách tham quan thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: P.N
Du khách tham quan thác Phú Cường (huyện Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: P.N
Theo tôi, điểm nổi bật nhất của khu vực Bắc Tây Nguyên là có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp. Riêng Gia Lai có những thắng cảnh như: Biển Hồ (TP. Pleiku), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), thác Mơ (huyện Ia Grai)... Gia Lai còn có các khu di tích lịch sử văn hóa được nhiều người biết đến như: Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), quần thể Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê). Còn ở Kon Tum có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đak Glei) với loại sâm quý, Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi) với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên đầy mê hoặc, Gia Lai và Kon Tum còn là nơi có những công trình văn hóa, tôn giáo độc đáo như: chùa Minh Thành (Gia Lai), nhà rông Kon Klo (TP. Kon Tum, là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên), nhà thờ gỗ Kon Tum (kiệt tác kiến trúc vô cùng độc đáo được thiết kế theo phong cách Roman, kết hợp hài hòa với kiểu nhà sàn của người Bahnar)...
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum rất quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, 2 tỉnh còn tổ chức các sự kiện du lịch thu hút đông đảo du khách như: Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Hội Cầu huê vùng An Khê, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Đak Bla. Đây là những hoạt động quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người Gia Lai và Kon Tum với khách du lịch trong và ngoài nước rất hiệu quả.
Tôi bắt đầu làm du lịch từ năm 2016, du khách có cả trong nước và quốc tế. Họ đến Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai và Kon Tum chủ yếu để du lịch sinh thái và khám phá văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, lượng du khách vẫn chưa ổn định, phát triển du lịch cũng gặp những khó khăn nhất định. Thường thì khách du lịch bên Công ty chúng tôi đi bằng xe ô tô hoặc đi máy bay xuống Sân bay Pleiku. Chúng tôi phải dẫn du khách tham quan một số điểm ở Gia Lai như: đồi chè, Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thủy điện Ia Ly và những làng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số… rồi mới lên tham quan những địa điểm du lịch của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, khó khăn phải nói đến là sự hợp tác để đưa khách tham quan các điểm du lịch tại Gia Lai vì Công ty chúng tôi ở Kon Tum.
Để thu hút khách du lịch đến Gia Lai và Kon Tum, theo tôi, chính quyền 2 tỉnh nên chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch tại các hội chợ, chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch... Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với công ty lữ hành các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đak Lak để kết nối các tour đến với Gia Lai và Kon Tum. Hơn hết, Công ty tôi cũng như những công ty du lịch khác tại tỉnh Kon Tum mong muốn có sự hợp tác từ phía tỉnh Gia Lai để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc cũng như cảnh quan hùng vĩ của 2 tỉnh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
 PHẠM NGỌC (ghi)

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.