Hơn 50% hợp đồng quảng cáo chảy trực tiếp vào túi Google, Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉ lệ khách hàng tại Việt Nam kí hợp đồng mua dịch vụ quảng cáo trực tiếp từ Google chiếm trên 50%, còn kí hợp đồng trực tiếp với Facebook là khoảng 70%.
 
Khoảng 70% hợp đồng quảng cáo từ Việt Nam được kí trực tiếp với Facebook. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Khoảng 70% hợp đồng quảng cáo từ Việt Nam được kí trực tiếp với Facebook. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Hơn 50% hợp đồng kí trực tiếp với Google và Facebook
Đây là những con số được Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quảng cáo.
Theo đó, lượng hợp đồng kí kết mua quảng cáo trên Facebook và Goopgle thông qua các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đại lí quảng cáo) tại Việt Nam chỉ chiếm lần lượt là khoảng 30% và 45%.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là trên 2 nền tảng quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới của Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Chính từ thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra đề xuất bãi bỏ qui định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (Khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP), và bãi bỏ qui định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lí có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam (Khoản 2 Điều 14). Bởi những qui định này không khả thi và không phù hợp với thực tế.
Google, Facebook phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo
Thay vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và điều chỉnh đầu mối cơ quan quản lí Nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới để đảm bảo thống nhất.
 
Hơn 50% hợp đồng quảng cáo từ Việt Nam kí trực tiếp với Google. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Hơn 50% hợp đồng quảng cáo từ Việt Nam kí trực tiếp với Google. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, không đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung vi phạm Luật An ninh mạng. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ xử lí thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nền tảng cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo.     
Trên thực tế, ngay cả khi thông qua các đại lí quảng cáo, thì những đại lí  quảng cáo cũng không thể kiểm soát vị trí đặt/gắn sản phẩm quảng cáo, cho nên đã dẫn đến tình trạng phổ biến là nhiều thương hiệu nổi tiếng bị gắn vào các video có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật Việt Nam, thậm chí là chống phá Đảng và Nhà nước trên YouTube, ảnh hưởng đến an toàn và uy tín các thương hiệu, khiến một số thương hiệu, sản  phẩm quảng cáo vô tình hỗ trợ kinh phí thông qua việc trả tiền quảng cáo.
THẾ LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm