Học trò sáng tác truyện tranh phòng-chống bạo lực học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bạo lực học đường đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Để ngăn chặn vấn nạn này, nhóm học trò Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện Dự án truyện tranh tuyên truyền phòng-chống bạo lực học đường.

Với nội dung dễ hiểu, lời thoại chân thực và hình thức trình bày sinh động, truyện tranh đã thu hút nhiều học sinh tìm đọc.

Tập truyện tranh do 3 em Lâm Cẩm Giang, Trần Thị Minh Nguyệt và Cao Thị Bảo Ngọc (lớp 9A2) thực hiện. Với 64 trang, tập truyện gồm 5 câu chuyện: Chuyện tình tay ba của học sinh, Body shaming (miệt thị ngoại hình), Chuyện đi học của học sinh có điều kiện, Chuyện về đội Cờ đỏ và Phân biệt vùng miền. Các câu chuyện ngắn gọn, dung dị và gần gũi với đời sống mang đến cho người đọc cảm giác chân thực, dễ đồng cảm.

Nhóm tác giả giới thiệu truyện tranh với các bạn cùng trường. Ảnh: M.N

Nhóm tác giả giới thiệu truyện tranh với các bạn cùng trường. Ảnh: M.N

Trong mỗi câu chuyện nhỏ đều có phân tích nguyên nhân, tác động và đề ra những giải pháp để xây dựng văn hóa học đường cho học sinh bậc THCS. Đơn cử, trong trường hợp bị miệt thị về ngoại hình, nhóm tác giả đưa ra giải pháp: Nhà trường cần nâng cao nhận thức của học sinh về body shaming, cần quan tâm, gần gũi học sinh để hạn chế ảnh hưởng của vấn nạn này. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cần tự tin, yêu thương bản thân nhiều hơn.

Chia sẻ về ý tưởng tạo ra truyện tranh, em Lâm Cẩm Giang cho biết: “Trước đây, em là nạn nhân của bạo lực học đường, từng bị miệt thị về ngoại hình. Việc này khiến em rất tự ti. Bên cạnh đó, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các bạn đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội. Một số bạn khi chứng kiến tình trạng bạo lực học đường xảy ra với bạn mình, thay vì lên tiếng giúp đỡ, báo với thầy cô thì lại quay clip để chia sẻ, phát tán trên mạng xã hội. Nạn nhân của bạo lực học đường thường bị cô lập, tự ti và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Với mong muốn chia sẻ những thông tin, kiến thức để giúp các bạn hiểu biết về bạo lực học đường, vừa giải trí nên nhóm chúng em đã thực hiện dự án”.

Trước khi thực hiện dự án, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát bằng phiếu với 341 học sinh để tìm hiểu mức độ hiểu biết về bạo lực học đường và cách phòng-chống. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều học sinh chưa biết cách ứng xử và xử lý tình huống trong trường hợp bản thân hoặc bạn bè là nạn nhân của bạo lực học đường.

Em Trần Thị Minh Nguyệt chia sẻ: “Bạo lực học đường ngày nay không chỉ là các hành vi bạo lực về thể chất mà còn bao gồm bạo lực bằng lời nói, cô lập, tẩy chay và cả uy hiếp bằng các phương tiện điện tử, đe dọa bêu rếu trên mạng xã hội. Qua khảo sát, chúng em nhận thấy các bạn mới chỉ tiếp cận hình thức tuyên truyền về bạo lực học đường qua tờ rơi, mạng internet. Vì vậy, nhóm đã chọn hình thức tuyên truyền mới thông qua truyện tranh”.

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát, thiết kế truyện tranh, xây dựng nhân vật, hình thành bản thảo, phát hành trong vòng 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11-2022). Tùy theo sở trường, mỗi thành viên được phân công đảm nhận nhiệm vụ khác nhau. Lời bình do Giang thực hiện, Ngọc đảm nhận vẽ tranh, còn Nguyệt tô màu cho tranh vẽ.

Nhóm tác giả nhận được sự hỗ trợ của cô Lê Thị Thủy-giáo viên Tổng phụ trách Đội và cô Nguyễn Thị Mỹ Hằng-giáo viên Vật lý. Trong quá trình sáng tác, khó khăn lớn nhất đối với cả nhóm là thời gian vì phải cân đối thời gian hợp lý giữa sáng tác và việc học. Tuy nhiên, bằng tâm huyết và nỗ lực, nhóm đã hoàn thành cuốn truyện tranh và được mọi người đón nhận.

Sau khi hoàn thành, từ nguồn quỹ khoa học-kỹ thuật của nhà trường, nhóm tác giả đã in sách và phát miễn phí cho các bạn học sinh. Đa số học sinh đều bày tỏ sự thích thú vì trong truyện có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp với thực tế và lứa tuổi. Em Trịnh Xuân Thắng (lớp 9A2) cho hay: “Khi đọc truyện tranh, em biết thêm một số tình huống giả thiết về bạo lực học đường và biết cách xử lý nếu bản thân là nạn nhân”.

Để các bạn thuận lợi đọc truyện tranh mọi lúc, mọi nơi, nhóm tác giả đã lập trang Facebook “Phòng-chống bạo lực học đường Trường THCS Chu Văn An”, truyện tranh được đăng tải online. Mỗi mẩu chuyện khi được đăng tải đã thu hút hàng trăm lượt thích, chia sẻ, bình luận. Đặc biệt, những tâm sự, thắc mắc lứa tuổi dậy thì; những tình huống bạo lực học đường diễn ra trong thực tế được một số học sinh nhắn tin riêng cho quản trị trang. Trên cơ sở này, nhóm tác giả xin ý kiến của giáo viên phụ trách để kịp thời xử lý, nắm bắt tình hình của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng đọc truyện tranh để hiểu được bạo lực học đường đang diễn ra như thế nào đối với học sinh để có hướng đồng hành, giúp đỡ con em mình.

Nhóm tác giả trao đổi, xin ý kiến của giáo viên về việc triển khai dự án truyện tranh tuyên truyền phòng-chống bạo lực học đường. Ảnh: Minh Nhật

Nhóm tác giả trao đổi, xin ý kiến của giáo viên về việc triển khai dự án truyện tranh tuyên truyền phòng-chống bạo lực học đường. Ảnh: Minh Nhật

Cô Lê Thị Thủy thông tin: “Ở bậc THCS, các em đang độ tuổi dậy thì nên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Liên Đội thường lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa, tiết chào cờ, hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt lớp để nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng-chống bạo lực học đường cho các em. Đặc biệt, tập truyện tranh khi phát hành rộng rãi đã nhận được sự thích thú, say mê đọc truyện của học sinh. Đây được xem là kênh tuyên truyền sáng tạo và hiệu quả, nâng cao nhận thức cho học sinh để phòng-chống bạo lực học đường”.

Với tính hiệu quả và mục đích nhân văn, dự án của nhóm tác giả đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 11-2023. Hiện tại, tập truyện tranh đang được giới thiệu đến tất cả các học sinh của Trường THCS Chu Văn An và trưng bày tại thư viện trường cũng như các lớp học. Em Cao Thị Bảo Ngọc chia sẻ: “Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tác thêm nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn hơn về chủ đề này. Đồng thời, kết nối, tặng sách cho các bạn học sinh ở trường khác, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng để phòng-chống bạo lực học đường”.

Cô Tạ Thị Nguyệt Hà-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An-nhận xét: “Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của các em học sinh khi nghiên cứu một đề tài mang tính thời sự như thế này. Nhà trường luôn khuyến khích, đồng hành và hỗ trợ các em nghiên cứu, sáng tạo. Dự án truyện tranh của các em có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh, chung tay xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh”.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.