Có hơn 100 hang động lớn nhỏ và có 5 miệng núi lửa được phát hiện gồm núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo, núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar và núi lửa Nâm Gle…
Dịp hè, anh Nguyễn Văn Nam (43 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột) cùng gia đình có chuyến hành trình khám phá hang động núi lửa ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, Đắk Nông. Anh Nam kể, anh chỉ nghe nói và tham khảo về địa danh này trên các trang mạng xã hội, trang báo điện tử đưa tin. “Đây đúng là một kiệt tác của tạo hóa”, anh Nam chia sẻ.
|
Đoàn phượt bằng xe mô tô phân khối lớn tham quan hang động núi lửa ở xã Buôn Choáh. Ảnh: VL |
Cùng đi với đoàn, còn anh Lê Hoàng Thạch (50 tuổi, trú tại TP.HCM). Nhóm này sử dụng mô tô phân khối lớn để được trải nghiệm.
“Về với khu vực núi lửa này, như về với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Chúng tôi có cơ hội được đi sâu, khám phá những hang động nằm sâu dưới lòng đất”, anh Thạch tâm sự.
|
Núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Buôn Choáh. Ảnh: VL |
Tuy nhiên, theo các thành viên đoàn tham quan, họ rất tiếc vì các khu vực gần hang động núi vẫn chưa phát triển các loại dịch vụ ăn, ở.
Theo lãnh đạo UBND xã Buôn Choáh, đến nay ở xã chưa phát triển được dịch vụ phục khách du lịch. Phần lớn, khách đến đây đều tự phát, hoặc đi theo đoàn xuất phát từ TP.HCM.
|
Một hang động vừa được phát hiện khu vực núi lửa Chư Bluk. Ảnh: VL |
Hang động núi lửa Chư Bluk, thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Khu vực này có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất, văn hóa... Cũng là khu vực chính của Công viên địa chất Đắk Nông đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7-2020.
|
Phiến đá quanh hang động núi lửa. Ảnh: VL |
Hang Chư Bluk hay còn được gọi là Hang Dơi có chiều dài khoảng 25km, thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nằm cách trung tâm huyện Krông Nô khoảng 20km.
|
Cảnh đẹp hoang sơ của hang động núi lửa. Ảnh: N.M.P |
Hang động kéo dài từ khu vực thác Dray Sáp tới hang Buôn Choah, bên trong chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ nhờ dòng chảy của nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong đá bazan.
Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước bởi quá trình phun trào núi lửa.
|
Trải nghiệm hang động núi lửa. Ảnh: VL |
Càng đi vào bên trong Chư Blúk thì càng thấy rõ sự tách biệt giữa bên trong và bên ngoài hang động, nơi đây bóng tối bao phủ và chỉ thỉnh thoảng nhận được vài tia sáng le lói xuyên qua những khe đá nứt; không khí ẩm thấp và lạnh lạnh….
|
Hoang sơ Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông. Ảnh: N.M.P |
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng diện tích 4.700 km2. Toàn bộ khu vực này được trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP Gia Nghĩa.
Nơi đây hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Nhất là hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan, phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô.
|
Độc đáo Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: A.X |
Các nhà khoa học đã xác định nơi đây có hơn 100 hang động lớn nhỏ và có 5 miệng núi lửa được phát hiện gồm núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (huyện Đắk Mil).
Bên cạnh các hang động kỳ vĩ, các mạch nước chảy ra ở khu vực hang động núi lửa cũng tạo nên những dòng thác đẹp, lãng mạn. Gồm, thác nước Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ...
Theo VŨ LONG (PLO)