Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi áo tắm, Hoa hậu Việt có nên học hỏi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoa hậu Mỹ (Miss America) sẽ không còn phần thi trang phục áo tắm, đây có thể là viễn cảnh của các cuộc thi nhan sắc Việt?

Phần thi áo tắm đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016
Phần thi áo tắm đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016

Vẻ đẹp của người phụ nữ nằm nhiều ở tinh thần, trí tuệ của họ chứ không chỉ ở vòng eo. Định nghĩa về hoa hậu sẽ phải khác. Các giá trị khác của người phụ nữ sẽ cần phải được đề cao thay vì chỉ số đo ba vòng.

Bà Khuất Thu Hồng



Trong gần một thế kỷ qua, các thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Mỹ vẫn luôn tự tin, kiêu hãnh sải bước trong các bộ trang phục áo tắm mảnh mai, kiệm vải ở một phần thi mà bất kể có những ý kiến tranh cãi, các nhà tổ chức vẫn luôn cho rằng đó là "khuôn vàng thước ngọc" để đánh giá vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.

Tuy nhiên, bikini sẽ không còn "đất diễn" nữa.

Tập trung hơn vào tài năng, trí tuệ

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ hẳn cũng muốn xác lập một vị thế của họ trong "kỷ nguyên #Metoo" khi ngày 5-6 tuyên bố sẽ loại bỏ phần thi này, bắt đầu từ mùa thi sắc đẹp 2019 diễn ra ngày 9-9 tại thành phố Atlantic, bang New Jersey.

Theo bà Gretchen Carlson - cựu dẫn chương trình đài Fox News và hiện là chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Mỹ, cuộc thi sắc đẹp sẽ tập trung hơn vào tài năng, trí tuệ và những ý tưởng của các thí sinh.

Lâu nay, phần thi trang phục áo tắm cũng là tâm điểm của cuộc gây tranh cãi về vai trò của nó trong văn hóa Mỹ. Năm 1950, hoa hậu Yolande Betbeze gây ồn ào dư luận khi từ chối mặc trang phục áo tắm lúc đăng quang với lý do: "Tôi là sinh viên opera và không có chân đẹp".

Năm 1992, á hậu Catherine Ann Lemkau mong muốn cuộc thi Hoa hậu Mỹ loại bỏ phần thi áo tắm. Năm 1995, ban tổ chức cuộc thi đề nghị khán giả gọi điện tới số 1-900 để chia sẻ quan điểm có nên bỏ phần thi áo tắm không. Tuy nhiên 2/3 người xem cho rằng không nên bỏ.

Bà Kate Shindle, cựu hoa hậu Mỹ năm 1998 và đang là thành viên ban lãnh đạo Tổ chức Hoa hậu Mỹ, chia sẻ quan điểm:

"Khi tôi dự thi 20 năm trước, tôi đã thấy phần thi áo tắm mang lại một cảm giác mạnh mẽ lạ lùng, vì một khi tôi đã có thể bước trên sân khấu với trang phục áo tắm hai mảnh và giày cao gót thì tôi có thể làm bất cứ thứ gì khác. Nhưng tôi không nghĩ mình đã hiểu hết mọi thứ vào thời điểm đó. Thật kỳ lạ - nó cho những người lạ một dạng thức sở hữu với thân thể bạn mà bạn hoàn toàn không mong muốn".


 

Cuộc thi Hoa hậu Mỹ được tổ chức lần đầu năm 1921, và ngay từ mùa thi đầu tiên đã có phần thi trang phục áo tắm. 15 năm sau, cuộc thi mới có thêm phần thi tài năng. Trong ảnh: thí sinh trình diễn áo tắm tại cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1965 - Ảnh: New York Times
Cuộc thi Hoa hậu Mỹ được tổ chức lần đầu năm 1921, và ngay từ mùa thi đầu tiên đã có phần thi trang phục áo tắm. 15 năm sau, cuộc thi mới có thêm phần thi tài năng. Trong ảnh: thí sinh trình diễn áo tắm tại cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1965 - Ảnh: New York Times


Việt Nam có nên học hỏi?

Một câu hỏi đặt ra cho các cuộc thi nhan sắc của Việt Nam: có nên học hỏi Mỹ trong việc loại bỏ phần thi áo tắm?

Ông Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 - trả lời dứt khoát: "Chắc chắn là không". Ông Sơn giải thích cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã theo đuổi tiêu chí tìm kiếm những người đẹp cả về ngoại hình, nội tâm và trí tuệ.

Mà phần thi áo tắm sẽ là phần thi giúp đánh giá đúng nhất về ngoại hình của các thí sinh, giúp thí sinh bộc lộ được nhiều nhất vẻ đẹp hình thể.

Ông nói thêm trang phục áo tắm là một trang phục bình thường đã được xã hội thừa nhận nơi công cộng, trên các bãi tắm, thậm chí là các bãi cỏ của Mỹ thì không lý do gì để "nặng nề" với phần trình diễn áo tắm.

Ông thậm chí nhấn mạnh phần thi áo tắm trong một cuộc thi hoa hậu là "thể hiện tính hợp lý" và là "phần không thể thiếu".

Ở góc độ khác, trong vai trò một nhà xã hội học hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ, TS Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - đánh giá quyết định bỏ phần thi áo tắm trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ từ năm 2019 là một quyết định đột phá, tạo sự thay đổi bản chất cho cuộc thi hoa hậu.

Bà hi vọng các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam và các cuộc thi nhan sắc thế giới cũng sẽ bỏ phần thi áo tắm, tập trung tìm kiếm các vẻ đẹp khác của người phụ nữ như tài năng, tâm hồn, hơn là cơ thể của họ.

Khẳng định không đánh giá thấp các hoa hậu được lựa chọn từ màn trình diễn áo tắm, nhưng TS Khuất Thu Hồng cho biết bà không thích thú gì với phần thi này. Thậm chí, theo bà, ở chừng mực nào đó, phần thi áo tắm "hạ thấp phụ nữ".

"Dù người ta có gắn cho màn thi áo tắm bao nhiêu từ mỹ miều thì bản chất của nó vẫn là coi những người phụ nữ như một món hàng, đưa họ xuất hiện với trang phục phô bày cơ thể trước toàn xã hội, để người này soi chân bình phẩm, người kia so mông cô này, ngực cô kia" - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nêu quan điểm.

Theo bà Hồng, cũng vì những ý kiến phản đối màn trình diễn áo tắm mà từ lâu trên thế giới đã xuất hiện luồng dư luận tẩy chay các cuộc thi hoa hậu.


 

Ngay cả cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới vừa diễn ra ở Phú Quốc năm 2017 thì màn thi áo tắm vẫn không thể không có!
Ngay cả cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới vừa diễn ra ở Phú Quốc năm 2017 thì màn thi áo tắm vẫn không thể không có!



"Nếu bỏ thi áo tắm thì thi cái gì?"

Bà Thúy Nga (tổng giám đốc Công ty Elite Việt Nam) chia sẻ quan điểm của bà về vấn đề trên với Tuổi Trẻ: "Không chỉ riêng cuộc thi Hoa hậu Mỹ tuyên bố sẽ bỏ phần thi này, mà ngay từ năm 2009, bà Julia Morley - chủ tịch của cuộc thi Hoa hậu thế giới, cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh - đã tuyên bố bỏ phần thi áo tắm khỏi Hoa hậu thế giới, bởi đây là xu thế chung ở các quốc gia có công nghệ giải trí mạnh.

Bà Julia Morley từng nói rằng bà rất tự tin vào chất lượng thí sinh khi đến tham dự Hoa hậu thế giới. Họ đã là những cô gái đẹp nhất ở đất nước họ rồi. Thế nên điều mà cuộc thi tìm kiếm không phải là một nhan sắc hình thể nữa, mà là trí tuệ, sự nhân hậu và tinh thần mạnh mẽ của họ nhằm phục vụ cho công tác thiện nguyện sau cuộc thi.

Nói thẳng ra là họ phải đấu với nhau về mặt trí tuệ, đúng với tiêu chí của câu slogan: Beauty with purpose - sắc đẹp có mục đích, chứ không phải đẹp khơi khơi nữa! Họ tập trung cho các phần thi thuyết trình - xin nhấn mạnh là thuyết trình, không phải là ứng xử trả lời một câu hỏi. Mà là thuyết trình 5 phút về một vấn đề xã hội quan tâm.

Ngay đến Hoa hậu hoàn vũ, một sân chơi luôn đề cao tính giải trí, cũng đã bắt đầu thay đổi nhiều về các tiêu chí để phù hợp với xu thế chung này, đó là để cho sắc đẹp trí tuệ lên ngôi. Nên mọi người cũng không nên thắc mắc bỏ thi áo tắm thì coi cái gì ở những cuộc thi này nữa.

Riêng câu hỏi liệu Việt Nam có nên học hỏi, bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi nhan sắc không, cá nhân tôi cho là không. Bởi chúng ta phải nhìn nhận mình đang ở đâu. Các cuộc thi nhan sắc của chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức phong trào, tổ chức còn nghiệp dư. Nếu bỏ phần thi áo tắm thì liệu thí sinh sẽ thi cái gì?

Khi mà phần thi ứng xử còn luôn bị mọi người nói đùa rằng là phần tấu hài của mỗi cuộc thi nhan sắc? Ngay cả thi áo tắm, hình thể thí sinh của chúng ta cũng không chuẩn. Đó là thực tế! Nhưng giữa một cái tệ (là tri thức) và một cái đỡ tệ hơn (hình thể) thì chúng ta chọn điều gì? Nếu có thay đổi thì chỉ có cách nâng cao chất lượng thí sinh.

 

Hoa hậu Ngọc Hân ủng hộ loại bỏ phần thi áo tắm
 
 Hoa hậu Ngọc Hân - Ảnh: NVCC
Hoa hậu Ngọc Hân - Ảnh: NVCC
Mặc dù từng tham gia thi trình diễn áo tắm trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2010 và thấy nó "không có vấn đề gì", Hoa hậu Việt Nam Đặng Thị Ngọc Hân lại đánh giá quyết định của ban tổ chức Hoa hậu Mỹ "rất hay và văn minh". Theo Ngọc Hân, quyết định này cho thấy các cuộc thi hoa hậu càng ngày càng hướng về vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn của người phụ nữ.

Trước ý kiến cho rằng nếu không thi áo tắm thì rất khó để cho điểm về ngoại hình của các thí sinh, Ngọc Hân lập tức phản biện. Cô cho biết không nhất thiết phải đưa các cô gái với bộ bikini mỏng manh đi lại, trình diễn trên sân khấu trước rất đông khán giả thì mới có thể chấm điểm ngoại hình. Ngọc Hân nói thêm để đánh giá vẻ đẹp hình thể của các thí sinh thì những chỉ số đo đạc hình thể được bác sĩ thực hiện trong phòng kín là cách chính xác nhất. Cô nêu quan điểm mạnh mẽ: nếu có một cuộc bình chọn bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu thì cô sẽ "bỏ phiếu" cho việc loại bỏ này.


D.Kim Thoa-Thiên Điểu-Minh Trang (TTO)

Có thể bạn quan tâm