Chẳng biết tự bao giờ, những vùng quê vốn yên tĩnh, thanh bình bỗng chốc 'dậy sóng' với tình trạng bảo kê… ruộng vườn, nương rẫy của các nhóm xã hội đen?
Vườn tiêu của người dân bị kẻ gian chặt phá chết khô. |
Những người nông dân “hai sương một nắng”, khó khăn lắm mới làm ra hạt thóc, cây trái, nhưng để đưa được thành quả về nhà là điều không hề đơn giản. Ngoài những thiệt hại do thiên tai, mất mùa mang đến, giờ người nông dân còn phải gánh chịu hậu quả của nạn “bảo kê”.
Những ngày qua, dư luận đang khá bức xúc về tình trạng những đại ca giang hồ về đến tận thôn quê đòi bảo kê nông sản của người nông dân ở hai tỉnh Thanh Hóa và Đak Nông. Khi người dân không chịu chấp nhận bị mất tiền một cách vô lối, chúng thản nhiên đe dọa, đánh người, đập phá cây trái, hoa màu.
Thật ra, chuyện giang hồ đòi bảo kê nông sản không phải là vấn đề mới. Trước đây từng liên tiếp xảy ra nạn trộm tiêu, cà phê ở Đak Lak, Gia Lai suốt thời gian dài, hay một số vụ chặt gốc, đầu độc vườn nho bằng thuốc diệt cỏ ở Ninh Thuận. Tương tự chuyện nhiều nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh không thể thu hoạch lúa… Điểm chung của những trường hợp này vì người nông không chịu đóng tiền bảo kê.
Có thể thấy, đời sống sinh hoạt của người nông dân đã có thay đổi nhất định, nhưng những thay đổi ấy không có ý nghĩa nhiều so với sức lao động và sự hy sinh của họ trong nhiều thế kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn gần hơn nữa vào hiện thực trên cánh đồng, nương rẫy và nhìn sâu hơn nữa vào ngôi nhà của họ, tôi tin rằng chúng ta không thể cầm lòng!
Nói cách khác, người nông dân chân chất - họ trải qua bao nhiêu năm cũng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lo toan cuộc sống. Họ làm lụng cực khổ lắm mới có được đồng tiền. Ấy thế mà vẫn phải chịu cảnh bị những kẻ giang hồ - “hổ báo” đòi “ăn trên mồ hôi nước mắt” của mình. “Nếu muốn yên ổn làm ăn thì phải đưa tiền cho chúng, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu không sẽ bị chúng tìm mọi cách phá hoại nông sản, không trồng được cây gì” - một người nông dân nói.
Những kẻ côn đồ ở nơi khác đến bắt nạt người nông dân ngay trên cánh đồng của họ nói lên điều gì? Chính là những người nông dân ít có khả năng tự bảo vệ mình khi con đồ biết rằng họ quá bơ vơ ngay trên ruộng đất của mình. Kèm theo đó là sự vô tâm của chính quyền địa phương với con dân của mình.
Trong khi, tại các vùng nông thôn đó có đầy đủ bộ máy chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Nơi đây vẫn có đầy đủ lực lượng chức năng (dân quân, du kích, công an, các đoàn thể xã hội), vậy mà để bọn côn đồ lộng hành như chốn không người thì trách nhiệm của bộ máy chính quyền ở đâu?
Xã hội giờ loạn hết cả rồi, cá lớn, cá bé, rừng, biển bị khai thác tận diệt; Quan chức to đua nhau xà xẻo ngân sách thông qua các công ty sân sau, bằng hình thức đội vốn, thấp hơn thì nhũng nhiễu. Còn, “hổ báo” thì cướp bóc, nặng lãi, đòi thu tiền bảo kê gặt lúa, nuôi trồng thủy sản của dân đen.v..v.
Thế mới nói, từ chuyện những con “hổ báo” ngang nhiên đi “săn mồi” trên những cánh đồng cho thấy, ở đâu đó cán bộ của dân mà sao xa dân quá. Đồng thời, sao chúng ta thấy thương xót cho phận đời người nông dân. Thương xót cho những làng quê vốn bình yên với những mối quan hệ thân thiện, chan hòa thì nay cũng bị bọn côn đồ hoành hành, ức hiếp đến độ phải liều mình vùng lên.
Chẳng biết tự bao giờ, những vùng quê vốn yên tĩnh, thanh bình bỗng chốc “dậy sóng” với tình trạng bảo kê… ruộng vườn, nương rẫy của các nhóm xã hội đen?
Sông Hàn (DĐDN)