Hấp dẫn đường chạy Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hơn 500 chân chạy phong trào tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã hội tụ đua tài tại Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng lần thứ 43 năm 2023. Tất cả đã tạo nên bầu không khí ngày hội với những người đam mê chạy bộ tại Phố núi.

Hơn 500 chân chạy đua tài

Sáng 12-3, tại Khu đô thị suối Hội Phú, UBND TP. Pleiku đã tổ chức Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng lần thứ 43 năm 2023 và phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe”. Đây là hoạt động thường niên thiết thực hướng đến kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17/3/1975-17/3/2023); kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023); kỷ niệm 77 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2023) và các ngày lễ lớn trong năm 2023.

Giải năm nay quy tụ hơn 500 vận động viên (VĐV) của 56 đoàn là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cùng một số VĐV tự do đăng ký thi đấu. Các VĐV tranh tài ở 4 nội dung gồm 10 km nam chính, 5 km nữ chính, 5 km nam trẻ và 3 km nam trẻ với cung đường là bờ kè suối Hội Phú. Đây là lần thứ 2 của giải đấu Ban tổ chức lựa chọn địa điểm này.

Cự ly 10 km nam chính được thi đấu sớm nhất vào lúc 6 giờ. Ảnh: Hà Phương

Cự ly 10 km nam chính được thi đấu sớm nhất vào lúc 6 giờ. Ảnh: Hà Phương

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Trưởng Ban tổ chức giải cho hay: “Đây là giải đấu có truyền thống lâu đời đã góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng. Từ những màn tranh tài này, những người làm chuyên môn cũng đã phát hiện ra các VĐV có thành tích cao để tiếp tục bồi dưỡng, làm nòng cốt cho đội tuyển của thành phố. Đồng thời là cơ hội quảng bá hình ảnh đẹp của Phố núi Pleiku đến bạn bè cả nước”.

Giải đấu năm nay ghi nhận những sự đổi mới của UBND TP. Pleiku trong khâu tổ chức nhằm tạo điều kiện tối đa cho các VĐV cũng như hướng đến sự chuyên nghiệp. Cự ly dài nhất 10 km đã được chuyển lên thi đấu vào lúc 6 giờ trước lễ khai mạc thay vì diễn ra sau lễ khai mạc như thường lệ. Điều này đã giúp các VĐV chạy trong thời tiết mát mẻ, thuận lợi và đạt chất lượng chuyên môn cao hơn.

Cùng với đó, để gói gọn khâu tổ chức, có sự chủ động trong các nội dung chạy giúp các VĐV ở cự ly sau không bị thiệt thòi nhiều về thời tiết, Ban tổ chức đã giới hạn thời gian với từng cự ly. Cụ thể, cự ly 10 km giới hạn trong 60 phút, 5 km trong 40 phút và 3 km là 30 phút. Sau khi hết thời gian cho phép, Ban tổ chức sẽ đóng đường chạy để tiếp tục tổ chức các nội dung kế tiếp. Điều này được các “runner” rất hoan nghênh bởi ở hầu hết các giải chạy lớn trong cả nước, các VĐV đều bắt đầu thi đấu từ rất sớm để tránh nắng nóng ảnh hưởng đến chất lượng, sức khỏe của VĐV.

Các VĐV sải bước trên đường chạy khá đẹp của bờ kè suối Hội Phú. Ảnh: Hà Phương

Các VĐV sải bước trên đường chạy khá đẹp của bờ kè suối Hội Phú. Ảnh: Hà Phương

Anh Trần Trung Kiên-Ngân hàng BIDV Gia Lai chia sẻ: “Càng ngày giải càng tổ chức chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn nên cán bộ, nhân viên của ngân hàng hưởng ứng rất nhiệt tình. Hôm nay chúng tôi là đơn vị tham gia đông nhất với 36 VĐV của 3 chi nhánh BIDV Gia Lai, BIDV Phố Núi và BIDV Nam Gia Lai. Hàng năm, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các giải chạy gây quỹ cho các chương trình Tết cho người nghèo, trồng cây xanh, xây nhà chống lũ…”.

Kịch tính trên đường chạy

Với điều kiện thuận lợi mà Ban tổ chức đã sắp xếp, các màn đua tranh của VĐV cũng đã trở nên hấp dẫn và quyết liệt hơn. Ở cự ly 10 km nam chính đã chứng kiến màn bám đuổi sát sao của tốp dẫn đầu. Ngay từ ở km thứ 2, 1 nhóm khoảng 5 VĐV đã tách ra khỏi đoàn đua và bắt đầu so kè với nhau trong suốt quãng đường. Trong đó chân chạy Hồ Ngọc Sơn (VĐV tự do) là người khá nổi bật bởi anh đã tham gia nhiều giải đấu phong trào khắp cả nước và đạt được nhiều thành tích cao.

Đối thủ trực tiếp của anh cũng không phải là cái tên quá xa lạ với làng chạy Phố núi-Siu Tuấn (phường Trà Bá). Anh Tuấn chính là thành viên của đội tuyển việt dã Gia Lai tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2022 tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi. Giải năm đó, chàng trai của làng Ngol đã giành huy chương đồng. Ở giải cấp tỉnh, anh cũng giành nhiều huy chương vàng ở các hệ thống giải dành cho người dân tộc thiểu số.

Những màn đua nước rút kịch tính ở cự ly 5 km nữ chính. Ảnh: Hà Phương

Những màn đua nước rút kịch tính ở cự ly 5 km nữ chính. Ảnh: Hà Phương

Với kinh nghiệm chinh chiến ở nhiều giải đấu, anh Tuấn tỏ ra bền bỉ hơn so với VĐV Ngọc Sơn. Để rồi ở khoảng 1 km cuối cùng, VĐV Siu Tuấn đã có màn bứt tốc để cán đích ở vị trí đầu tiên. “Cả năm nay tôi bận bịu với công việc lái xe nên không có thời gian để chạy. Lần này được phường Trà Bá gọi về để chạy tôi đã nỗ lực hết mình và rất vui khi đã mang về thành tích cho phường mình”-anh Tuấn hồ hởi.

Trong khi đó, ở cự ly 5 km nữ chính, sự cạnh tranh cho tốp đầu cũng diễn ra đến những mét đường cuối cùng của đường đua. Nội dung này ghi nhận sự bất ngờ thú vị đến từ VĐV Nguyễn Thị Kim Yến (BIDV Nam Gia Lai) dù chị mới bắt đầu tìm đến chạy bộ từ 1 năm gần đây. Với sải chân dài cùng sự phân phối sức hợp lý, chị đã giữ được sự đều đặn trong những bước chạy đến khi về đích. 2 VĐV Phan Thị Tường Vy (VĐV tự do) và VĐV Mlik (xã Gào) đã cố gắng bám đuổi ở phía sau trong suốt quãng đường 5 km nhưng không thể lật đổ. Đặc biệt ở khoảng 15 m cuối, chị Tường Vy và chị Mlik đã có màn đua nước rút gay cấn để rồi chị Tường Vy cán đích trước trong gang tấc.

VĐV Phan Văn Trường Phúc mang về tấm huy chương vàng cự ly 5 km nam trẻ cho Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Hà Phương

VĐV Phan Văn Trường Phúc mang về tấm huy chương vàng cự ly 5 km nam trẻ cho Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Hà Phương

Ở nội dung trẻ cho các học sinh bậc THCS, các VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đầu quân cho ngôi trường đang theo học là THCS Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện khả năng của mình. Dù không có chuyên môn về điền kinh, các em VĐV của các đội võ thuật vẫn thường xuyên tập luyện chạy bộ để trau dồi các kỹ năng về thể lực, sức bền…Ở cự ly 5 km nam trẻ, võ sĩ trẻ môn Vovinam Phan Văn Trường Phúc đã dễ dàng giành vị trí đầu số 1; ở cự ly 3 km nữ trẻ, huy chương vàng thuộc về võ sĩ môn Taekwondo Lê Thanh Mai.

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung (phải) trao thưởng cho các đơn vị đạt giải toàn đoàn nam chính-nữ chính. Ảnh: Văn Ngọc

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung (phải) trao thưởng cho các đơn vị đạt giải toàn đoàn nam chính-nữ chính. Ảnh: Văn Ngọc

Kết thúc giải đấu, Ban tổ chức đã trao 40 giải cá nhân cho những VĐV đạt thứ hạng cao nhất và 4 giải đồng đội ở 4 nội dung. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao giải toàn đoàn nam chính-nữ chính với giải nhất thuộc về phường Tây Sơn, giải nhì đoàn THPT Lê Lợi, giải 3 thuộc về BIDV Nam Gia Lai; giải toàn đoàn nam trẻ-nữ trẻ với giải nhất thuộc về THCS Huỳnh Thúc Kháng, giải nhì thuộc về THCS Lê Văn Tám và THCS Lý Thường Kiệt giành giải 3. Ngoài ra, giải phong cách dành cho đoàn có số lượng VĐV đông nhất được trao cho Ngân hàng BIDV Gia Lai.

Sau đây là những hình ảnh của giải đấu năm nay:

Ban tổ chức đã giới hạn thời gian cho từng cự ly. Ảnh: Hà Phương

Ban tổ chức đã giới hạn thời gian cho từng cự ly. Ảnh: Hà Phương

Giải đấu đã quy tụ hơn 500 VĐV tranh tài. Ảnh: Hà Phương

Giải đấu đã quy tụ hơn 500 VĐV tranh tài. Ảnh: Hà Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (số đeo 459) tham gia chạy ở giải năm nay. Ảnh: Hà Phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (số đeo 459) tham gia chạy ở giải năm nay. Ảnh: Hà Phương

VĐV Nguyễn Thị Kim Yến giành giải nhất ở cự ly 5 km nữ chính. Ảnh: Hà Phương

VĐV Nguyễn Thị Kim Yến giành giải nhất ở cự ly 5 km nữ chính. Ảnh: Hà Phương

Ban tổ chức trao giải cho 10 VĐV đạt thứ hạng cao nhất ở nội dung 10 km nam chính. Ảnh: Văn Ngọc

Ban tổ chức trao giải cho 10 VĐV đạt thứ hạng cao nhất ở nội dung 10 km nam chính. Ảnh: Văn Ngọc

Các đơn vị đạt thứ hạng cao nhất ở nội dung đồng đội nữ chính. Ảnh: Văn Ngọc

Các đơn vị đạt thứ hạng cao nhất ở nội dung đồng đội nữ chính. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Tuấn Anh và giấc mơ dang dở của bầu Đức

Tuấn Anh và giấc mơ dang dở của bầu Đức

(GLO)- Cuối cùng tiền vệ hào hoa Nguyễn Tuấn Anh cũng rời đội bóng Phố núi để tìm bến đỗ mới. Đây không đơn thuần là một cuộc chuyển nhượng cầu thủ chuyên nghiệp mà còn là cái kết cho một thế hệ vàng mang bao kỳ vọng của bầu Đức.