Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Vị đắng sau ống kính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những lần hợp tác rồi "trở mặt", những cuộc chiến bóc phốt, lật tẩy, khiêu khích nhau trên mạng xã hội của các chủ kênh mukbang cho thấy điều gì ? Đằng sau những video ăn uống ngon lành trên mạng xã hội mang không ít vị "đắng chát" của người trong cuộc.

Bóc phốt

Hồi tháng 5, giới mukbang Việt và những nhà sáng tạo nội dung nói chung trên mạng xã hội được phen xôn xao vì vụ tố nhau của một nhóm mukbang tại TP.HCM. Vụ ồn ào do một võ sư có kênh YouTube tên V.S.L phát clip tố cáo đồng đội ăn chia không đều khoản thu nhập từ YouTube.

Một mukbanger nhai sống ốc vòi voi nguyên con

Một mukbanger nhai sống ốc vòi voi nguyên con

Theo lời V.S.L, anh đã tham gia kênh F.H suốt gần 5 năm trời và là người chủ chốt trong việc sáng tạo, sản xuất các video cho kênh này. Tuy nhiên, gần đây V.S.L mới "ngã ngửa" khi biết kênh F.H thu được khoản tiền "khủng" YouTube chi trả nhưng anh chỉ được hưởng lương vài triệu đồng/tháng. Không lâu sau, chủ kênh F.H cũng lên giãi bày về việc phải khổ công ra sao để lập và duy trì kênh, đồng thời khẳng định mình đã chi trả xứng đáng cho V.S.L chứ không như lời tố cáo.

Tuy nhiên, dân mạng sau đó đã công kích kênh F.H vì cho rằng với thu nhập "khủng" mà YouTube chi trả cho kênh thì không thể "bóc lột", "lừa đảo" đồng đội một cách trắng trợn như thế. Chỉ trong vài ngày, lượng người theo dõi, đăng ký kênh F.H tụt giảm khoảng vài chục phần trăm so với trước. V.S.L cũng quyết định đường ai nấy đi, lập kênh riêng.

Được biết, V.S.L vốn là một võ sư dạy karate và là nhân viên của một công ty sản xuất xúc xích tại TP.HCM. Tình cờ quen biết F.H và hứng thú với việc sáng tạo nội dung mukbang nên V.S.L đã theo bạn làm kênh. Kênh F.H khá nổi với các video mukbang ăn thử thách và các video phổ biến có lượt xem từ 1 triệu đến hơn 3 triệu mỗi clip.

"Hầu hết các video phổ biến đều do tôi thực hiện nhưng tôi gần như chỉ được F.H trả tiền mua đồ ăn cho các buổi quay video", V.S.L bức xúc nói. Để thực hiện các video mukbang, chính V.S.L cũng tham gia ăn thử thách. Từ một người chơi thể thao chuyên nghiệp với vóc dáng cân đối, khỏe mạnh, anh tăng vụt lên gần 100 kg. "Mình cảm thấy bức xúc và hối hận vì đã đi theo kênh F.H, đánh đổi sức khỏe, sức lao động để rồi bị bóc lột", V.S.L chia sẻ.

Hiện tại, V.S.L đã ngưng ăn mukbang thử thách, tập trung làm food review (quảng bá ẩm thực) và mở một quán ăn nhỏ cùng vợ ở Q.Tân Phú. "Xem như một bài học nhớ đời, mất cả bạn và mất cả thời gian, tiền bạc", anh nói.

Trong khi đó, dù bị V.S.L bóc phốt nhưng kênh F.H hiện vẫn giữ nguyên các video triệu view có hình ảnh của anh. Theo chính sách của YouTube, các video dù đã phát sóng nhưng vẫn có lượng người xem thì chủ kênh vẫn được trả tiền theo lượt view.

Trong thời gian tìm hiểu những góc khuất của các mukbanger, PV nhận thấy hầu hết đều có xuất thân không chuyên về ngành truyền thông, không có kiến thức về mạng xã hội. Do đó, khi "dấn thân" vào các thử thách ăn uống và trở nên nổi tiếng, họ đều khá bối rối và bị cuốn vào việc phải quay clip nhiều hơn, thực hiện nhiều nội dung gây sốc hơn để giữ chân và thu hút người xem. Không ít người sau đó mới biết mình đang bị lạm dụng về cả sức khỏe lẫn hình ảnh cá nhân để chủ kênh thu lợi từ các video triệu view.

Cố nuốt thật nhanh để không phải trả tiền

Theo tìm hiểu, hiện có khá nhiều chủ kênh YouTube sử dụng các mukbanger quay video thi ăn theo thử thách hoặc cảnh ăn các món "độc lạ" và phát sóng trên kênh của họ. M.F, chủ một kênh mukbang tại TP.HCM, cho hay anh xuất thân từ mukbanger, đến khi kênh đã có thể bật nút kiếm tiền thì quyết định rút về hậu trường, làm quản lý cho các mukbanger trẻ.

"Mình biết có khá nhiều tranh cãi quanh việc chủ kênh có lợi dụng người ăn phát sóng để kiếm tiền, tuy nhiên ngay từ lúc mời họ tham gia kênh, mình luôn nói rõ việc ăn chia với kênh, nếu họ đồng ý thì tham gia, không ai ép buộc được", M.F nói.

H. "tốc độ" (phải) và chủ kênh M.F đang hợp tác làm mukbang

H. "tốc độ" (phải) và chủ kênh M.F đang hợp tác làm mukbang

Bản thân chủ kênh M.F từng làm nhiều nghề trước khi theo nghiệp mukbang. Anh cũng chia sẻ do tình trạng tăng cân mất kiểm soát nên phải ngưng ăn mukbang. Hiện tại, M.F đang quản lý khoảng 5 mukbanger trẻ. Kênh này thường tổ chức các cuộc thi ăn những món ăn "siêu to khổng lồ". H. "tốc độ", một sinh viên đang học ở TP.HCM là thành viên của team M.F. Do có khả năng ăn rất nhanh nên chủ kênh M.F đặt nickname cho mukbanger này là H. "tốc độ".

"Mình cảm thấy công bằng vì ngay từ đầu chủ kênh cũng đã nói rõ, ai đồng ý thì chơi thôi. Việc ăn thử thách giúp mình có thêm chi phí trang trải việc học, thay vì đi làm thêm kiếm thu nhập không nhiều bằng", H. cho biết.

H. "tốc độ" cố nuốt thật nhanh để vượt qua thử thách ăn bò dát vàng khô khốc

H. "tốc độ" cố nuốt thật nhanh để vượt qua thử thách ăn bò dát vàng khô khốc

Nói về trải nghiệm nghề nghiệp, H. chia sẻ: "Có lần mình tham gia thử thách ăn 800 gr bò dát vàng và 400 gr bánh mì trong 16 phút mà không cho uống nước. Thịt bò thì khô và bánh mì cũng khô, lúc đó nuốt đến đâu mình thấy đau cổ họng tới đó, mình phải bóp cho bánh mì mềm bớt và ráng nuốt thật nhanh để chiến thắng, chứ nếu thua thì phải trả tiền phần bò hơn 3 triệu đồng cho quán. Thực sự lúc đó mình không còn nghĩ đến phần thưởng, bởi sau khi trừ đầu trừ đuôi thì chỉ còn 6,9 triệu đồng, mà chỉ mong ăn thật nhanh cho hết để không bị lỗ. Nhưng mình vẫn xem đây là một cái nghề, dù không theo lâu dài".

Chủ kênh M.F thì nói: "Bản thân mình cũng bị chỉ trích vì không ít người cho rằng đang lợi dụng các em để kiếm tiền, nhưng nếu như vậy thì liệu họ có theo hợp tác với mình hay không?".

Chủ kênh M.F cũng kể thêm H. "tốc độ" bị mất răng nên gặp khó khăn trong việc ăn uống, quay mukbang. Mới đây, M.F đã mạnh tay chi gần 100 triệu đồng cho H. làm lại răng. "Thực sự mình cũng thương em và muốn em có sức khỏe tốt hơn chứ không hẳn vì em là cộng sự làm video. Vả lại, nhìn em dù lúc ăn hay trò chuyện cùng bạn bè đều ngại ngùng không dám cười nên mình mới quyết định hỗ trợ", anh cho hay.

Về vấn đề có hay không chuyện các mukbanger "nắm thóp" lẫn nhau để phòng hờ bị tố cáo sau khi "cơm không lành canh không ngọt"? Một "thánh ăn" giấu tên chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Mình thật không ngờ họ lại đem điểm yếu của mình để hăm dọa sẽ bóc phốt nếu mình rời kênh mà nói xấu chủ kênh hay làm phật ý họ. Chuyện là mình phải bỏ thai ngoài tử cung nên có tâm sự với một bạn trong nhóm ăn thử thách, bạn hứa sẽ không nói với ai nhưng sau đó gần như cả thế giới biết chuyện của mình giống như mình là đứa dễ dãi, thiếu đạo đức đến mức độ bất chấp thi ăn và bỏ con. Thực sự, nếu muốn bóc phốt chủ kênh thì mình cũng có nhiều bằng chứng nhưng dù sao mình cũng từng là cộng sự, thêm nữa mình chỉ muốn làm việc để tranh thủ kiếm tiền rồi rẽ hướng khác tìm nghề ổn định, bớt áp lực và không ảnh hưởng sức khỏe lâu dài do ăn uống quá nhiều".

Tâm sự của mukbanger trẻ khiến tôi rất băn khoăn về những cám dỗ từ hàng triệu ánh mắt đang theo dõi các clip ăn uống trên mạng. Liệu chúng ta có vô can với những hành động tưởng như đơn giản như bấm "like" (thích), "comment" (bình luận) ủng hộ hoặc công kích các "thánh ăn"? Vì dù là hành động nào, chúng ta cũng đang khiến họ được lên xu hướng và càng kích thích họ quay clip.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Áp lực từ 'flex, phông bạt'

Áp lực từ 'flex, phông bạt'

Sự bùng nổ công nghệ đã mở ra một thế giới trực tuyến rộng lớn, nơi các bạn trẻ có thể dễ dàng hòa mình vào mạng xã hội ngay từ sớm. Tuy nhiên, khi chưa đủ khả năng phân biệt rõ ràng giữa giá trị thật và giả, rất dễ bị cuốn hút bởi hình ảnh hào nhoáng, lối sống xa hoa của người nổi tiếng...

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 12: Sân chơi ý nghĩa

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 12: Sân chơi ý nghĩa

(GLO)- Trong số 23 sản phẩm và mô hình dự thi, 15 sản phẩm đã được vinh danh tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 12-2024. Sân chơi này do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.