Những năm qua, nhiều ban quản lý rừng đã buông lỏng trong quản lý dẫn đến hàng ngàn héc ta rừng và đất rừng ở Gia Lai bị lấn chiếm.
Hàng ngàn héc ta rừng và đất rừng tại Gia Lai bị mất, bị lấn chiếm. ẢNH: TRẦN HIẾU
Nhiều ban quản lý (BQL) rừng ở Gia Lai được giao quản lý, bảo vệ hàng trăm ngàn héc ta rừng nhưng lại bất lực, để mất hàng ngàn héc ta rừng. Còn cơ quan chức năng quá chậm trong việc xử lý hậu quả theo quy định của pháp luật.
Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng khá lớn với hơn 620.000 ha, được giao cho 36 đơn vị chủ rừng quản lý. Những năm qua, nhiều BQL rừng đã buông lỏng trong quản lý dẫn đến hàng ngàn héc ta rừng và đất rừng bị lấn chiếm.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Thanh tra tỉnh này tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp tại 10 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng.
Dù chỉ mới thanh tra được 6 đơn vị nhưng đã phát hiện rất nhiều sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là để mất rừng với diện tích khá lớn, lên đến hàng ngàn héc ta.
Cụ thể, tại BQL rừng phòng hộ Đăk Đoa, trong giai đoạn 2013 - 2018, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm với số tiền gần 5,4 tỉ đồng. Đơn vị này đã làm khống chứng từ để trục lợi ngân sách nhà nước trong các khoản như dịch vụ môi trường rừng; khoán chăm sóc, nuôi dưỡng rừng…
Tại BQL rừng phòng hộ Ia Grai, H.Ia Grai, từ năm 2001 - 2017 được giao quản lý 717 ha rừng nhưng đã để cháy, mất hơn 360 ha và chết gần 120 ha rừng. Nhưng đơn vị này không có báo cáo về tình trạng rừng bị lấn chiếm, bị mất rừng.
Liều lĩnh hơn, có 80 ha rừng trồng từ năm 2005 đã không còn rừng nhưng trong các năm 2015 - 2017, BQL vẫn ký giao khoán bảo vệ hơn 13 ha. Nhiều sai phạm khác tại đây cũng được thanh tra phát hiện như ký giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng chưa đúng quy định, hợp thức hóa chứng từ, lập chứng từ khống để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước… Tổng sai phạm lên đến hơn 16 tỉ đồng. Toàn bộ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Tình trạng quản lý lỏng lẻo cũng xảy ra tại BQL rừng phòng hộ bắc Biển Hồ. Đơn vị này được giao quản lý bảo vệ khoảng 8.000 ha. Trong 7 năm qua đã để mất gần 2.500 ha rừng. Cùng nhiều sai phạm khác bị phát hiện, hai cựu Trưởng BQL này là Nguyễn Đức và Tưởng Tín đã bị khởi tố.
Tại BQL rừng phòng hộ Ayun Pa cũng để mất hơn 550 ha rừng từ năm 2015 đến nay. Ngoài ra ban này còn có những sai phạm khác với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
Hai đơn vị là BQL rừng phòng hộ bắc An Khê và Ya Hội cũng để mất rừng và đất rừng với số diện tích lên đến gần 1.700 ha.
Vụ việc được Báo Thanh Niên phát hiện và sau đó Sở NN-PTNT Gia Lai, Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai từ nguồn thông tin của báo. Kết quả kiểm tra, thanh tra đã kết luận rằng: “Những thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh là đúng”. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra của Công an Gia Lai xử lý, song hơn một năm qua, vụ việc vẫn đang có dấu hiệu chững lại.
Ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói: “Mới 6 đơn vị thôi nhưng đã vi phạm đến hơn 5.000 ha. Công an tỉnh đang điều tra làm rõ. Sự việc rất phức tạp vì qua nhiều năm quản lý của các chủ rừng. Chúng tôi đang chỉ đạo làm nhanh công tác này”.
Trần Hiếu (Thanh Niên)