Krông Pa: Gian nan giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Krông Pa (Gia Lai) gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, trang-thiết bị hỗ trợ hạn chế trong khi lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh.
Lâm tặc cướp cả súng của kiểm lâm
Đầu tháng 10-2018, tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Nam sông Ba và Ia Rsai liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc dùng hung khí đe dọa, chống trả lực lượng chức năng. Cơ quan Điều tra Công an huyện Krông Pa đã khởi tố 1 bị can và đang củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố nhiều bị can khác liên quan đến các vụ việc này về hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, tại tiểu khu 1396, thuộc lâm phần của Ban QLRPH Nam sông Ba cũng đã xảy ra một vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, sáng 1-9-2018, đơn vị này cùng Ban QLRPH đã lập tổ công tác tiến hành truy quét tại tiểu khu 1396. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, tổ công tác gồm 2 cán bộ của Hạt Kiểm lâm là anh Lê Văn Hải, Bùi Ngọc Đồng và 3 cán bộ của Ban QLRPH phát hiện 1 xe công nông độ chế đang chở gỗ trái phép chạy về hướng tỉnh Đak Lak nên tiến hành truy đuổi. Khi đuổi đến nơi, tổ công tác thấy trên xe công nông chở 2 hộp gỗ rộng khoảng 90 cm, dày 25 cm, dài khoảng 3,5 m và 1 hộp gỗ xẻ vuông 50 x 50 cm, dài khoảng 3,5 m. Trên xe công nông này có 7 đối tượng trong tay đều cầm dao rựa cán dài. Ngoài ra còn có 1 đối tượng dùng xe máy chạy phía trước. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng các đối tượng này không chấp hành. 
  Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã phát hiện 38 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Văn Ngọc
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã phát hiện 38 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Văn Ngọc
Thấy vậy, anh Đồng đã nổ 3 phát súng chỉ thiên để yêu cầu dừng xe nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục di chuyển. Lúc này, anh Hải lấy súng của anh Đồng bắn tiếp 1 phát chỉ thiên. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn tỏ ra ngoan cố buộc anh Hải phải bắn 2 phát súng vào lốp sau xe công nông. Thấy vậy, 2 đối tượng lập tức lao xuống giằng co khẩu súng trong tay anh Hải, 6 đối tượng khác cũng lao đến cầm dao rựa uy hiếp tổ công tác. Tiếp đó, 1 đối tượng dùng cục đá uy hiếp anh Hải còn 1 đối tượng khác giật lấy khẩu súng AK47 rồi chĩa súng vào phía lực lượng chức năng để xe gỗ tẩu thoát. Đến khi xe gỗ qua địa phận tỉnh Đak Lak, các đối tượng này mới bỏ súng lại trả cho tổ công tác. 
Còn nhiều khó khăn
Tình trạng lâm tặc manh động chống người thi hành công vụ đã trở thành thách thức lớn với các lực lượng chức năng huyện Krông Pa. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Phạm Viết Xuân-Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa-thừa nhận: “Lâm tặc ngày càng tỏ ra manh động, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và các đơn vị bảo vệ rừng, đặc biệt là kiểm lâm còn hạn chế, chưa chặt chẽ khiến quá trình điều tra, xử lý còn gặp khó khăn”. Cũng theo Thượng tá Xuân, Công an huyện sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa đã xảy ra 38 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cất giữ lâm sản trái quy định 25 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 12 vụ và phá rừng 1 vụ. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 31 vụ, thu giữ 64,547 m3 gỗ tang vật, 3.200 kg cành, nhánh, gốc, rễ cùng 8,6 ster củi tạp; thu giữ 1 cưa máy, 2 xe ô tô, 1 công nông độ chế cùng 14 xe máy không có biển kiểm soát; tổng thu nộp ngân sách là hơn 106 triệu đồng.

Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay: Năm 2018, các ngành chức năng của huyện đã tăng cường truy quét để ngăn chặn tình trạng phá rừng. Do vậy, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn đã được hạn chế. Hạt Kiểm lâm huyện cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các huyện giáp ranh của tỉnh Phú Yên, Đak Lak để phối hợp kiểm tra, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm. 
Tuy nhiên, cũng theo ông Dụng, trên địa bàn có 2 Ban QLRPH Ia Rsai và Nam sông Ba. Hai đơn vị này quản lý hơn 36.000 ha rừng nhưng do thiếu biên chế cũng như trang-thiết bị, công cụ hỗ trợ, hạn chế về thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ nên hiệu quả chưa cao. Diện tích rừng do UBND các xã quản lý cũng rất lớn (hơn 47.000 ha) nhưng hạn chế về nguồn lực, lực lượng bảo vệ rừng cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. 
“Ngay lực lượng Kiểm lâm cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực khi địa bàn rộng và giáp ranh với các tỉnh bạn. Mỗi kiểm lâm viên địa bàn trung bình phải quản lý trên 6.000 ha rừng. Trang-thiết bị để phục vụ công tác cũng như chế độ chính sách vẫn còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ rừng còn gặp khó khăn trong bối cảnh các đối tượng lâm tặc ngày càng tinh vi, liều lĩnh”-ông Dụng nhấn mạnh.  
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.