Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Dám đam mê, dám nhận thử thách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Tôi có lợi thế khi nhận được lời khuyên của bố mẹ nhưng cũng nhận áp lực lớn hơn vì sinh ra trong một "gia đình xạ thủ". Bộ môn bắn súng là một bộ môn khó và có sự cạnh tranh cao, nếu muốn giành được huy chương, tôi phải cố gắng hơn nhiều người khác.

Nhưng khi không biết người khác cố gắng bao nhiêu nên tôi phải cố gắng hết mình", vận động viên Phạm Quang Huy - đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 chia sẻ.

Chiều 4/3, Báo điện tử Dân Trí tổ chức giao lưu trực tuyến với hai đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023: chị Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1992, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods) và anh Phạm Quang Huy (SN 1996, VĐV đội bắn súng Hải Phòng và đội tuyển bắn súng quốc gia Việt Nam).

Thành tích đến từ cách "yêu"

Tại buổi giao lưu trực tuyến, xạ thủ Phạm Quang Huy thường hay ví von đặc điểm, nét tính cách của mình với các kỹ thuật trong quá trình tập luyện bộ môn bắn súng. Và Huy cho rằng, những thành tích của anh đã đạt được đều đến từ cách "yêu" bộ môn này.

Trước khi đến với bộ môn bắn súng, Huy đã trải nghiệm và tập hip hop, trượt ván vì thích được trải nghiệm. Khi lên lớp 11, chàng trai được bố mẹ động viên tập thử bắn súng. Xuất phát điểm là con trai của xạ thủ lừng danh Phạm Cao Sơn (đã giành hơn 10 HCV SEA Games) và mẹ là xạ thủ quốc gia nội dung súng trường, Huy đã được tiếp xúc với bộ môn này từ bé sau mỗi lần "nghe lỏm" cuộc trao đổi của bố mẹ.

Xạ thủ trẻ Phạm Quang Huy tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thành Đông

Xạ thủ trẻ Phạm Quang Huy tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thành Đông

"Tôi có lợi thế khi nhận được lời khuyên của bố mẹ nhưng cũng nhận áp lực lớn hơn vì sinh ra trong một "gia đình xạ thủ". Bộ môn bắn súng là một bộ môn khó và có sự cạnh tranh cao, nếu muốn giành được huy chương, tôi phải cố gắng hơn nhiều người khác. Nhưng khi không biết người khác cố gắng bao nhiêu nên tôi phải cố gắng hết mình", Huy chia sẻ.

Theo xạ thủ trẻ, tình yêu với bộ môn bắn súng được thể hiện qua những ngày tháng luyện tập không ngừng nghỉ. Huy cho biết, có nhiều người hỏi anh: "Tập đi tập lại một thao tác chỉ trong hơn 10s và lặp lại hơn 6 tiếng mỗi ngày, có thấy chán không?".

"Tôi chỉ cười, cũng không biết lý giải thế nào. Tôi thấy, khi đã "mê" bộ môn này, tôi hay tìm tòi những chi tiết hay hoặc thao tác mới để cải thiện từng kỹ thuật một. Cả ngày tập bắn súng, về nhà tôi vẫn nghĩ về bắn súng bằng việc hình dung, tưởng tượng ra trước những tình huống để xử lý. Vì vậy, tôi thấy, công việc nào cũng có cái hay, thú vị, chỉ có điểm chung là mọi người hãy yêu và cố gắng cho công việc mình yêu thích", xạ thủ Phạm Quang Huy nói.

Đằng sau những giải đấu lớn, Huy nhận thấy, thành tích trong bộ môn bắn súng chỉ mang tính thời điểm và đôi khi là quá khứ. Vì thế, xạ thủ trẻ không quá phấn khích hay nghĩ về những thành tích quá lâu mà luôn coi đó là dấu ấn trên hành trình của mình. Điều giá trị nhất với Huy khi theo bộ môn này đó là học được sự kiên định, bản lĩnh.

Huy lý giải: "Khi đã dương súng vào bia, chỉ có bắn hoặc không bắn, chứ không có chuyện thử hay không thử. Do đó, mình phải kiên định, bản lĩnh, có sự chuẩn bị tốt để thực hiện phát bắn chuẩn xác. Một viên đạn chỉ được bắn khi kéo về phía sau. Cũng như vậy, trong cuộc sống của tôi, muốn chinh phục một mục tiêu nào đó, tôi cần trang bị, chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và kỹ năng của mình rồi mới "ngắm bắn'".

Điểm mạnh là dám làm, sai thì sửa

Là một gương mặt xuất hiện quen thuộc trên các phương tiện truyền thông đại chúng với 2 lần có trong danh sách đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2022 và 2023), doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thu Hoa luôn chia sẻ thông điệp về tinh thần hành động cho các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Thu Hoa thêm một lần được chia sẻ về câu chuyện của mình tới các khán giả trẻ. "Hành trang khởi nghiệp từ năm 18 tuổi của tôi chẳng có gì. Điểm mạnh duy nhất là dám làm, dám thử và suy nghĩ sai thì sửa", chị Hoa nói.

Chọn khởi nghiệp bằng đặc sản địa phương, khó khăn đầu tiên của chị Hoa đó là sản phẩm phải làm thủ công, truyền thống, không có công thức hay định lượng gì. "Trước đây, tôi làm việc từ 13 - 16 tiếng, đợt đầu khởi nghiệp chỉ ngủ 2-3 tiếng/tuần, "ăn ngủ" với thịt chua. Hơn nữa, đó là món ăn phổ biến ở địa phương, tùy thuộc khẩu vị mỗi người có thấy hợp khẩu vị hay không, nên để lan tỏa sản phẩm đến nhiều người là điều đầu tiên tôi sẽ phải cố gắng làm", cô gái Mường chia sẻ.

Trên hành trình của mình, chị Hoa cũng thường nhận được câu hỏi từ mọi người là khởi nghiệp cần những gì? Với kinh nghiệm cá nhân, chị Hoa cho rằng khi khởi nghiệp, điều đầu tiên là phải có tâm thế nghiêm túc. "Thật ra, khởi nghiệp rất đơn giản, chỉ cần bán được sản phẩm và làm ra tiền cũng gọi là khởi nghiệp. Nhưng điều khó khăn là khi sai, mình không quyết tâm thay đổi đến cùng thì rất dễ dừng lại", chị Hoa nói.

Trong năm 2024, cô gái dân tộc Mường sẽ bắt đầu đẩy mạnh dự án lan tỏa văn hóa, ẩm thực của dân tộc Mường bên cạnh hoạt động kinh doanh của mình. Động lực này xuất phát từ mỗi lần cô mặc trang phục người Mường tham gia các sự kiện về khởi nghiệp hay đi gọi vốn đều được đón nhận và lan tỏa rộng rãi hơn.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.