Gian nan công tác trồng rừng tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của trung ương và tỉnh, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng. Tuy nhiên, công tác trồng rừng ở Gia Lai hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Nỗ lực trồng rừng
Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên 1.551.013 ha, trong đó, diện tích rừng là hơn 646.992 ha (478.791 ha rừng tự nhiên, 153.937 ha rừng trồng, 14.264 ha rừng trồng chưa thành rừng), chiếm 85,5% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Giai đoạn 2017-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng bằng nguồn lực của tỉnh và huyện, doanh nghiệp cùng người dân trong tỉnh đã trồng được hơn 30.923 ha rừng, đạt 77,3% kế hoạch. Trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất được hỗ trợ theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hơn 8.918 ha; diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế hơn 1.482 ha; diện tích rừng trồng khác do người dân tự bỏ vốn đầu tư và trồng cây phân tán là 16.444 ha; diện tích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng là 4.079 ha.
Năm 2017, được chính quyền, ngành chức năng địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình bà Nay H’Phen (làng Tu 2, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) đã đăng ký chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất lâm nghiệp sang trồng 2 ha bạch đàn và 1 ha keo lai. Bà H’Phen cho biết: “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ cây giống và cán bộ kiểm lâm hướng dẫn quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Vừa rồi, thương lái tìm đến vườn bạch đàn hỏi mua với giá 90 triệu đồng nhưng gia đình chưa muốn bán”. Theo ông Trần Văn Đạo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên người dân nhận thức được việc trồng rừng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng. Từ năm 2017 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển đổi qua trồng rừng được gần 100 ha.
Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cấp cây giống cho người dân xã Đất Bằng để trồng rừng. Ảnh: Lê Nam
Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cấp cây giống cho người dân xã Đất Bằng để trồng rừng. Ảnh: Lê Nam
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 cho thấy, nhiều địa phương trồng rừng vẫn chưa hiệu quả, diện tích rừng trồng đảm bảo mật độ sống trên 50% chỉ đạt 87,7%. Việc thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng còn một số hạn chế như: việc thu hồi đất rừng chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của các hộ dân; diện tích đăng ký trồng rừng đa số nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho công tác khuyến lâm cũng như theo dõi, hướng dẫn, giám sát trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng; công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất đối với diện tích rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy, nhất là ở những khu vực nằm trong quy hoạch 3 loại rừng chưa đạt hiệu quả; một số loại cây trồng sinh trưởng kém, tỷ lệ cây sống ở một số diện tích trồng rừng đạt thấp.
Bên cạnh đó, phần lớn các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình và nguồn kinh phí này cũng chỉ đủ để mua cây giống, không đủ cho các khoản chi phí khác như: công trồng, chăm sóc, tiền mua cây trồng dặm. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về các nguồn vốn vay tín dụng, vốn vay ưu đãi và mức hỗ trợ chưa đủ thu hút, khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng, chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp...
Ông Rmah A Mon (làng Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) cho hay: Năm 2019, gia đình ông trồng 1,5 ha bạch đàn nhưng do nắng hạn, thổ nhưỡng không phù hợp nên gần 1 ha bị chết. Cây rừng trồng bị chết nhiều không đủ tiêu chuẩn nghiệm thu khiến gia đình thiệt hại về tiền đầu tư và công chăm sóc nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Giờ gia đình cũng không có kinh phí để trồng lại rừng.
Ông Phạm Văn Đạo-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh-thông tin: Thời gian qua, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài; diện tích quy hoạch trồng rừng phần lớn là đất sỏi đá, khô cằn, không phù hợp với cây keo lai, bạch đàn. Bên cạnh đó, chu kỳ khai thác trồng rừng dài, trong khi điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn. Giai đoạn 2017-2021, toàn huyện trồng được 319,5 ha rừng nhưng sau khi kiểm tra có đến 230,8 ha của 297 hộ dân bị chết do nắng hạn và sâu bệnh; không đủ tiêu chuẩn nghiệm thu, làm cho người dân bị thiệt hại về tiền đầu tư và công chăm sóc. Ngoài ra, đa số hộ trồng rừng trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn nên việc vận động các hộ hoàn lại tiền rất khó.
Cùng chung quan điểm, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay: Từ năm 2018 đến 2021, toàn huyện đã triển khai trồng được hơn 471,49 ha rừng từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định số 38/QĐ-TTg và nguồn vốn khác. Qua kiểm tra, nghiệm thu năm 2021 đối với diện tích rừng trồng giai đoạn 2018-2020, chỉ có 65,1 ha đạt yêu cầu (chiếm 20,52%). Nguyên nhân do diện tích rừng trồng manh mún, rải rác gây khó khăn cho công tác chăm sóc; thời tiết nắng nóng, cây trồng không hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng kém. Đặc biệt, phần lớn các hộ dân tham gia trồng rừng không có vốn đầu tư, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Khó chồng khó do chính sách hỗ trợ giảm
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tính đến ngày 6-10, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6.106 ha rừng (trồng rừng tập trung hơn 5.080 ha, rừng phòng hộ 30 ha, trồng cây phân tán hơn 995 ha), đạt 74,28% kế hoạch năm 2022. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần xem xét nâng định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng; có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp phù hợp với đất rừng của các địa phương để bổ sung vào cơ cấu cây trồng trong quá trình phục hồi rừng…
Ông Đinh Văn Khẩn-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer (huyện Chư Prông) cho hay: Năm 2022, người dân tự nguyện đăng ký trồng hơn 30 ha rừng nhưng đến nay mới trồng được gần 20 ha. Theo ông Khẩn, trước đây, mức hỗ trợ trồng rừng là 7 triệu đồng/ha/chu kỳ nhưng từ năm 2021 giảm chỉ còn 2,5 triệu đồng. Do mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ dân gặp khó khăn về kinh phí mua cây giống dẫn đến không mặn mà trong trồng rừng.
Ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng (bìa trái) trao đổi với người dân về chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng. Ảnh: Lê Nam
Ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng (bìa trái) trao đổi với người dân về chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông: Theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh thì khi nghiệm thu chăm sóc rừng trồng được thanh toán kinh phí đối với diện tích đạt tỷ lệ cây sống từ 50% trở lên so với mật độ thiết kế.
Tuy nhiên, từ năm 2021, việc hỗ trợ chỉ thực hiện đối với những diện tích tỷ lệ cây sống đạt từ 85% trở lên nên người dân chưa nhiệt tình tham gia trồng rừng. “Để nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng cần nâng mức hỗ trợ vì mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ hiện nay là quá thấp, chưa đủ kinh phí cho người dân mua cây giống cũng như chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, hàng năm, Nhà nước cần bố trí kinh phí tạm ứng cho người dân mua cây giống hoặc hỗ trợ cây giống để trồng rừng kịp thời vụ”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, kinh phí hỗ trợ thấp dẫn đến người dân không mặn mà trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, một số khu vực của tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất cằn cỗi khiến cây rừng phát triển kém, năng suất thấp; một số vùng có độ dốc cao, không có đường lâm nghiệp nên việc vận chuyển cây giống trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chưa có cơ chế liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; người dân cũng chưa được giao đất có sổ đỏ để vay vốn đầu tư trồng rừng...
Ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho biết: Theo kế hoạch, huyện trồng 110,4 ha rừng tập trung và 70 ha cây phân tán trong năm 2022. Nhưng đến nay, diện tích trồng rừng tập trung mới được 89,2 ha. Từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát quỹ đất đang sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện kê khai, đăng ký trồng rừng nhưng có rất ít hộ dân đăng ký. “Khó khăn nhất trong công tác trồng rừng là mức hỗ trợ trên một chu kỳ thấp, trong khi đối tượng trồng rừng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn; diện tích trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT không tạm ứng kinh phí cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký trồng rừng. Chỉ sau khi người dân trồng rừng, Sở tổ chức nghiệm thu mới giải ngân hỗ trợ”-ông Hải cho hay.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Mức hỗ trợ trồng rừng còn thấp nên khó thu hút được người dân tham gia. Bên cạnh đó, diện tích đất thuận lợi để mở rộng trồng rừng không còn nhiều. Thời gian tới, các cấp, các ngành nên điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho người dân trồng rừng, nhất là hộ dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ làm đường để đến chu kỳ khai thác, việc vận chuyển được thuận lợi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, mở các cơ sở thu mua, chế biến dăm gỗ keo lai, bạch đàn tại địa phương nhằm tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Sở Nông nghiệp và PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lâm nghiệp phù hợp với mục đích lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đạt kế hoạch 8.000 ha trong năm nay; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đường lâm nghiệp để người dân phát triển nghề trồng rừng. Bên cạnh đó, nghiên cứu, khảo nghiệm những giống cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, nhất là các huyện phía Tây và Đông Nam tỉnh, sử dụng giống lâm nghiệp cây đa mục đích; phối hợp với các cơ quan liên quan giao đất cho người dân trồng rừng”.
LÊ NAM - NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hội đồng nhân dân TP. Pleiku khai mạc kỳ họp thứ 8

Hội đồng nhân dân TP. Pleiku khai mạc kỳ họp thứ 8

(GLO)- Sáng 20-12, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 8. Chủ trì kỳ họp có các ông: Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; Nguyễn Đức Chín-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Pleiku.
Thị xã Ayun Pa đạt và vượt 21/24 chỉ tiêu nghị quyết

Thị xã Ayun Pa đạt và vượt 21/24 chỉ tiêu nghị quyết

(GLO)- Ngày 16-12, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch: Tháo gỡ ngay việc thiếu thuốc và vật tư y tế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch: Tháo gỡ ngay việc thiếu thuốc và vật tư y tế

(GLO)- Ngày 15-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị về công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các ban, ngành, đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Trao tặng giấy khen cho 231 tập thể, cá nhân Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên

Trao tặng giấy khen cho 231 tập thể, cá nhân Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên

(GLO)- Chiều 14-12, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Tây Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Hồng Phong-Phó tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Lê Văn Hưng-Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, Trần Trung Thành-Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên, Huỳnh Minh Sở-Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai.