Gia tăng tội phạm vị thành niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-10, Công an huyện Đak Đoa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Suk (SN 2001, trú tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) về hành vi hiếp dâm. Theo hồ sơ vụ án, ngày 7-4-2017, trong khi đi làm, Suk thấy chị N.T.T. (SN 1987) đang hái cà phê một mình tại khu vực rẫy ở làng Klót (xã Kon Gang) nên nảy sinh ý định hiếp dâm.

Quan sát xung quanh thấy không có người qua lại, Suk đã dùng chiếc khăn thổ cẩm che mặt nhằm tránh bị chị T. phát hiện rồi dùng vũ lực để thực hiện hành vi đồi bại. Sau khi nhận được đơn trình báo của nạn nhân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Đak Đoa đã xác định Suk chính là thủ phạm gây ra vụ án trên. Tuy nhiên,  do giấy khai sinh của đối tượng chỉ ghi sinh năm 2001 nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra phải tiến hành các thủ tục giám định xương để xác định độ tuổi chính xác của đối tượng là trên 16 tuổi hay dưới 16 tuổi tại thời điểm phạm tội để có cơ sở xử lý.

 

Hòa (bên trái) cùng đồng bọn gây ra nhiều vụ cướp tài sản của các đôi tình nhân. Ảnh: L.A
Hòa (bên trái) cùng đồng bọn gây ra nhiều vụ cướp tài sản của các đôi tình nhân. Ảnh: L.A

Theo kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, tại thời điểm phạm tội, Suk đã trên 16 tuổi. Trên cơ sở này, ngày 12-10, Công an huyện Đak Đoa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi hiếp dâm của đối tượng.

Nếu như trước đây, số đối tượng vị thành niên thường chỉ phạm tội ít nghiêm trọng và mang tính bộc phát, nhất thời thì hiện nay, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng với tính chất manh động, chuyên nghiệp hơn. Đáng lo ngại là ở tỉnh ta có dấu hiệu hình thành các băng, nhóm hình sự do người chưa thành niên cầm đầu hoặc tham gia.

Các đối tượng phạm tội khá đa dạng, tỷ lệ nữ giới chưa thành niên phạm tội cũng gia tăng. Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Hữu Hòa (SN 2001, trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku, là học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku) cùng đồng bọn dùng hung khí gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản của các đôi tình nhân, bị Công an TP. Pleiku bắt giữ vào tháng 7-2017;  vụ đối tượng Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 2000, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cùng đồng bọn có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Đức Cơ bắt giữ vào tháng 5-2017...

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.114 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng vị thành niên (chiếm 26,87% số vụ phạm pháp hình sự) với 1.921 đối tượng (chiếm 25,13% số đối tượng). Trong đó,  có 42 đối tượng nữ, 1.879 đối tượng nam; độ tuổi dưới 16 tuổi là 570 đối tượng, từ 16 đến dưới 18 tuổi là 1.351 đối tượng. Các vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra gồm: giết người 25 vụ, cướp tài sản 71 vụ, cưỡng đoạt tài sản 14 vụ, hiếp dâm, cưỡng dâm 22 vụ, cố ý gây thương tích 199 vụ, trộm cắp tài sản 503 vụ, cướp giật tài sản 50 vụ, gây rối trật tự công cộng 28 vụ và 309 vụ vi phạm pháp luật khác. Còn tính riêng  9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 115 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với hơn 170 đối tượng liên quan.

Qua phân tích của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị thành niên phạm tội. Trong đó, chủ yếu là do sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu trong xã hội; tình trạng thiếu việc làm; một bộ phận thanh-thiếu niên thích ăn chơi đua đòi, lười lao động, dễ bị ảnh hưởng các tiêu cực xã hội và bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; bị ảnh hưởng xấu từ phim ảnh bạo lực và những hành vi tiêu cực trên mạng Internet, kích thích sự hiếu kỳ, tò mò, dẫn đến hành vi vi phạm. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do gia đình buông lỏng quản lý, thiếu sự quan tâm đến việc giáo dục con cái. Công tác giáo dục tại nhà trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và chưa chú trọng đến việc giáo dục pháp luật cho học sinh. Các biện pháp giáo dục học sinh cá biệt, học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường đôi khi cứng nhắc, chưa thực sự nắm bắt được tâm lý học sinh để có cách giáo dục phù hợp…

Một vấn đề cũng đáng lo ngại hiện nay là tình trạng phạm tội của người chưa thành niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, công tác điều tra các vụ án liên quan đến số đối tượng này gặp không ít khó khăn vì theo như Thiếu tá Nguyễn Đức Hoàng-Phó Trưởng Công an huyện Đak Đoa thì: Một số chính quyền cơ sở còn sơ sài trong việc xác minh thông tin khi hướng dẫn bà con, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm giấy khai sinh. Vì vậy, giấy khai sinh của nhiều người ghi chưa chính xác, dẫn đến khó xác định được độ tuổi thật. Chính vì vậy, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, không để lọt tội phạm, nhiều vụ việc Cơ quan Điều tra phải tiến hành các thủ tục giám định tuổi thật của đối tượng, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến quá trình điều tra…

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.