(GLO)- Tại hội nghị giao ban công tác khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và ngành Y tế tỉnh diễn ra vào sáng 25-10, đại diện các cơ sở y tế kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của người bệnh thời gian tới.
Tỷ lệ người tham gia bhyt tiếp tục tăng
Trong 9 tháng năm 2016, sự phối hợp tích cực giữa ngành BHXH và ngành Y tế tỉnh trong việc thực hiện công tác khám-chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Thực hiện Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế-Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám-chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Theo thống kê của BHXH Gia Lai, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.163.585 người tham gia BHYT (đạt 81,95% dân số). Số người có thẻ BHYT đi khám-chữa bệnh BHYT trong 9 tháng năm 2016 khoảng 850.884 lượt, tương ứng số tiền quỹ khám-chữa bệnh BHYT phải chi trả trên 436 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ năm 2015).
Nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Ảnh: N.N |
“Bảo hiểm Xã hội Gia Lai đã ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT với 33 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (trong đó, 21 cơ sở y tế ký hợp đồng theo phí dịch vụ, 12 cơ sở y tế ký hợp đồng theo định suất). BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Viettel Gia Lai lắp đặt đường truyền internet, máy vi tính tại từng cơ sở y tế theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam nhằm triển khai thực hiện tin học hóa trong khám-chữa bệnh và thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, BHXH Gia Lai cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn cho các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hóa danh mục thuốc, vật tư y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật của từng cơ sở y tế lên hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam…”-ông Nguyễn Văn Mau-Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH Gia Lai) thông tin tại hội nghị.
Bên cạnh đó, thực hiện quy chế phối hợp với Sở Y tế Gia Lai, trong 9 tháng năm 2016, BHXH tỉnh và Sở Y tế đã kiểm tra 15 Trung tâm Y tế huyện và 32 Trạm Y tế xã. BHXH tỉnh cũng đã thẩm định và thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh với các cơ sở y tế ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT với số tiền kết dư 20% năm 2015 để lại địa phương là 47,933 tỷ đồng sau khi có số liệu thẩm định quyết toán với BHXH Việt Nam năm 2015. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã chuyển kinh phí kết dư quỹ định suất năm 2015 với số tiền gần 14,5 tỷ đồng cho 8 Trung tâm Y tế huyện.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tồn tại, vướng mắc trong thực hiện công tác khám-chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã được các cơ sở y tế kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ. Bác sĩ Nguyễn Đức Việt-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ nêu vấn đề: Việc thông tuyến khám-chữa bệnh BHYT tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình khám-chữa bệnh nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Có trường hợp người dân lạm dụng cơ chế này như đã khám-chữa bệnh, lấy thuốc tại xã nhưng rồi lại tiếp tục lên tuyến huyện khám gây khó khăn trong việc thanh-quyết toán khám-chữa bệnh BHYT…
Bác sĩ Ngô Chung Nghĩa-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê băn khoăn: Việc tăng giá dịch vụ khám-chữa bệnh BHYT sẽ có tác động nhất định đến nhóm đối tượng tham gia BHYT, nhất là người nghèo, cận nghèo và người thu nhập thấp vì phải đồng chi trả. Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết, nguồn thu tăng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng việc đầu tư có đồng bộ không, có hiệu quả không cần phải xem lại. Mặt khác, việc tỉnh đang thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cũng ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân…
Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT như: các văn bản hướng dẫn quy định một số dịch vụ kỹ thuật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; một số dịch vụ kỹ thuật không có trong thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám-chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; việc cung ứng thuốc phục vụ khám-chữa bệnh còn nhiều khó khăn, khó kiểm soát được thuốc đã sử dụng; còn sai sót về thủ tục hành chính...
Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành BHXH và ngành Y tế tỉnh để cùng tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện công tác khám-chữa bệnh BHYT sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới. Đặc biệt, 2 ngành sẽ chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh, thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế nhằm tránh trường hợp gian lận, trục lợi quỹ khám-chữa bệnh BHYT; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị và bố trí nguồn nhân lực phù hợp hơn nữa đối với tuyến y tế cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Như Ý