Gặp quán quân cuộc thi "Tiếng hát đại ngàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giành giải nhất cuộc thi “Tiếng hát đại ngàn” toàn quốc lần thứ nhất giúp giọng ca sinh năm 1994 Ksor Sơn làm dày thêm giải thưởng trong hành trình đến với âm nhạc. Chàng trai Jrai quê Phú Thiện tự nhận mình chỉ là một con chim nhỏ, cần đi khắp đất trời xa xôi để học hỏi, trưởng thành trở về bay “trong ngàn vì sao lung linh màu thảo nguyên” (*).
Không phải lần đầu giành giải nhất trong một cuộc thi âm nhạc, nhưng giây phút được xướng tên quán quân trong đêm chung kết “Tiếng hát đại ngàn” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại Đak Lak, Ksor Sơn không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Anh dành lời tri ân đặc biệt đến người mẹ Jrai tần tảo trong giây phút nhận giải khiến khán giả thấy cay mắt. “Đối với tôi, mẹ là người vĩ đại nhất. Cha mất sớm từ khi tôi lên 4, mẹ một mình làm nông nuôi 6 đứa con, dạy chúng tôi yêu thương nhau và không ngừng nỗ lực tiến lên. Anh chị em tôi đều trưởng thành, có người làm giáo viên, người là bác sĩ. Thành công của tôi luôn có hình bóng của mẹ, có sự hậu thuẫn, yêu thương rất lớn từ gia đình”-anh Sơn chia sẻ.
Có lẽ thiếu thốn tình cảm của cha nên khi hát “Đôi chân trần” (sáng tác Y Phôn K’sor) trong đêm chung kết “Tiếng hát đại ngàn”, Sơn đã thể hiện bằng tất cả nỗi khát khao. Và trong lời hát về cha ấy, anh còn thấy bóng hình của mẹ. Chàng trai Jrai tự sự: “Suốt nhiều năm tháng, mẹ đóng hai vai thay cha nuôi chúng tôi khôn lớn. Dù khôn lớn, chúng tôi vẫn luôn ý thức trân trọng, gìn giữ truyền thống gia đình, văn hóa người Jrai. Đó cũng là sợi dây kết nối để khi xa buôn làng, tôi vẫn nhớ và hát về quê hương bằng tình cảm chân thành, thiết tha”.
Ca sĩ Ksor Sơn. Ảnh NVCC
Ca sĩ Ksor Sơn. Ảnh: NVCC
Sau khi giành giải nhất “Tiếng hát đại ngàn”, Ksor Sơn lại tất bật tập luyện tiếp tục thi vòng sơ khảo cuộc thi Sao Mai do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Trước đó, anh từng giành nhiều giải thưởng âm nhạc như giải A “Liên hoan giọng hát hay tỉnh Đak Lak” (năm 2020) và giải B (năm 2018); nhiều huy chương vàng, bạc tại các các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đak Lak (chuyên ngành Thanh nhạc), Ksor Sơn về công tác tại Nhà hát Trưng Vương (TP. Đà Nẵng). Anh tâm sự: “Tôi muốn trải nghiệm và thử thách bản thân ở những vùng đất mới, tích lũy thêm chất liệu, kinh nghiệm để không chỉ hát mà thử sức ở lĩnh vực sáng tác. Tôi hạnh phúc khi dù ở trên sân khấu lớn hay nhỏ, tôi đều mang Tây Nguyên đi quảng bá qua con đường âm nhạc, được khán thính giả đón nhận, dành cho những tình cảm rất nồng ấm”.
Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà-Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San từng làm giám khảo trong cuộc thi có Ksor Sơn tham gia cũng ấn tượng về giọng ca nam người Jrai: “Sơn có chất giọng đẹp và đầy nội lực. Sơn đưa kỹ thuật thanh nhạc để xử lý, làm mới ca khúc nhưng khi hát thì bằng tình cảm hồn nhiên, trong sáng của một người con của núi rừng. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của dòng nhạc Tây Nguyên, nhưng Sơn hát mang đến những cảm xúc rất mới. Sơn còn là một chàng trai khiêm tốn, chịu khó học hỏi; dù hoạt động âm nhạc ở đâu em đều đóng góp cho âm nhạc Tây Nguyên”.
Ca sĩ Ksor Sơn trên sân khấu vòng sơ khảo cuộc thi Sao Mai 2022. Ảnh: NVCC
Ca sĩ Ksor Sơn trên sân khấu vòng sơ khảo cuộc thi Sao Mai 2022. Ảnh: NVCC
Nghiên cứu, trau chuốt về mặt kỹ thuật của người hát có thể mang lại sự tròn trịa cho ca khúc. Nhưng khi người hát làm chủ kỹ thuật, “tạm quên” yếu tố này để hát bằng sự hồn nhiên, thăng hoa trong từng câu hát, bài hát tất yếu chạm đến trái tim người nghe. Đó là cảm xúc của nhiều người từng nghe tiếng hát Ksor Sơn. Nói về người em trai mê ca hát từ nhỏ, chị Ksor H’On (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) kể: “Từ khi học lớp 6, Sơn đã tham gia nhiều chương trình văn nghệ ở trường, ở địa phương. Giọng Sơn rất hợp với những bài hát về tình cảm gia đình, tình yêu buôn làng, nghe tha thiết lắm. Vì vậy, Sơn được mời đi hát ở nhiều làng, xã suốt từ những năm học THCS”.
Ksor Sơn tâm sự, mẹ mong anh trở thành bác sĩ hoặc giáo viên để trở về đóng góp cho quê hương, nhưng anh lại thi trượt ngành y. “Nhưng cũng vì lý do đó, tôi mới có cơ duyên đi theo con đường âm nhạc. Mỗi lần có dịp về phố núi Pleiku, tôi đều đi hát ở một số sự kiện, nhà hàng ẩm thực truyền thống. Được đứng chung sân khấu với nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ người Jrai, Bahnar, tôi được truyền cảm hứng và học hỏi rất nhiều từ tinh thần cống hiến vô tư cho nghệ thuật”-anh chia sẻ.
--------------------------
(*) Lời bát hát “Ơi M’Đrak” (nhạc sĩ Nguyễn Cường).
HOÀNG NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

(GLO)- Tối 2-11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone mùa 2. Với phần trình diễn đầy ấn tượng của các ca sĩ: Isaac, Erik, Dương Domic, Hooligan, Ngọc Kayla, DJ Emma, Hype PG…sự kiện đã thu hút trên 15.000 khán giả tham gia.