(GLO)- Chuyện ẩm thực đang ngày càng được ngành Du lịch đề cao để thu hút khách, bởi một trong những con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim du khách là đi qua dạ dày. Trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay có sự hội tụ hương vị ẩm thực Tây Nguyên cùng món ngon 3 miền. Đây là điểm nhấn làm nên sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động lễ hội, góp phần quảng bá ẩm thực địa phương.
Ấn tượng đến từ ẩm thực
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 có sự hội tụ hương vị ẩm thực Tây Nguyên cùng món ngon 3 miền. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, chủ trì hoạt động ẩm thực tại lễ hội lần này-cho biết: năm 2009, gian hàng ẩm thực tại Festival Cồng chiêng Quốc tế tổ chức tại Gia Lai đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Và ẩm thực sẽ tiếp tục được giới thiệu, quảng bá tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 nhưng sẽ được tổ chức bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Lần này, ngành Du lịch bộc lộ rõ “toan tính” dần biến ẩm thực đặc trưng địa phương thành sản phẩm để khai thác, quảng bá hiệu quả cho du lịch. Để khi nhắc tới du lịch Gia Lai, ấn tượng về vùng đất này có dư vị của món ngon không dễ quên. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai chia sẻ: “Với kinh nghiệm tổ chức gian hàng ẩm thực tại Festival 2009, lần này chúng tôi sẽ tổ chức chặt chẽ hơn, mang đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên và món ngon 3 miền, với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia ẩm thực hàng đầu Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia, nhưng chúng tôi chỉ lựa chọn một số đơn vị đặc trưng, có tính chuyên nghiệp cao để mang đến sự phong phú, đặc sắc nhất để thêm một lần xác tín giá trị ẩm thực địa phương trong chiến lược lâu dài của ngành công nghiệp không khói”.
Ông Thành cho biết thêm, sẽ có 10 gian hàng ẩm thực 3 miền do Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Làng Du lịch Bình Quới và hơn 10 gian hàng ẩm thực Tây Nguyên của các quán Nhà tôi, quán nghệ nhân Ksor HNao, phở khô Hồng, cà phê Classic, Câu lạc bộ ẩm thực Gia Lai… Hỗ trợ Gia Lai trong hoạt động ẩm thực phục vụ lễ hội, đại diện Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh-bà Nguyễn Thị Khánh cho biết: “Các thành phố, quốc gia phát triển du lịch không nơi nào không đề cao vấn đề ẩm thực. Đây là xu hướng tất yếu mà các địa phương muốn phát triển du lịch đều cần hết sức chú ý. Gia Lai có những món rất thú vị mà dù ăn ở đâu cũng không mang lại được cảm giác như khi thưởng thức tại chỗ như phở khô, gà nướng, cơm lam. Vì vậy, Gia Lai phải làm sao để tạo được ấn tượng, để nhắc nhớ người ta rằng, chỉ đến vùng đất này mới thưởng thức trọn vẹn hương vị ấy. Các gian hàng ẩm thực tại Festival sẽ là cơ hội để quảng bá của ngon vật lạ, nhưng nó sẽ còn mang ý nghĩa lâu dài hơn đối với ngành hàng ăn uống ở đây”.
Ảnh: Đức Thụy |
“Hết lòng vì một kỳ lễ hội thành công”
Chọn nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các gian hàng là điều đương nhiên. Nhưng với sự tham gia của các chuyên gia về du lịch ẩm thực hàng đầu Việt Nam tại Festival lần này, các món ăn truyền thống sẽ được nâng tầm giá trị qua nghệ thuật trang trí, kỹ thuật chế biến dựa trên giá trị ẩm thực đã được xác tín. Anh Phạm Ngọc Sơn-đại diện quán Nghệ nhân Ksor HNao tham gia gian hàng ẩm thực tại Festival-cho biết: “Tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, quán đã đón lượng khách đông gấp 4-5 lần ngày thường. Dịp Festival dự kiến lượng khách sẽ còn đông hơn rất nhiều. Vừa phục vụ tại quán, vừa tham gia gian hàng ẩm thực tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, vì thế chúng tôi không chỉ tăng cường nhân lực phục vụ mà nguyên liệu cũng phải chủ động trước cả tháng, chủ yếu là gà ngon, nếp đồng bào, các loại rau rừng, lá mì. Chúng tôi sẽ làm hết sức vì một kỳ lễ hội thành công”.
Gà nướng, cơm lam sẽ là “món ngon nhớ lâu” khi du khách thưởng thức tại Gia Lai. Ảnh: M.C |
Không phải ngẫu nhiên mà liên tiếp các món ăn tại Gia Lai được vinh danh bởi các tổ chức uy tín. Đầu tiên là món phở khô (phở 2 tô) được tổ chức Kỷ lục châu Á bình chọn là giá trị ẩm thực châu Á; mật ong rừng cũng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Riêng gà nướng-cơm lam đương nhiên đã là món ăn đại diện cho ẩm thực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Ẩm thực Gia Lai đang đứng trước cơ hội để trở thành sản phẩm du lịch thực sự. Những nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ món ăn truyền thống này ở Gia Lai đã thành điểm đến không chỉ để ăn uống mà còn để du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa, tìm hiểu về vùng đất, con người. Ngoài các gian hàng ẩm thực tại Festival, du khách đến với lễ hội lần này có thể trải nghiệm thêm phong vị ẩm thực Tây Nguyên qua một số quán ăn, nhà hàng độc đáo quanh khu vực TP. Pleiku như: quán Bazan của cặp vợ chồng nghệ sĩ Ksor Thức-Ksor HHoanh (làng Chuét 1, phường Thắng Lợi); quán Nghệ nhân Ksor HNao (làng Kép, phường Đống Đa); quán Plây Cồng chiêng ngay sát nhà rông Làng Văn hóa-Du lịch plei Ốp; quán Plei Tiêng-xã Tân Sơn; nhà hàng Tơ Nưng-đối diện cổng vào danh thắng Biển Hồ... Thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên trong không gian đặc trưng mà ở đó, câu chuyện về cuộc sống, về con người, về văn hóa một vùng đất được kể lại qua từng món ăn thì có lẽ không gì thú vị bằng.
Minh Châu