Em trai nhận bằng cử nhân, 5 chị gái rơi nước mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày em trai út nhận bằng cử nhân ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Quy Nhơn trở thành kỷ niệm khó quên của gia đình vì 6 chị em khi đã hoàn thành nguyện vọng của người cha lúc còn sống.

Dự lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy đợt 2 năm 2024 của Trường ĐH Quy Nhơn vào ngày 8.11, không ít người xúc động khi nghe chuyện gia đình tân cử nhân Nguyễn Thanh Khoa (22 tuổi, khóa 43, ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Quy Nhơn, ở Bình Định).

6 chị em đều tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh

5 người chị ruột của Khoa cũng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Quy Nhơn, gồm: Nguyễn Thị Lệ Thi (48 tuổi, học khóa 17, giáo viên môn tiếng Anh), Nguyễn Thị Lệ Trinh (43 tuổi, khóa 22, nhân viên marketing), Nguyễn Thị Lệ Thuyền (39 tuổi, khóa 26, nhân viên marketing), Nguyễn Thị Thúy (34 tuổi, khóa 31, đại diện cho một công ty nước ngoài, chi nhánh tại TP.HCM), Nguyễn Thị Thanh Trúc (28 tuổi, khóa 37, đại diện cho một công ty nước ngoài, chi nhánh tại TP.HCM).

6 chị em là con của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tâm và bà Nguyễn Thị Tửu (ở khu phố Liêm Trực, P.Bình Định, TX.An Nhơn, Bình Định).

Bà Tửu (thứ 3, bìa phải) cùng 5 con gái đi dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai út Nguyễn Thanh Khoa. ẢNH: THÚY NGUYỄN
Bà Tửu (thứ 3, bìa phải) cùng 5 con gái đi dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai út Nguyễn Thanh Khoa. ẢNH: THÚY NGUYỄN

Ngày Khoa nhận bằng cử nhân, mẹ và cả 5 người chị đều về Trường ĐH Quy Nhơn dự lễ. Giây phút em trai út nhận bằng tốt nghiệp ĐH, các chị ngồi dưới không cầm được nước mắt. "Ba ơi! Chị em con đã thực hiện được nguyện vọng mà khi còn sống ba luôn trăn trở. Nhưng bây giờ ba không được chứng kiến…", chị Nguyễn Thị Thúy nghẹn nghào.

Luôn khắc ghi lời cha

Vợ chồng ông Tâm kết hôn năm 1974 và sinh được 6 người con (5 con gái và 1 trai). Gia đình đông con nhưng vợ chồng ông chỉ có vài sào ruộng cùng mảnh vườn cạnh nhà làm kế sinh nhai. Để có tiền nuôi con ăn học, ngày qua ngày, hai vợ chồng phải làm việc rất vất vả, nhiều hôm đến tận khuya.

"Nhà mình nghèo lắm, lại đông con đi học nên cuộc sống khá vất vả, thiếu thốn. Nhà tranh, vách đất, 6 chị em ngủ chung một chiếc giường, đắp chung một tấm vải dù mỏng lét. Hai đứa học lệch buổi sáng - chiều thì chung nhau một chiếc cặp và một đôi dép. Quần áo thì chị truyền em nối, không cần vừa, không cần đẹp, rách vá vài chỗ cũng không sao, miễn không vi phạm nội quy, miễn là được đi học…", chị Trinh kể.

Theo chị Thúy, ông Tâm là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất đối với cả 6 người con. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nên lúc nào ông cũng nhắc nhở các con phải nâng cao ý thức tự giác học tập.

"Ba mình dạy con ngắn gọn, súc tích lắm. Một số câu nói của cha được chị em mình khắc cốt ghi tâm như: muốn thoát nghèo chỉ có con đường duy nhất là học cho thật tốt; ba mẹ nghèo khổ, chỉ có thể bán mặt cho đất bán lưng cho trời, làm quần quật cả ngày mới đủ nuôi các con ăn học, khổ mấy ba mẹ cũng chịu được hết, miễn là các con phải ráng học cho thật giỏi; cầm cuốc hay cầm bút là tùy các con quyết định...", chị Thúy nói.

Dù quanh năm "chân lấm tay bùn" nhưng ông Tâm lại là người có nhãn quan khá thức thời và cấp tiến. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhận thấy đất nước mở cửa hội nhập thì ngoại thương phát triển, nhu cầu nhân lực biết ngoại ngữ sẽ cao nên ông định hướng các con học tiếng Anh.

"Ba nói rằng, biết tiếng Anh thì các con có nhiều lựa chọn, có nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập tốt. Ba còn đưa ra một tình huống rất dí dỏm: tưởng tượng con đi xe buýt, nhiều người không biết tiếng Anh, còn con ngồi đọc tờ báo nước ngoài, cũng xịn hơn hẳn chớ phải không...", chị Thúy chia sẻ.

Nguyễn Thanh Khoa (giữa) nhận bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Quy Nhơn. ẢNH: ĐHQN
Nguyễn Thanh Khoa (giữa) nhận bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Quy Nhơn. ẢNH: ĐHQN

Còn chị cả Nguyễn Thị Lệ Thi cho biết, ông Tâm luôn dạy các con về tinh thần tự lập và đùm bọc lẫn nhau. Ông Tâm dặn dò mấy chị em: "Ba mẹ nghèo nên chỉ có thể nuôi được một đứa tốt nghiệp ĐH thôi. Chị học xong ra trường ổn định việc làm rồi thì quay lại nuôi các em, dìu dắt các em đi học. Đừng để đứa nào phải bỏ học, đừng để sau này mình ăn cá thịt mà các em phải ăn mắm...". Nhớ lời cha dặn, mấy chị em luôn yêu thương, đùm bọc và động viên, hỗ trợ nhau trong học tập.

Tại sao cùng chọn một ngành học?

Năm 2006, ông Tâm mất vì bạo bệnh, bà Tửu cũng đau ốm liên miên, việc học của mấy chị em gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhớ lời cha dặn, 6 chị em luôn động viên, cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ.

Cha mất, chị Thi ra trường xin được việc tại một trường THPT gần nhà, chắt bóp chi tiêu, dành dụm nuôi em kề cận học ĐH và một đàn em học phổ thông. Rồi khi em ra trường, chị cả đi lấy chồng, em tiếp tục "kế nghiệp", rồi lại đến em tiếp theo... Cứ thế, cả 6 chị em cùng dìu dắt nhau vượt qua khó khăn và lần lượt bước qua cánh cổng ĐH.

"Hồi ấy, mình nghe ba tư vấn nên chọn thi đại học ngành ngôn ngữ Anh. Mình không chọn học các trường xa nhà vì điều kiện gia đình không cho phép. Sau khi vào học khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Quy Nhơn, mình mới thích tiếng Anh. Thầy cô trong khoa giảng dạy nhiệt tình, dễ hiểu, quan tâm sinh viên. Quan trọng nhất là các thầy cô truyền được cảm hứng và động lực cho bọn mình học tập...", chị Thi nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ: "Lúc đăng ký thi ĐH, em hỏi ý kiến các chị đi trước là học ngoại ngữ có ổn không? Có nhàm chán không? Các chị đều bảo là học ổn, vui, thú vị... Với lại các chị em sinh cách nhau 5 - 6 năm, lúc người em thi ĐH thì người chị ra trường đã xin được việc làm ổn định nên an tâm đăng ký học theo các chị đi trước".

Có thể bạn quan tâm

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

(GLO)- Từ một người "mất gốc" tiếng Anh, em Phạm Anh Kiệt-Lớp 11C5, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có sự bứt phá đầy ấn tượng. Ngoài nâng điểm trung bình môn lên trên 9, nam sinh này còn trở thành "thủ lĩnh" CLB tiếng Anh của trường và MC Anh ngữ cho nhiều chương trình ngoại khóa.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.